Phim Việt chiếu rạp: Có nên đổi mới nền tảng làm phim?

26/07/2022 13:17 GMT+7

Phim Việt mùa dịch và mùa hậu đại dịch, hầu như đều thất thu phòng vé ở rạp chiếu so với giai đoạn trước. Phim Việt chiếu rạp có nên tìm đường mới để đi tiếp?

Không khó để thấy, từ đầu năm 2021 đến hết nửa đầu năm 2022, từ những phim Việt kinh phí thấp rồi thậm chí cho đến các phim “bom tấn” Việt đều rơi vào thảm cảnh, “chết” thê thảm ngoài rạp chiếu bởi nhiều lý do khác hẳn nhau.

Có thể xem như “mở màn” cho câu chuyện “bom xịt” này là phim Sám hối của đạo diễn người Ấn gốc Việt Peter Hein, ra mắt tại thị trường Việt Nam vào 15.1.2021 với ngân sách đầu tư sản xuất ước lượng 50 tỉ đồng nhưng doanh thu phòng vé sau 10 ngày khởi chiếu chỉ chừng 1 tỉ đồng. Bất kể phim này từng đầu tư một đại cảnh tốn kém 7 tỉ đồng cho 7 ngày quay.

Tiếp nối cuộc chơi phim Việt kinh phí lớn sau phim Sám hốiGái già lắm chiêu V: Những cuộc đời vương giả của cặp đôi đạo diễn Bảo Nhân và Namcito, được những người làm phim này tiết lộ có kinh phí đầu tư 2 triệu USD (khoảng 46 tỉ đồng), phát hành ngày 5.3.2021, sau thời gian công chiếu có doanh thu phòng vé 56 tỉ, thấp hơn rất nhiều so với kỳ vọng của người làm phim, ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi thương hiệu làm phim của họ kể từ cột mốc doanh thu phim này.

Phim Trạng Tí phiêu lưu ký của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, từ nhà sản xuất Ngô Thanh Vân chỉ đạt mức doanh thu phòng vé là 22 tỉ đồng dù kinh phí sản xuất ước lượng 43 tỉ đồng. Phim Kẻ thứ ba do Lý Nhã Kỳ mua lại dự án đầu tư sản xuất, từ đạo diễn Hàn Quốc Park Hee Joon, phát hành ngày 13.5.2022, với kinh phí đầu tư ước lượng 33 tỉ đồng nhưng chỉ thu về được vỏn vẹn 1 tỉ đồng sau thời gian trụ rạp. Phim 578: Phát đạn của kẻ điên từ đạo diễn Lương Đình Dũng, ra rạp ngày 20.5.2022, đến hết thời gian công chiếu vẫn chỉ có mức doanh thu phòng vé khoảng 3,5 tỉ đồng - dù kinh phí sản xuất được người làm phim công bố tầm 60 tỉ đồng.

Một loạt phim Việt thất bại tại phòng vé

y.l

Trước đó, vào thời điểm khi chưa xảy ra đại dịch, giới làm nghề và giới truyền thông cùng với công chúng dễ dàng nhận thấy, phim Việt chiếu rạp có doanh thu ngoài trăm tỉ không phải là “của hiếm”. Chẳng hạn như Tiệc trăng máu của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đạt 180 tỉ đồng, Bố già của đạo diễn Trấn Thành và Vũ Ngọc Đãng đạt được doanh thu kỷ lục với 420 tỉ đồng ngay tại thị trường trong nước.

Hẳn nhiên, trong giai đoạn hiện tại, không riêng điện ảnh Việt mà điện ảnh thế giới cũng đang gặp khó về tình hình doanh thu khi phát hành phim, gần như chưa thể phục hồi như cũ, kể từ lúc đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới. Chỉ là trong cái thế “mạnh gạo, bạo tiền”, các hãng phim ở các quốc gia có nền điện ảnh phát triển ắt hẳn sẽ đủ sức trụ vững, rồi dần lướt qua “đỉnh sóng” này của thị hiếu người dùng mới, của thói quen mới sau đại dịch. Chẳng hạn như với việc xem phim trực tuyến (streaming) chứ không phải chỉ duy nhất là ra rạp xem phim, theo phương cách truyền thống.

