Từ lâu, đề tài lịch sử đã trở thành mảnh đất màu mỡ để các nhà làm phim, cả điện ảnh lẫn khai thác cũng như liên tục có những kiến giải về những gì đã qua. Người xem thời nào cũng vậy, khi xem phim lịch sử, cũng đều có một sự tò mò nhất định về những gì đã diễn ra trong quá khứ. Những ai đã xem trận "cung đấu" trong The Favourite của đạo diễn Hy Lạp Yorgos Lanthimos đều mãn nhãn trước cung điện lộng lẫy của đế chế Anh cũng như thích thú về cuộc chiến hậu cung giữa bộn bề chính trị. Hay như một lịch sử Mexico đầy thăng trầm thập niên 1970 pha trộn với chất hiện thực đời thường nhưng đầy thi vị trong Roma của đạo diễn Alfonso Cuarón. Xa hơn một chút, ta có một La Mã hồi những năm 180 sau Công nguyên cũng biến động không kém giữa cuộc chiến giành ngai cùng sự trả thù đẫm máu trong Gladiator của nhà làm phim Ridley Scott...
Phim lịch sử, dường như đòi hỏi sự khách quan, tức phải chính xác. Trong lịch sử điện ảnh lẫn truyền hình, có những phim đã tuân thủ rất đúng nguyên tắc này nhưng lại có những tác phẩm bị chê bai vì lý do ngược lại. Trường hợp mới nhất là mùa thứ 4 của series phim về đời sống bên trong Hoàng gia Anh là The Crown (Hoàng quyền) được phát trực tuyến từ ngày 15.11 vừa qua. Đằng sau vẻ ngoài lấp lánh của những bộ trang phục cầu kỳ, lối sống hoàng gia sang trọng, phim bị các nhà sử học Anh bĩu môi vì khắc họa không đúng về các nhân vật có thật của lịch sử như Công nương Diana, Công tước William... Mặc dù vậy, phim vẫn nhận được rất nhiều lời khen của các nhà phê bình khi được chấm đến 97% trên Rotten Tomatoes. Từ Hoàng quyền, cùng nhìn lại những tác phẩm tuy hấp dẫn, hào nhoáng, không ít trong số chúng được ca ngợi từ... góc nhìn của người làm phim nhưng lại không đúng lịch sử dưới đây.
300
|
Bộ phim 300 (2006) của đạo diễn Zack Snyder nằm đầu tiên trong danh sách của trang Taste of Cinema. Nó sai ngay từ tiêu đề khi cố gắng tái hiện đúng 300 người lính Spartan trong cuộc chiến chống lại người Ba Tư năm 480 trước Công nguyên. Theo nhà sử học Hy Lạp sống vào thế kỷ thứ 5 là Herodotus, có gần 5.200 người lính Spartan chiến đấu với đội quân Ba Tư. Một nhân vật trong phim nói rằng, có hàng triệu người lính Ba Tư tại trận chiến nhưng theo ghi chép, chỉ có khoảng 300.000 người tham chiến khi đó. Họa sĩ truyện tranh 300 là Frank Miller, người đồng ý để đạo diễn chuyển thể tác phẩm của mình lên màn ảnh, cho rằng những sai sót về mặt lịch sử của phim là "có chủ đích" còn Snyder khẳng định tác phẩm của ông "đúng đến 90%".
Shakespeare in Love
|
Trang Reader's Digest gay gắt phản đối tác phẩm của đạo diễn John Madden, từng "ẵm" 7 giải Oscar tại mùa giải lần thứ 71, là nó "sai từ đầu đến cuối", từ cách phục dựng sân khấu cho đến sự kiện và lời thoại. Có thể kể ra là trong phim có cảnh Nữ hoàng Anh Elizabeth I đi xem kịch nhưng trong lịch sử, bà chẳng bao giờ làm điều này. Song bàn cãi lớn nhất nằm ở việc tác phẩm tái hiện lại nguồn cơn nhà soạn kịch lẫy lừng sáng tác vở Romeo và Juliet. Bộ phim cho rằng tình yêu đời thực giúp cho Shakespeare có nguồn cảm hứng sáng tạo vở kịch và ý kiến này không được giới nghiên cứu chấp nhận.
