Phía sau những người giữ biển Hoàng Sa - Kỳ 5: Hậu phương vượt bạo bệnh

11/07/2014 09:25 GMT+7

(TNO) Nhiều cảnh sát biển, kiểm ngư viên có cảnh ngộ riêng rất khó khăn. Nhưng vượt lên tất cả, người chồng kiên gan bám biển, người vợ cắn răng vượt qua những cơn đau, gánh vai trở thành trụ cột gia đình...

(TNO) Nhiều cảnh sát biển, kiểm ngư viên có cảnh ngộ riêng rất khó khăn. Nhưng vượt lên tất cả, những người chồng kiên gan bám biển đẩy đuổi giàn khoan Hải Dương-981, những người vợ cắn răng vượt qua cơn đau vì bạo bệnh, gánh vai trở thành trụ cột gia đình...

>> Phía sau những người giữ biển Hoàng Sa - Kỳ 1: Đám cưới chờ người về
>> Phía sau những người giữ biển Hoàng Sa - Kỳ 2: Giấu nhớ thương trong nước mắt
>> Phía sau những người giữ biển Hoàng Sa - Kỳ 3: Phấp phỏng từng dòng tin
>> Phía sau những người giữ biển Hoàng Sa - Kỳ 4: Những thế hệ đợi con, đợi chồng


Chị Nguyễn Thị Thi, vợ KNV Trần Văn Mỹ và con nhỏ trong nhà công vụ 

Hôm chúng tôi cùng Chi đội Kiểm ngư (KN) 3, Vùng KN 2 đến thăm chị Nguyễn Thị Thi (34 tuổi), vợ của kiểm ngư viên (KNV) Trần Văn Mỹ (39 tuổi, tàu KN 764) tại dãy nhà công vụ mới thấy hết sự vất vả của những người phụ nữ hậu phương.

 
Theo Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh TP.Đà Nẵng, đối với trường hợp chị Đặng Thị Phúc Thùy và bà Hoàng Thị Tự điều trị tại Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng thì Hội sẽ chi trả toàn bộ phần viện phí còn lại sau khi bảo hiểm thanh toán cho những trường hợp này.

Gia đình KNV Trần Văn Mỹ đặc biệt khó khăn. Anh Mỹ thường xuyên bám trụ ngoài thực địa, một mình chị Thi đi làm công nhân chế biến thủy sản ở KCN Thọ Quang TP.Đà Nẵng nuôi con trai 7 tuổi với đồng lương bấp bênh.

“Bây giờ công ty thu hẹp sản xuất, hôm nào có hàng thủy sản thì nhà máy gọi qua làm, làm ngày nào trả tiền ngày đó, không thì xem như thất nghiệp”, chị Thi kể.

Mấy ngày qua, được các tổ chức hảo tâm ghé thăm và tặng quà, chị đều dành dụm tiền gửi về quê cho mẹ chồng là bà Hồ Thị Ty (75 tuổi) mua thuốc bồi bổ vì sau khi bị tai biến, bà Ty nằm liệt giường, ở quê chỉ mỗi chồng chăm sóc.

Cùng cảnh ngộ là gia đình KNV Hoàng Văn Hòa, tàu KN 764 và vợ là chị Phan Thị Thu Thủy. Hai lần vượt cạn đều không có chồng bên cạnh, “2 năm 2 đứa” càng khiến bà mẹ trẻ 27 tuổi thêm vất vả khi một tay bươn chải chuyện gia đình.

Chị Phan Thị Thu Thủy, vợ KN viên Hoàng Văn Hòa tàu KN 764 một minh nuôi 2 con nhỏ, mẹ anh Hòa bị tai biến ở quê
Chị Phan Thị Thu Thủy, vợ KNV Hoàng Văn Hòa (tàu KN 764) một minh nuôi 2 con nhỏ. Mẹ anh
Hòa bị tai biến ở quê nhà

Hiện cả 3 mẹ con đều dựa vào đồng lương của anh Hòa. Nhà ở đi thuê, chị Thủy thất nghiệp lâu nay, cả nhà chi tiêu dè sẻn để còn gửi về quê nhà Thanh Hóa chăm lo cho mẹ anh Hòa bị tai biến.