Hình ảnh quảng bá phim của nhà làm phim Mark O’Connor người Ireland, mở bán NFTs (trên nền tảng Opensea) với phim Oui Cannes, từ MovieCoin đầu tư

y.l

Vậy, liệu rằng phim Việt chiếu rạp có tồn tại, theo thế sẽ phải có cơ hội sống sót được trong bối cảnh hiện có, bất kể đó là phim kinh phí cao hoặc thấp?

Bởi, phim có ngân sách đầu tư lớn mà doanh thu phòng vé cứ mãi rớt thê thảm, dĩ nhiên chẳng có nhà đầu tư nội địa nào còn đủ lực “trường vốn” để liên tục tái đầu tư vào “cái lỗ không đáy” cho người làm phim.

Với các phim chiếu rạp thuộc hàng nhỏ lẻ về kinh phí sản xuất, đến từ các nhà làm phim mới, ở dạng mô thức phim độc lập về nhiều khâu liên quan, tất yếu cũng sẽ sớm bị rơi vào tình thế “bán nhà” và bị loại khỏi cuộc-chơi-tiền-tỉ của ngành phim, đôi khi là ngay từ phim đầu tay nếu thất thu phòng vé dưới mức hòa vốn.

Con đường mới của việc làm phim trên thế giới trong kỷ nguyên công nghệ số

Hiện tại đang có một khuynh hướng làm phim mới trên thế giới: Kêu gọi vốn cộng đồng bằng hình thức bán trước NFTs (Non-fungible token, tạm dịch: Mã thông báo không thể thay thế), là một đơn vị dữ liệu được lưu trữ trên nền tảng công nghệ Blockchain (Sổ cái kỹ thuật số). Khác với những loại tiền mã hóa như Bitcoin, mỗi NFT sẽ không thể hoán đổi cho nhau, mỗi NFT cũng sẽ đại diện cho một tập tin độc nhất vô nhị. Hoặc, đại diện cho một mặt hàng kỹ thuật số độc nhất, chẳng hạn như tác phẩm nghệ thuật (phim, ảnh, tranh vẽ, bản nhạc...).

Thực trạng thường thấy là luôn có nhiều nhà làm phim không đủ tiền làm phim, ngoại trừ họ là "Bố già” Francis Ford Coppola lừng danh! Vì thế họ phải cần sự hỗ trợ chủ lực của một hãng phim về nguồn kinh phí, để đầu tư sản xuất cho dự án của mình. Với cộng đồng nhà đầu tư NFTs, những người sáng tạo - nhà làm phim - vốn thường làm việc dưới mọi sự chi phối và quyết định phần nhiều mang tính áp đặt từ giám đốc sản xuất hãng phim, chẳng hạn, nay có thể được toàn quyền tự do sáng tác, để được làm bộ phim mà họ mong muốn.

Đồng thời, điều tuyệt vời của NFTs là sẽ từng bước cách mạng hóa phương thức phim điện ảnh tìm kiếm nguồn vốn đầu tư và phát hành. Mỗi ngày, người dùng - khán giả tiềm năng - có thể trở thành nhà đầu tư phim, đơn giản bằng cách mua và được chia sẻ lợi nhuận phim thông qua các đợt mở bán trước NFTs.

Một trong những người đi tiên phong trong lĩnh vực này, Neils Juul - nhà sản xuất đứng đằng sau các phim Silence, The Irishman của Martin Scorsese mới đây đã ra mắt công ty sản xuất phim KinoDAO, nhằm tận dụng ưu thế của NFTs để đầu tư cho phim độc lập.

Neils Juul (trái) - nhà sản xuất đứng đằng sau các phim Silence, The Irishman

Y.l

Juul chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn rằng các kịch bản xếp hàng ngoài kia không được làm ở mức 10-20 triệu USD vì các studio hứng thú hơn với "Vũ trụ điện ảnh Marvel" và nhiều franchise khác. Ông nghĩ rằng các “đường ống” phim độc lập đang bị thắt cổ chai, và một số nhà sản xuất không có lựa chọn tài chính khả thi nào khác là phát sóng trên các dịch vụ trực tuyến như Netflix.

