Khó chấp nhận sai sót trong xử lý một vụ việc lớn
Hòa Bình kỷ luật 4 đảng viên có con được nâng điểmTheo thông tin từ Ủy ban Kiểm tra (UBKT) T.Ư, UBKT Huyện ủy Kim Bôi (Hòa Bình) vừa xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 4 cán bộ, đảng viên có con được nâng điểm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh Hòa Bình, gồm các ông, bà: Bạch Công Du, Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng H.Kim Bôi (có con học Trường ĐH Xây dựng); Nguyễn Thị Thoa, viên chức kế toán Trường tiểu học Vĩnh Tiến B (có con vào học Trường ĐH Xây dựng); Bạch Công Tình, Hiệu trưởng Trường tiểu học - THCS Bình Sơn (có con thi vào Học viện Cảnh sát nhân dân); Bùi Thị Thu Huyền, giáo viên Trường tiểu học - THCS Đông Bắc (có con thi vào Học viện Cảnh sát nhân dân).
Sau kết luận của UBKT Huyện ủy, các tổ chức Đảng có thẩm quyền đã tiến hành họp xem xét và biểu quyết thi hành kỷ luật 4 cán bộ, đảng viên nêu trên bằng hình thức khiển trách.
Lê Hiệp
|
Bộ GD-ĐT giải thích việc hủy thông báo và quyết định trên là do sai sót về mặt quy trình, chưa chặt chẽ về nội dung văn bản. Điều này một lần nữa cho thấy sự mập mờ, thiếu minh bạch trong xử lý sự vụ của Bộ GD-ĐT.
Trên thực tế, nhiều ý kiến cho rằng tác động lớn nhất dẫn tới quyết định này là nhiều cán bộ không “tâm phục khẩu phục” với các lý lẽ để xem xét kỷ luật mà Bộ GD-ĐT đưa ra. Thậm chí, Thanh tra Bộ còn làm văn bản gửi lãnh đạo Bộ GD-ĐT và Vụ Tổ chức cán bộ để phản ứng và đề nghị hủy quyết định trên. Trong đó nêu: “Không rõ hành vi vi phạm là hành vi nào, vi phạm điều nào của văn bản nào? Hội đồng kỷ luật đã không tổ chức xác minh, đánh giá theo trình tự, thủ tục quy định về xem xét, kỷ luật tại Nghị định 34 của Chính phủ; cả cơ quan Bộ có 13 công chức bị xem xét xử lý kỷ luật của 5 đơn vị thuộc Bộ, trong đó Thanh tra có 6 người, vậy có phải Thanh tra là cơ quan có hành vi vi phạm chủ yếu không?”...
Sau khi thông tin hủy quyết định và thông báo xem xét kỷ luật 13 cán bộ của Bộ GD-ĐT được đăng tải, dư luận thực sự hoang mang về cách làm của bộ này. Nhiều ý kiến cho rằng nếu giải thích là do vội vàng thì không thể thuyết phục bởi đây không phải là một việc làm gấp gáp khi mà sai phạm thi cử đã bị phát hiện hơn 1 năm qua, rất nhiều cán bộ ở các địa phương đã bị khởi tố bị can, xử lý kỷ luật... Bộ GD-ĐT trả lời hủy quyết định nhưng cũng không nhắc gì tới việc những người tham mưu dự thảo và ký các quyết định ấy sẽ phải xử lý ra sao? Những cán bộ bị thông báo xem xét xử lý kỷ luật nếu không đúng người, đúng “tội” phải được xin lỗi và “minh oan” thế nào?
Dưới bài viết Báo Thanh Niên từng đăng tải, bạn đọc bình luận: “Không thể chấp nhận được một vụ việc lớn như vậy Bộ GD-ĐT đã ra thông báo xem xét kỷ luật cũng như quyết định thành lập hội đồng kỷ luật công chức rồi mà nay lại thu hồi thông báo và hủy bỏ quyết định? Sao lại tắc trách như vậy hay có vấn đề gì cản trở đây? Độc giả đang chờ xử lý của Bộ GD-ĐT. Chẳng lẽ để xảy ra vụ việc đình đám, tai tiếng vậy mà Bộ GD-ĐT vô can ?”.
Phải có người chịu trách nhiệm cụ thể
Ngày 26.7 vừa qua, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội đã có buổi làm việc với Bộ GD-ĐT về công tác xử lý sai phạm kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 và kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Cổng thông tin điện tử của ủy ban này tường thuật phát biểu của Phó chủ nhiệm Ủy ban Ngô Thị Minh, trong đó nêu rõ: “Mặc dù những sai phạm này chủ yếu do lỗi chủ quan của cán bộ giáo dục ở địa phương nhưng đề nghị Bộ GD-ĐT làm rõ các khâu, từ việc ký hợp đồng, đấu thầu, nghiệm thu phần mềm chấm thi trắc nghiệm, đặc biệt cần tiếp tục hoàn thiện phần mềm để ngăn chặn sự can thiệp có chủ đích gây hậu quả lớn cho công tác chấm thi”.
