Phim Việt thời thiếu vai để đời: Bỏ phí người tài!

27/09/2012 10:38 GMT+7

Phim phải ra rạp hoặc lên sóng trong một khoảng thời gian ngắn với kinh phí thực hiện càng ít càng tốt. Cũng để hạn chế kinh phí, nhà làm phim mời những diễn viên trẻ mới vào nghề để không phải trả cát-sê cao.

>> Phim Việt thiếu vai diễn để đời

Nhiều “mỹ nam, mỹ nữ” liên tục xuất hiện trên màn ảnh nhỏ thời gian qua với hàng trăm nhân vật được thể hiện. Điện ảnh cũng gặp tình trạng bùng nổ diễn viên, có những người đẹp mang danh diễn viên nhưng không ai nhớ đã đóng trong phim nào. Các nhà làm phim liên tục thay mới diễn viên chỉ sau một vài vai nhàn nhạt khiến cho cả một nền phim ảnh thừa lượng mà thiếu chất. Trong khi đó, dàn diễn viên nổi danh một thời bị lãng quên bởi khó có nhà sản xuất tung tiền ra mời họ diễn.

Lướt qua rồi mất hút

Ở các nước, diễn viên thuộc các thế hệ như Lý Hùng, Trương Ngọc Ánh, Ngô Thanh Vân, Thanh Thúy… vẫn còn nhiều cơ hội diễn xuất trong điện ảnh thì ở Việt Nam họ khó lòng cạnh tranh với giới trẻ, dù rất có tài và dày dạn kinh nghiệm trong diễn xuất. Thanh Thúy - gương mặt nổi trội một thời của điện ảnh lẫn phim truyền hình nhưng thời điểm này nhắc đến việc chọn vai trên màn ảnh rộng chị lại than “không cạnh tranh nổi với chân dài!”.

 Diễn xuất được đánh giá không thua kém các ngôi sao điện ảnh quốc tế nhưng diễn viên Ngô Thanh Vân lại không có nhiều cơ hội thể hiện
Diễn xuất được đánh giá không thua kém các ngôi sao điện ảnh quốc tế
nhưng diễn viên Ngô Thanh Vân lại không có nhiều cơ hội thể hiện
(cảnh trong phim Ngọc Viễn Đông) - Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp

Cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà hàng loạt gương mặt mới được ưu ái chọn đóng vai chính trên phim, chủ yếu là giới “chân dài”. Khi kinh phí làm phim giảm tối đa thì nhà sản xuất cũng phải tính đến chuyện gia giảm thù lao của diễn viên. Tiền cát- sê trả cho diễn viên tên tuổi có thể lên đến hàng chục triệu đồng/tập phim trong khi nhà sản xuất có thể tiết giảm được phân nửa nếu chọn những gương mặt “mới nổi, đang lên”. Chưa kể, không ít người trẻ chấp nhận không nhận tiền thù lao để có vai diễn.  Từ đó có những gương mặt mới diễn xuất không mấy ấn tượng nhưng liên tục có cơ hội xuất hiện trên màn ảnh nhỏ.

“Sao thật” thì hiếm có cơ hội xuất hiện trên màn ảnh nhỏ, không phải vì thiếu tài năng mà khan hiếm vai hay hoặc không được mời vì lý do kinh phí eo hẹp...; trong khi diễn viên trẻ không thực tài thì khó trụ được lâu. Đạo diễn - diễn viên Đỗ Đức Thịnh nói “phim ảnh Việt bây giờ xài diễn viên hao quá”. Những gương mặt trẻ cứ hết lớp này đến lớp khác nối gót lên sóng truyền hình, tràn qua màn ảnh rộng, cũng đôi lần được khoác danh hiệu “sao” nhưng thiếu đào tạo nên khó tiến xa hơn.

Dễ dãi quá hóa nhạt

Đạo diễn - diễn viên Đỗ Đức Thịnh nhận xét:  “Thời trước, được một vai diễn chúng tôi mừng lắm rồi, xem đó là cơ hội quý báu để nỗ lực hết mình. Bây giờ mọi thứ sao dễ dàng quá, ai cũng có thể đóng phim. Có lẽ vì vậy mà các bạn trẻ bây giờ không biết quý trọng những gì mình có”. Thật vậy, thời buổi làm nghệ thuật không cần trau dồi khổ luyện, chỉ cần có chút sắc vóc, quen biết là đã có thể “lên phim”; diễn viên cũng không có quyền chọn lọc vai diễn vì không có người này thì nhà sản xuất cũng sẽ tìm được người khác. Vòng luẩn quẩn này khiến cho phim ảnh càng lúc càng vắng dần những tên tuổi có dấu ấn riêng.

