Phía trước đầy hy vọng

28/01/2022 04:03 GMT+7

Tết Nhâm Dần đến với những vui buồn lẫn lộn. Bởi tết yêu thương, tết đoàn viên nhưng cũng có chút ngại ngần vì không ai muốn nhỡ mang dịch bệnh về quê hương, gia đình mình cả.

Dù ai cũng muốn tình yêu thương của mình với quê hương, với gia đình được thể hiện bằng những ngày sum họp dù ngắn ngủi.

Song dẫu có lo lắng thế nào thì tết này chính là cơ hội để chữa lành vết thương hậu Covid. Chỉ có yêu thương mới có thể cùng nhau bỏ hết mọi rủi ro, khó khăn năm cũ, hướng đến một tương lai đầy hy vọng phía trước.

Cuộc sum họp ngày tết cũng là sự thôi thúc quan tâm chăm sóc gia đình khi mình có dịp về quê, chứ không phải về quê chỉ để tham gia các cuộc vui, lễ hội hay tụ tập, nhậu nhẹt, ca hát với nhau… vốn là những hoạt động bình thường vẫn diễn ra trong các dịp lễ tết, nhưng trong hoàn cảnh hiện nay lại có thể gây nguy hiểm khi dịch bệnh vẫn rình rập quanh mình.

Gia đình ở quê càng mong con cái đi làm xa được trở về trong mấy ngày tết, chỉ “dám” mong những điều bất trắc, dịch bệnh đừng xảy ra với gia đình mình, với các đứa cháu nhỏ mà mình nuôi cho con cái đi làm ăn xa. Dẫu bây giờ chấp nhận sống an toàn, thích nghi với dịch cũng như tiêm phủ vắc xin đã làm phần đông bớt hoảng sợ hơn, song những nỗi lòng “rối như tơ vò” ấy là có thật. Phải thật hiểu, thật chia sẻ những cảm xúc ấy ở trong từng gia đình, xóm ấp. Nên về với gia đình mình là để yêu thương, để giúp ông bà cha mẹ mình những việc mà những đứa con xa không có cơ hội làm trong suốt năm qua. “Nhà cha mẹ ta sẽ về lợp lại”, câu thơ cảm động của nhà thơ Việt Phương từ hồi chiến tranh vẫn thời sự cập nhật ngay ở Tết Nhâm Dần này. Vì nó là tình yêu thương của những đứa con, mà yêu thương thì xuyên suốt thời gian, tỏa rộng khắp không gian. Có được cái tết đoàn tụ gia đình, ấm áp trong từng bữa cơm là niềm hạnh phúc trong thời điểm chưa thể yên ổn này. Sửa lại mái nhà, nấu một bữa cơm, ngồi nghe cha mẹ già kể chuyện… đó chính là cái tết yêu thương mang về quê nhà.

Mong sao tất cả cơ quan công quyền, những tổ chức, những lãnh đạo ở các địa phương có người lao động từ xa về ăn tết phải hết sức chăm sóc những người dân của mình, dù ở địa phương hay đang làm ăn xa. Hẳn nhiên chính quyền phải giữ gìn hết sức cẩn thận không để dịch bệnh lây lan, nhưng lại phải lan tỏa trách nhiệm với nhân dân, và đặc biệt nhất, lan tỏa tình yêu thương và thông cảm thật sự với nhân dân mình. Cả một năm khốn khổ vì dịch bệnh đã trôi qua, nhưng những đau thương, đau khổ, chấn thương và hậu chấn thương vì dịch bệnh thì còn lại, những chấn thương tâm lý càng khó chữa lành, nếu chúng ta thông cảm được những điều đó, thì cả ý thức đề phòng dịch bệnh và tình yêu thương nhân dân sẽ có cơ hội đồng hành cùng nhau trong dịp Tết Nhâm Dần này.

Tết yêu thương, mỗi người đều mong được yêu thương, từ người già tới trẻ nhỏ, từ người ở quê tới người xa quê, dù có về được hay không về được để đón tết tại quê nhà mình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.