Phạt tiền và hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ nếu đưa cho người khác sử dụng

23/03/2020 17:29 GMT+7

Nếu cho người khác sử dụng văn bằng, chứng chỉ của mình thì người được cấp bằng có thể bị buộc hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ này ngoài việc bị phạt tiền.

Đây là một điểm mới được bổ sung trong dự thảo nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong trong lĩnh vực giáo dục vừa được Chính phủ ban hành lấy ý kiến.

Theo Điều 22 của dự thảo, có thể phạt từ 5-10 triệu đồng nếu vi phạm một trong các hành vi sau: Sử dụng văn bằng, chứng chỉ của người khác; cho người khác sử dụng văn bằng, chứng chỉ của mình; sử dụng văn bằng chứng chỉ bị tẩy, xóa, sửa chữa.

So với Nghị định 138/2013 đang có hiệu lực, dự thảo nghị định còn bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả với trường hợp cho người khác sử dụng văn bằng chứng chỉ của mình. Cụ thể, buộc hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ đối với hành vi vi phạm quy định trên.

Tuyển vượt chỉ tiêu phạt cao nhất 80 triệu đồng

Dự thảo cũng quy định nhiều mức phạt trong vi phạm quy định về hoạt động tuyển sinh.

Trong đó, đơn vị tuyển sinh sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng nếu thông báo tuyển sinh, công bố đề án tuyển sinh không đúng hoặc không đầy đủ, thông báo không đủ thời gian theo quy định.

Trường có thể bị phạt từ 20-30 triệu đồng nếu công bố chỉ tiêu tuyển sinh vượt số lượng quy định, phạt 30-40 triệu đồng nếu không công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, thực hiện không đúng đề án tuyển sinh đã công bố. Phạt 40-60 triệu đồng nếu tổ chức tuyển sinh chương trình có yếu tố nước ngoài khi chưa được phép thực hiện.

Về vi phạm về chỉ tiêu tuyển sinh, mức phạt cao nhất với bậc đại học là 50-70 triệu đồng với hành vi tuyển vượt từ 20% trở lên. Mức phạt này với bậc thạc sĩ, tiến sĩ từ 60-80 triệu đồng nếu tuyển vượt từ 20% chỉ tiêu trở lên. Biện pháp khắc phục hậu quả kèm theo là buộc giảm số lượng tuyển sinh năm sau tối thiểu bằng số lượng đã tuyển vượt.

Mức phạt mới trong dự thảo có tăng lên so với vi phạm tương tự trong Nghị định 138/2013 hiện đang áp dụng - phạt từ 40-60 triệu đồng với hành vi tuyển vượt từ 20% chỉ tiêu trở lên ở bậc cao đẳng, đại học, thạc sĩ và tiến sĩ.

Khai man giấy tờ để trúng tuyển phạt 10-20 triệu đồng

Vi phạm quy định về thi, cá nhân có thể bị phạt từ 5-7 triệu đồng nếu thông tin sai sự thật về kỳ thi. Hành vi làm mất bài thi có thể bị phạt tiền từ 12-14 triệu đồng; thi thay hoặc thi kèm người khác hoặc nhờ người khác làm bài hộ hoặc thi thay, thi kèm phạt từ 10-12 triệu đồng; 8-10 triệu với tổ chức chấm thi sai quy định; 6-8 triệu nếu đánh tráo bài thi.

Phạt tiền từ 4-6 triệu đồng với hành vi viết thêm hoặc sửa chữa nội dung bài thi hoặc sửa điểm bài thi trái quy định. Biện pháp khắc phục hậu quả kèm theo với mức phạt này là buộc khôi phục tình trạng ban đầu đã bị thay đổi đối với hành vi vi phạm quy định.

Dự thảo cũng đưa ra nhiều mức phạt tiền về vị phạm đối tượng tuyển sinh. Trong đó, riêng bậc đại học nếu tuyển sai người học, mức phạt cao nhất 60-80 triệu đồng nếu tuyển sai từ 30 người học trở lên. Đồng thời, buộc hủy bỏ quyết định trúng tuyển, trả lại người học số tiền đã thu.

Phạt tiền 20-30 triệu đồng nếu không thực hiện đúng quy định trong quy chế tuyển sinh. Đáng chú ý, phạt từ 10-20 triệu đồng với hành vi khai man, sửa chữa giấy tờ trong hồ sơ tuyển sinh để được trúng tuyển. Biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp này là nộp lại quyết định trúng tuyển và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi quyết định trúng tuyển với hành vi này.

Xúi giục người khác bỏ học có thể bị phạt tiền

Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền nếu xúi giục không đi học hoặc xúi giục bỏ học với người khác.

Theo đó, ở điều 28 của dự thảo, nghị định quy đinh phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với hành vi xúi giục không đi học hoặc xúi giục bỏ học đối với người học các cấp học phổ cập. Phạt cảnh cáo hoặc tiền 2-3 triệu đồng đối với hành vi cản trở việc đi học của người học các cấp phổ cập.

Ngoài ra, dự thảo còn quy định các mức phạt với hành vi vi phạm quy định về đào tạo liên thông, liên kết; tư vấn du học, quản lý văn bằng chứng chỉ, quy định thu chi tài chính.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.