Ở nhà buồn lắm, miễn sao được chạy
Nhân vật chính trong câu chuyện trên là ông Tô An (61 tuổi), sống cùng hai con trai trong một phòng trọ thuê ở đường Âu Cơ, Q.Tân Bình (TP.HCM). Vợ chồng ông ly hôn đã 7 năm, ông An không còn bà con thân thích gì ngoài 2 người con trai. Theo lời ông, câu chuyện mà mạng xã hội chia sẻ liên tục mấy ngày qua thật ra xảy ra vào năm ngoái 2020. Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, cả ba cha con ông đều dương tính.
Con trai cách ly 1 tuần là khỏi bệnh, còn ông thì trở nặng vì là người cao tuổi, có bệnh nền. “Đợt dịch này, xém xíu nữa là ba đi xa luôn rồi, may mà đi cấp cứu kịp. Ba sốt cao, huyết áp lên, tim đập nhanh, phải ôm chuyển lên bệnh viện dã chiến liền. Nửa tháng sau ba mới được về”, anh Tô Tiến (21 tuổi), con trai ông An, tâm sự.
Hình ảnh ông An được chia sẻ và dù trải qua sinh tử với Covid-19 nhưng ông vẫn tiếp tục làm shipper với thành tích nổi bật |
Gia Thanh |
Kể về câu chuyện cuốc xe 3 giờ sáng, ông nói nó xảy ra khi ông mới vào nghề năm ngoái. Ban ngày đông tài xế nên không nhiều đơn, kiếm được có vài chục ngàn. Ông quyết định chạy thêm ban đêm kiếm thêm tiền. “Gần cả năm nay, tôi không chạy đêm nữa rồi. Chạy đêm nguy hiểm, sợ bị cướp giật, với tôi cũng có tuổi rồi”, ông An chia sẻ.
Anh Tiến và cha không hiểu sao câu chuyện được chia sẻ rầm rộ lại trên mạng xã hội. Hai cha con cả đêm khó ngủ vì nhiều người Sài Gòn gọi điện hỏi thăm, giúp đỡ. Ông nói: “Điện thoại nổ quá trời luôn. Sáng dậy, tự dưng lại có tiền. Người thì vài trăm, người vài chục. Tôi rất cảm ơn mọi người, đang rầu sắp tới tiền nhà thì nay vui quá”.
Chị Trúc Phương dắt ông đi mua xe máy mới với sự chung sức của nhiều tấm lòng |
Trúc Phương |
Cuộc sống của ông bây giờ đã ổn định hơn. Anh Tiến cũng là tài xế xe công nghệ của app khác. Em trai thì vừa học vừa làm. Ba cha con mỗi người có công việc riêng rồi hùn tiền trang trải cuộc sống.
Tình người Sài Gòn
Nhớ lại thời gian là F0, ông kể: “Vào trong đó, bác sĩ kiểm tra ra bị tiểu đường. Một ngày tiêm 3 mũi ở bụng nè, sợ lắm. Bị bệnh đó rồi, chạy khuya quá không được, đến 9 - 10 giờ là buồn ngủ lắm”. Trải qua sinh tử với Covid-19, ông An tiếp tục công việc shipper dù con trai đã khuyên ngăn. Sau một năm chạy xe, dù cuộc sống ổn định hơn trước nhưng ông vẫn đam mê vì ở nhà quá buồn chán. Ông sợ nhiễm bệnh lần nữa nhưng công việc mưu sinh thì chẳng thể bỏ.
Mỗi ngày, từ 7 giờ 30 - 21 giờ (nghỉ trưa 3 tiếng), ông cố gắng chạy đủ cuốc, đạt 60 điểm để lãnh tiền thưởng từ app. “Lớn tuổi thì lớn tuổi cũng phải đi làm chứ. Ở nhà hoài cũng không được, buồn lắm. Nhiều khi ngồi chẳng biết làm gì. Xung quanh, mọi người đi làm hết, vắng hoe à. Tôi còn làm được thì làm thôi”, ông An cười nói.
Sau đợt dịch, anh Tiến nhiều lần can ông chạy xe, nhưng trước quyết tâm của ba, anh cũng từ bỏ. Anh để ông đi làm, miễn sao ông vui khỏe là được. Ông An thì luôn mang theo bình xịt khuẩn rửa tay và xịt hàng hóa khi tiếp xúc với khách. Ông vừa chạy chở hàng, giao đồ ăn và chở khách. Trước dịch, tài khoản xe công nghệ của ông đạt danh hiệu Siêu chiến binh. “Đợt rồi chạy ít, tụt xuống còn Chiến binh ưu tú à. Mà thôi kệ, miễn sao nó cho tôi chạy, đủ tiền này tiền kia. Cái tuổi này thì còn ai mướn đâu”, ông An cười nói.
Cảm động trước hoàn cảnh của ông, chị Nguyễn Đỗ Trúc Phương đứng ra quyên góp, dự tính ban đầu kêu gọi 50 triệu đồng nhưng số tiền đã nhiều hơn nên chị thay mặt nhà hảo tâm mua tặng ông xe máy, điện thoại mới và ti vi (40 triệu đồng) như một cần câu giúp ông chạy xe tốt hơn. Chị tâm sự sẽ gửi tiếp khoảng 60 triệu đồng tiền mặt để ông có kinh phí chăm lo cho con trai út. Công việc shipper đến với ông đơn giản vì mưu sinh nhưng dường như ông An đã yêu thích nó lắm. Mỗi lần nhắc đến nghề, mắt ông sáng rỡ và mỉm cười chia sẻ. Người đàn ông ngoài 60 tuổi vẫn mong muốn làm việc đến khi không thể nữa.
Bình luận (0)