“Yêu anh nên mình thấm chất “nhiệm vụ” của anh, là lo chuyện đất nước ngoài biển, thì mình cũng cố gắng hoàn thành “nhiệm vụ” người vợ, người mẹ trong bờ, nghĩ vậy nên mỗi lúc khó khăn mình thêm cứng rắn, mạnh mẽ vượt qua”, chị Thủy nói.

Một người vợ khác của lực lượng thực thi pháp luật trên biển cũng được xem là điển hình vượt khó là chị Phạm Thị Ngát (30 tuổi), vợ trung úy Mai Văn Thắng (36 tuổi, nhân viên hàng hải trên tàu Cánh sát biển 2016).

Chi đội KN 3 ghé thăm gia đình chị Phan Thị Thuy Thủy, vợ KN viên Hoàng Văn Hòa
Chi đội KN 3 ghé thăm gia đình chị Phan Thị Thuy Thủy, vợ KNV Hoàng Văn Hòa

Hôm vừa trở về từ thực địa, anh Thắng cũng không kịp về thăm chị vì tàu 2016 bị tàu Trung Quốc tấn công đâm hư hỏng nặng.

Ít người biết, từ năm 2013 đến nay chị Ngát vừa trải qua phẫu thuật u xơ thanh quản liền bị thêm chứng mắt mờ, thị lực suy giảm mạnh mà hiện nay vẫn chưa có điều kiện thăm khám. Cũng chính vì bạo bệnh, mà công việc giáo viên của chị Ngát cũng bị ảnh hưởng, trong khi đó, bố anh Thắng là thương binh còn mẹ anh cũng bị u bướu cổ, viêm xoang hàm.

Chống chọi với ung thư

Theo thống kê chưa đầy đủ của Chi đội KN 3, trong lực lượng hiện có 13 KN có người thân là vợ, cha mẹ lâm trọng bệnh, trong đó có 7 trường hợp bị tai biến liệt người, 4 trường hợp ung thư, còn lại là bệnh tim, suy thận mãn tính.

Gia đình vợ chồng KN viên Mai Văn Diệp (tàu KN 629) và chị Đặng Thị Phúc Thùy
Gia đình vợ chồng KNV Mai Văn Diệp (tàu KN 629) và chị Đặng Thị Phúc Thùy

 
Tiếp tục chương trình Đồng lòng hướng về biển Đông do Hội LHTN Việt Nam và báo Thanh Niên phát động, trong hơn 2 tháng qua, báo Thanh Niên đã trao 950 triệu đồng cho thân nhân các cán bộ, chiến sĩ CSB, KN viên lâm trọng bệnh, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với mức hỗ trợ từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng/trường hợp.

Giữa tháng 6, Báo Thanh Niên đến thăm gia đình KNV Mai Văn Diệp (tàu KN 629) tại căn nhà tập thể chưa đầy 15 m2 nóng như đổ lửa. Dịp này tàu KN 629 về bờ sửa chữa nên anh Diệp tranh thủ về thăm vợ là chị Đặng Thị Phúc Thùy cùng con trai 4 tuổi.

Hai anh chị đã cưới nhau được 5 năm, chị Thùy sau khi tốt nghiệp ĐH Kinh tế Đà Nẵng xin được chân làm ngân hàng. Những tưởng công việc 2 vợ chồng ổn định thì cách đây 3 năm, bất ngờ chị mắc căn bệnh ung thư tuyến giáp.