Ông Nguyễn Lân Hiếu, đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang, khi nói về sai phạm kỳ thi năm 2018, đã nhấn mạnh: “Cử tri rất bức xúc và theo dõi, mong mỏi Bộ GD-ĐT xử lý nghiêm, chỉ ra những thiếu sót trong công tác tổ chức kỳ thi quốc gia những năm qua và người chịu trách nhiệm cụ thể không thể nói hoàn toàn là lỗi địa phương vì không phải chỉ một mà là nhiều địa phương phát hiện gian lận thi cử trong kỳ thi vừa qua”.
Ông Hiếu chỉ ra rằng mỗi năm một lần, Bộ thay đổi cách thức thi tốt nghiệp THPT nhưng càng cải cách, kết quả càng kém hơn, nhiều tiêu cực bị phát hiện hơn. Bộ không có biện pháp ngăn chặn; phần mềm chấm môn tự luận lỏng lẻo, bài thi trắc nghiệm không rọc phách... Bộ không đánh giá về kết quả thi hằng năm của các tỉnh, thành phố, tỷ lệ điểm, nếu phân tích kết quả không thể không đặt dấu hỏi, vì sao nhiều tỉnh miền núi điểm khá giỏi lại cao hơn Hà Nội, TP.HCM...
“Đây là lỗi hệ thống, lỗi quy trình rất cần có người chịu trách nhiệm trước nhân dân. Có như vậy, trong tương lai các thử nghiệm của Bộ GD-ĐT về quy trình thi cử nói riêng và trong hệ thống giáo dục nói chung mới bảo đảm tính nghiêm túc, khoa học và hiệu quả”, ông Hiếu nói.
Ông Nguyễn Sĩ Cương, đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận, nhận định Bộ GD-ĐT chưa thấy hết hệ quả tệ hại mà sai phạm mà kỳ thi 2018 mang lại. Nó khiến cho xã hội mất niềm tin vào giáo dục nước nhà.
Ông Cương cho rằng: “Là người tổ chức kỳ thi do chính mình xây dựng và tiến hành nhưng Bộ không kiểm soát được tình hình. Ngay cả sai phạm khi xảy ra thì không phải Bộ phát hiện mà do một nhóm các thầy giáo ở Hà Nội phát hiện, tố giác rồi Bộ mới vào cuộc. Chỉ khi xử lý triệt để vụ này thì mới lấy lại niềm tin của người dân và để người dân tin rằng đất nước này vẫn còn pháp luật”.
Trao đổi với PV Thanh Niên, GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội, cho biết ông không biết nguyên nhân thực sự của việc Bộ GD-ĐT ban hành thông báo và quyết định rồi lại thu hồi là gì và Bộ nên giải thích rõ, không để dư luận “đoán mò”. Tuy nhiên, về mặt nguyên tắc, GS Thi khẳng định: Chắc chắn Bộ GD-ĐT phải có trách nhiệm trong sai phạm thi THPT năm 2018 vì Bộ là cơ quan chịu trách nhiệm cao nhất về cả kỳ thi nói chung. Do vậy, phải có sự phân tích rất cụ thể về trách nhiệm được phân công của từng cá nhân, những cá nhân cụ thể nào “vướng” vào vi phạm nào.
Quan điểm là nghiêm khắc để xử lý gian lận
Trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại nghị trường ngày 31.5, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định: "Cá nhân tôi là Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, là phụ trách ngành xin nhận trách nhiệm và thiếu sót ở một số việc như sau: Thứ nhất, phần mềm thi trắc nghiệm vẫn còn lỗ hổng kỹ thuật dẫn đến một số người xấu lợi dụng để làm sai lệch kết quả thi. Thứ hai, công tác quán triệt quy chế thi và hướng dẫn nghiệp vụ chưa được chi tiết ở một số địa phương, nhất là khâu chấm thi. Thứ ba, công tác thanh tra, kiểm tra vẫn chưa thực sự sâu sắc trong các khâu, đặc biệt là khâu chấm thi ở một số địa phương. Về phía địa phương, ban chỉ đạo thi và hội đồng thi ở địa phương theo phân cấp chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình, đặc biệt là chọn cán bộ tham gia thi chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu, dẫn đến chủ động thông đồng và kết nối với nhau để làm gian lận này".
“Chúng tôi đã tổ chức kiểm điểm và rút kinh nghiệm toàn ngành qua hội nghị trực tuyến… Quan điểm của chúng tôi là nghiêm khắc để xử lý gian lận. Chúng tôi đề nghị các địa phương xem xét cho ra khỏi ngành những cá nhân hoặc học sinh có dấu hiệu vi phạm được cơ quan điều tra xác minh”, ông Nhạ phát biểu.
|
Bình luận (0)