Cuộc sống không cho họ sự lựa chọn và trong thời buổi “có vai đã là mừng, đợi một vai hay rất khó” thì việc lên tiếng từ chối những vai nhạt là cả một thách thức. Khó trách người trẻ lao vào những vai nhàn nhạt bởi ngoài đam mê còn có nhu cầu kiếm sống. Một diễn viên trẻ tâm sự: “Mình không nhận thì cũng có người khác thay, từ chối vai, xét cho cùng cũng chỉ có bản thân mình thiệt thòi”.

“Dẫu biết rất khó nhưng đến lúc diễn viên trẻ cần mạnh dạn nói lời từ chối vai nhạt, chờ cơ hội thử thách mình. Bởi ai cũng biết rõ những vai diễn dễ dãi sẽ dẫn đến khán giả dễ quên và một khi đã mất niềm tin ở khán giả thì rất khó lấy lại”- một nhà chuyên môn nhìn nhận.

Thà đóng ít mà khán giả nhớ

“Đã là diễn viên thì phải biết từ chối, phải biết vai nào là phù hợp với mình chứ cứ nhận bừa rồi xem đó là cơ hội thì cũng sai lầm. Có thể sẽ không dễ sớm có vai diễn để đời nhưng làm nghề, quan trọng là đừng giậm chân tại chỗ. Tìm cơ hội ở những dạng vai khó, khác hơn cũng là một bước thử thách mình. Tôi vẫn mong dù chưa phải là để đời nhưng nhân vật của mình có thể sẽ không quá mờ nhạt, dễ lãng quên” - diễn viên Minh Luân bày tỏ.

Một trong những gương mặt khá kén vai diễn, chấp nhận thậm chí cả năm ròng không đóng phim để chờ vai hay là nam diễn viên Ngọc Hùng. Luôn là “sự lựa chọn hoàn hảo” cho đạo diễn Lê Phương Nam trong những bộ phim từng phát sóng ấn tượng: Đồng quê, Vịt kêu đồng, sau này tiếp tục có mặt trong phần 2 bộ phim Những đứa con biệt động Sài Gòn, Ngọc Hùng nói chỉ nhận những vai diễn nào anh cảm thấy thật sự ấn tượng và biết mình đủ khả năng thể hiện có hồn. Cũng không ít lời mời đóng phim nhưng tần suất xuất hiện của Ngọc Hùng rất thưa trên màn ảnh nhỏ. Hỏi anh có sợ vắng bóng lâu quá sẽ bị khán giả quên, gương mặt trẻ này nói thà đóng ít phim nhưng được khán giả nhớ đến vai diễn.

Theo Tiểu Quyên / Người Lao Động

>> Vào mùa phim Việt
>> Sống chết với nghiệp diễn: Thở dài với phim Việt
>> Hai phía chân trời': Phim Việt, quay ở châu u
>> Phim Việt đầu tiên về bóng rổ học đường
>> VTV9 ra mắt giờ phim Việt mới
>> Khung phim Việt trên K+PC
>> Phim Việt 2012: Đa dạng, nhưng vẫn chông chênh
>> Phim Việt đến LHP Berlin
>> Đột phá công nghệ phim Việt
>> Thời của phim Việt chất lượng cao
>> Phim Việt thắng thế trên sân nhà
>> Bế mạc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17: Khó khăn tìm sen vàng
>> Trầm lắng thảm đỏ liên hoan phim Việt Nam
>> Phim Việt nào tham dự Oscar 2012?
>> Né tiếng “phim Việt hóa”
>> Phim Việt trên sân chơi lớn
>> Từ "Người mẫu", xét lại chuyện làm phim Việt hóa
>> Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17
>> Thêm một phim Việt về đồng tính sắp “ra lò”
>> Phim Việt được mùa... kinh dị  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.