Amadeus
|
Dựa trên người thật việc thật nhưng bộ phim Amadeus lại khắc họa... trật lất tính cách cũng như đời tư của nhà soạn nhạc thiên tài người Áo Mozart. Bộ phim của đạo diễn Miloš Forman kể về mối quan hệ thù địch giữa Mozart và nhà soạn nhạc cùng thời người Ý Salieri nhưng thực chất, lịch sử vẫn chưa ghi nhận chứng cứ nào cho rằng họ là kẻ thù của nhau, thậm chí ngoài đời thật, họ gần như kính trọng nhau vì tài năng. Hay cái chết của thiên tài người Áo trong phim là do Salieri đầu độc, nhưng trên thực tế thì cha đẻ của bản nhạc Cầu hồn chết do bệnh.
JFK
|
Nói đến phim làm về cuộc đời Tổng thống Mỹ John F. Kennedy nhưng sai sự thật lịch sử không thể không kể đến bộ phim JFK của đạo diễn Oliver Stone. Khắc họa vụ ám sát vị Tổng thống này năm 1963, một vấn đề lịch sử mà đến hiện tại các học giả nghiên cứu vẫn chưa có câu trả lời dứt khoát thì các nhà làm phim đã "trả lời giúp": cái chết của John F. Kennedy là "có sự dính líu của cảnh sát". Không dừng lại ở đó, các lập luận trong phim về cái chết của vị nguyên thủ cũng bị đánh giá là "khó có thể chấp nhận".
Braveheart
|
Bộ phim sử thi, lãng mạn Braveheart (1995) của đạo diễn Mel Gibson, đã làm rất tốt nhiệm vụ ngợi ca vị hiệp sĩ huyền thoại William Wallace đã góp phần giúp Scotland giành lại sự độc lập trước Anh. Thế nhưng theo các nhà nghiên cứu sử, câu chuyện về vị anh hùng này có vấn đề ngay từ xuất thân của William Wallace khi họ cho rằng vị hiệp sĩ xuất thân từ nguồn gốc quý tộc còn trong phim lại mô tả là lớn lên từ hoàn cảnh nghèo hèn. Thậm chí, mốc thời gian lịch sử được phản ánh trong phim cũng sai... Dẫu vậy phim vẫn nhận được 10 đề cử tại giải Oscar lần thứ 68, thắng 5 giải, bao gồm Phim hay nhất năm.
Dunkirk
|
Bộ phim lấy đề tài thế chiến thứ hai là Dunkirk của đạo diễn Christopher Nolan là mốc son trong sự nghiệp làm phim của ông khi xét về chất lượng, kỹ thuật làm phim nhưng xét về việc xử lý chất liệu lịch sử để đưa lên màn ảnh thì... nhận được sự chỉ trích của truyền thông Pháp khá gay gắt hồi năm 2017. Lấy bối cảnh lịch sử có thật và rất nổi tiếng, Dunkirk tái hiện lại cuộc di tản quy mô lớn của quân đồng minh trước sự truy đuổi của phát xít Đức. Nhưng truyền thông Pháp nhận định, vì mải mê ca ngợi cách lính Anh "vượt khó" để về nước nên Christopher Nolan đã phớt lờ vai trò của quân Pháp trong chiến dịch. Phim cũng không đề cập sự có mặt của binh sĩ Anh và Pháp đến từ các thuộc địa ở châu Phi hay Ấn Độ thời điểm đó. Về phía các nhà phê bình điện ảnh Mỹ, họ rất yêu thích tác phẩm này khi chấm phim đến 92% trên Rotten Tomatoes.
Bình luận (0)