Chị Thùy kể vẫn nhớ rõ cảm giác bàng hoàng khi nhận hung tin, một mình chị lặng lẽ ra Bệnh viện 108 Hà Nội chữa trị, vì cha chị bị suy thận mạn tính, liên tục chạy thận ở Hà Tĩnh nên mẹ phải chăm cha, còn cha mẹ anh Diệp ở Thái Bình đều già yếu.

“Phần thì sợ, nhưng khóc nhiều vì buồn, do xa chồng, khi ấy lại phải xa con vì sau mỗi đợt điều trị Thùy phải cách ly con để không ảnh hưởng tác động của thuốc, mới 4 tuổi nhưng thằng cu đã đi khắp nơi để gửi nhờ chăm sóc mỗi lần cha đi biển, mẹ đi điều trị”, chị Thùy nói.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Tương, Chính ủy Bộ tư lệnh CSB tặng quà cho bà Hoàng Thị Tự bị ung thư thanh quản, mẹ Thiếu úy CSB Trần Kim Ba tàu 4032
Thiếu tướng Nguyễn Văn Tương, Chính ủy Bộ tư lệnh Cảnh sát biển tặng quà cho bà Hoàng Thị Tự bị ung thư thanh quản, mẹ của thiếu úy Trần Kim Ba (tàu Cảnh sát biển 4032)

Ban đầu cơ quan chị Thùy tạo điều kiện chữa trị, nhưng cứ 3 tháng một lần, chị Thùy liên tục đi chữa bệnh nên không thể đảm bảo công tác, do đó chị xin nghỉ hẳn vì quê ngoại ở Hà Tĩnh, quê chồng ở Ninh Bình cũng khó khăn, neo người nên không ai gần gũi chăm nom.

Số tiền nhỏ gia đình mấy năm dành dụm tiêu tan cho những lần chị Thùy một mình khăn gói đi Hà Nội chữa trị.

“Thiếu tiền, bọn em tính vay ngân hàng nhưng không được vì chỉ mỗi chồng có việc làm nên không đủ điều kiện, giờ còn nợ bà con họ hàng chừng vài chục triệu”, Thùy nói.

Nhìn dáng người gầy xanh liêu xiêu của chị Thùy, ai cũng cảm phục nghị lực của chị.

Báo Thanh Niên trao 100 triệu đồng cho cán bộ chiến sĩ tàu CSB 4032
Báo Thanh Niên trao 100 triệu đồng cho cán bộ chiến sĩ tàu Cảnh sát biển 4032

Dịp này, báo Thanh Niên cũng đã đến thăm và trao tiền cho bà Hoàng Thị Tự (trú xã Quảng Thái, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa), mẹ thiếu úy Trần Kim Ba, tàu Cảnh sát biển 4032 đang điều trị căn bệnh ung thư thanh quản tại Bệnh viện Ung thư TP.Đà Nẵng. Khi chúng tôi đến thăm, bà Tự vừa trải qua đợt phẫu thuật nên vẫn chưa nói được mà cứ huơ tay nhờ chồng là ông Trần Kim Ngọ phiên dịch.

Ông Vương Mạnh Hòa, đại diện Chi đội KN 3, cho hay vì đặc thù công việc mà đa phần cán bộ lực lượng KN đều “một cảnh hai quê”, nhất là nội ngoại ở xa thì những người vợ của KN, CSB đều là những trụ cột của gia đình khi chồng ra biển.

“Tuy còn khó khăn là vậy nhưng những người vợ của các KNV vẫn mạnh mẽ, xứng đáng là hậu phương vững chãi để chồng yên tâm cống hiến, phụng sự Tổ quốc, đảm bảo nhiệm vụ đẩy đuổi giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đang xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam mà nhân dân tin yêu giao phó”, ông Hòa nói.

Bài, ảnh: Nguyễn Tú

>> Ngư dân vẫn kiên cường giữ biển Hoàng Sa
>> Phải chuẩn bị mọi khả năng để bảo vệ chủ quyền
>> Giữ vững lòng dân để bảo vệ chủ quyền
>> Quốc hội kêu gọi kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.