Trước đó, hồi cuối năm ngoái, Juul tạo nên NFT Studios với mục tiêu tận dụng NFTs để kêu gọi góp vốn cộng đồng cho những phim kinh phí thấp. A Wing and a Prayer - bộ phim đầu tiên của NFT Studios, là một bằng chứng của ý tưởng với ngân sách 10 triệu USD. KinoDAO là công ty con của NFT Studios.

Một ví dụ khác, MovieCoin - một công ty khởi nghiệp tiền số đang tạo ấn tượng bằng cách đầu tư một phần vào bộ phim về boxing - Prizefighter: The Life of Jem Belcher. Phim là câu chuyện về cuộc đời võ sĩ quyền anh Jem Belcher (1781- 1811), nhà vô địch quyền anh của toàn vương quốc Anh giai đoạn 1800- 1805. Dự án phim này có sự tham gia diễn xuất của ngôi sao Russell Crowe. Amazon Prime sẽ được phân phối phim này tại Mỹ và vương quốc Anh, dưới dạng phim độc quyền.

Trưởng nhóm phát triển của MovieCoin, James Hickey, chia sẻ rằng sự đột phá của NFTs trong quá trình làm phim là “quyền lực có thể được chuyển giao cho nghệ sĩ và sau đó chuyển sang đa kênh trung gian, trong một chuỗi cung ứng”.

Hickey bày tỏ: “Bằng việc mã hóa quá trình tiền kỳ và bán NFTs đại diện cho các quyền tương lai, chúng ta thực sự tin rằng toàn bộ ngành công nghiệp sáng tạo liên quan phim ảnh sẽ thay đổi, hoặc ít nhất cũng dẫn đến việc đưa mọi người đến một thương vụ tốt hơn”.

Công ty này dự định sẽ giúp gọi vốn cho những bộ phim kinh phí thấp, để xem quá trình bán NFTs sẽ có thể ảnh hưởng như thế nào đến quá trình sản xuất phim. Bằng việc chia nhỏ rủi ro với những bộ phim ngân sách thấp hơn, công ty có thể thử nghiệm, trước khi chính thức đầu tư cho những bộ phim kinh phí cao của Hollywood.

Một phim được MovieCoin đầu tư 100% kinh phí bằng cách tiền mở bán NFTs (trên nền tảng Opensea) là phim Oui Cannes của nhà làm phim Mark O’Connor người Ireland. Đạo diễn trẻ này từng gây ấn tượng mạnh với giới phê bình tại Giải thưởng Điện ảnh và Truyền hình Ireland (Irish Film and Television Awards), với phim Cardboard Gangsters vào năm 2017, kinh phí sản xuất ước lượng chỉ tầm 400.000 euro. Dự án Oui Cannes đặt mục tiêu trở thành bộ phim đầu tiên được tài trợ hoàn toàn thông qua NFTs và đầu tư từ cộng đồng tiền điện tử thông qua nền tảng của công ty khởi nghiệp. Ngân sách dự kiến tầm 2,5 triệu euro.

Hình ảnh quảng bá phim của nhà làm phim Mark O’Connor người Ireland, mở bán NFTs (trên nền tảng Opensea) với phim Oui Cannes, từ MovieCoin đầu tư

y.l

Nhận xét về chiến lược tài trợ cho dự án phim mới của mình, nhà biên kịch kiêm đạo diễn Mark O’Connor cho biết: “Tôi luôn rất quan tâm đến việc tài trợ từ đám đông, nơi công chúng có thể sở hữu cổ phần trong một bộ phim. Nó mang lại sự tự do cho nghệ sĩ, có thể loại bỏ việc bị mắc kẹt tài chính trong quá trình ấp ủ và phát triển một dự án phim trong nhiều năm. Với tiền điện tử, công chúng có thể mua NFTs, đại diện cho cổ phần trong lợi nhuận của một bộ phim và những NFTs này sau đó có thể được giao dịch trên thị trường mở”.

