Đài RTHK ngày 25.11 đưa tin các ứng viên phe đối lập giành được khoảng 390 ghế (tức gần 90%) trong tổng số 452 ghế tại các hội đồng quận ở Hồng Kông. Đây là chiến thắng lớn cho phe ủng hộ dân chủ vì cách đây 4 năm, họ chỉ chiếm khoảng 100 ghế.
Còn theo tờ South China Morning Post, phe dân chủ hiện kiểm soát 17/18 hội đồng quận. Với kết quả này, phe đối lập có thể giành được 6 ghế tại Hội đồng Lập pháp Hồng Kông và 117 ghế trong số 1.200 thành viên Ủy ban Bầu cử có quyền chọn ra đặc khu trưởng.
Cuộc bầu cử lần này có số người tham gia bỏ phiếu đạt mức kỷ lục là hơn 2,94 triệu người (hơn 71%), vượt xa con số 1,47 triệu người bỏ phiếu vào năm 2015.
“Đây là quyền lực của nền dân chủ. Đây là cơn sóng thần mang tên dân chủ”, theo Reuters dẫn lời Tommy Cheung, một cựu thủ lĩnh sinh viên giành được ghế ở hội đồng quận Nguyên Lãng. “Tôi tin rằng kết quả như vậy là do nhiều cử tri hy vọng sử dụng lá phiếu để thể hiện sự ủng hộ đối với phong trào biểu tình cũng như bày tỏ sự bất mãn với chính quyền Hồng Kông”, một cựu thủ lĩnh sinh viên khác là Lester Shum vừa đắc cử cho hay.
Ngay sau đó, Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho biết chính quyền Hồng Kông tôn trọng kết quả trên.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh “dù kết quả bầu cử ra sao”, Hồng Kông vẫn là một phần của đại lục. “Mọi âm mưu nhằm gây rối tình hình Hồng Kông, hoặc thậm chí phá hủy sự phồn thịnh và ổn định của đặc khu hành chính này, đều sẽ thất bại”, AFP dẫn lời ông Vương Nghị cho hay.
Còn phát ngôn viên Cảnh Sảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh rằng ngăn chặn bạo lực và vãn hồi trật tự hiện là nhiệm vụ tối quan trọng tại Hồng Kông. Ông nói thêm: “Chính quyền trung ương kiên quyết ủng hộ Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga”, theo Reuters.
Trong khi đó, giới phân tích nhận định kết quả bầu cử trên có thể gióng lên hồi chuông báo động ở Bắc Kinh và trong giới chức Hồng Kông. Theo họ, Bắc Kinh phải đánh giá lại tình hình ở Hồng Kông cũng như sẽ phải quyết định liệu có cách chức bà Lâm hay không.
Chiều 25.11, các tân hội đồng viên ủng hộ phong trào dân chủ đã xuất hiện tại Đại học Bách khoa Hồng Kông (PolyU), nơi còn khoảng 30 người biểu tình được cho là vẫn cố thủ bên trong. Họ hiện đối mặt với tình trạng vệ sinh kém, thiếu thốn thực phẩm và thậm chí một số người có vấn đề về sức khỏe tâm thần.
|
Bình luận (0)