Hồi tháng 4 vừa rồi, Oui Cannes đã tung ra đợt mở bán NFTs đầu tiên trên nền tảng Open Sea. Và theo trang dự án chính thức của Open Sea, mỗi NFT đại diện cho 0,14% chia sẻ lợi nhuận từ bộ phim này. Quan trọng hơn, nhà làm phim Mark O’Connor tin rằng NFTs cũng có thể được xem như một cách phát hành mới, nhất là cho các phim độc lập. Những người mua trước NFTs để đầu tư cho phim kinh phí thấp có thể xem phim, một khi phim được phát hành, song song đó cho phép NFTs đóng vai trò như một cách thức mới để xem phim tại nhà.

Phim NFTs tại Việt Nam thì sao?

Thật ra cũng không phải bây giờ thì giới làm phim ở Việt Nam mới bắt đầu quan tâm đến ứng dụng đầy tiềm năng của hệ sinh thái NFTs, trên nền tảng công nghệ Blockchain.

Vào khoảng giữa năm 2021, đạo diễn Việt kiều Charlie Nguyễn - người từng tạo tiếng vang lớn ở thị trường phim chiếu rạp về doanh thu phòng vé với phim Em chưa 18 (ra mắt năm 2017) - đã thử “bắn phát pháo hiệu” đầu tiên, thông qua một dự án có tên gọi chung là FAM Central, dựa trên nền tảng KardiaChain - một startup công nghệ Blockchain ở Việt Nam.

Dự án này tìm cách “gõ cửa” cộng đồng NFTs của người Việt trong lẫn ngoài nước, đặc biệt là sự kết nối với công nghệ DeFi (viết tắt của từ Decentralised Finance, tạm dịch là Tài chính phi tập trung). Tuy nhiên do đợt bùng phát dịch Covid-19 tại Việt Nam trong giai đoạn ấy, dự án đã ít nhiều bị gián đoạn.

Đạo diễn trẻ Phạm Thanh Hải đang thực hiện dự án Chó săn

Y.l

Tiếp nối mô hình mang tính tiên phong của người đàn anh trong giới làm nghề làm phim tại Việt Nam, đạo diễn trẻ Phạm Thanh Hải - nguyên là giám đốc điều hành sản xuất tại Studio68, hãng phim của nữ diễn viên Ngô Thanh Vân sáng lập - hiện trong vai trò chủ đạo về quản lý danh mục đầu tư ở hãng phim mới của mình, gần đây cũng đã chính thức phát động dự án Chó săn (thể loại hành động võ thuật đấu võ đài MMA) bằng hình thức kêu gọi vốn cộng đồng trên platform (nền tảng) NFT5 của Remitano (đơn vị hậu thuẫn của NFT5), ứng dụng tiềm năng công nghệ Blockchain.

Hình ảnh giới thiệu dự án Chó săn, trên trang Remitano- NFT5, với sự xuất hiện của diễn viên hành động Ron Smoorenburg

y.l

Phim Chó săn có sự tham gia của võ sư - diễn viên - đạo diễn hành động nổi tiếng người Hà Lan Ron Smoorenburg trong vai trò diễn xuất và cả vị trí đạo diễn hành động. Tính đến nay, Ron Smoorenburg đã tham gia hỗ trợ đóng thế các pha nguy hiểm với 44 phim hành động lớn nhỏ, cùng 69 vai diễn ở khắp các nền điện ảnh Đông, Tây. Anh từng hợp tác với nhiều tên tuổi lớn của dòng phim hành động võ thuật tầm cỡ quốc tế, như: Thành Long, Tony Jaa, Jean-Claude Van Damme, Chân Tử Đan, Iko Uwais, Steven Seagal, Scott Adkins...

Hiện tại dự án Chó săn được giới thiệu thuộc dòng phim độc lập giải trí đang được cộng đồng người chơi NFTs ở Việt Nam hưởng ứng khá nồng nhiệt.

Tiềm năng đầy hứa hẹn của cộng đồng NFTs trên thế giới và cả ở Việt Nam đã và đang thay đổi cách mà nghệ sĩ - nhà làm phim nghĩ về đầu tư phim, trong tương lai gần. Một khi các dự án phim độc lập gọi vốn qua nền tảng NFTs thành công, ngành công nghiệp sáng tạo này thực sự có bước ngoặt mới, với những thay đổi lớn mà nó tạo ra đối với các nhà làm phim toàn cầu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.