Phó thủ tướng: ‘Không để cấp trên bảo hàng hoá phải thông suốt mà cấp dưới lại gây ách tắc’

Nhấn mạnh vai trò của các giám đốc Sở GTVT trong việc đảm bảo lưu thông hàng hóa, Phó thủ tướng Lê Văn Thành nhắc nhở không để xảy ra chuyện “văn bản cấp trên nói tạo điều kiện thông suốt, nhưng cấp dưới lại gây ách tắc”.

Làm sao để hàng hoá lưu thông thông suốt, sản xuất nhưng vẫn phải đảm an toàn là nội dung được thảo luận chính tại hội nghị trực tuyến tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp diễn ra hôm nay, 20.9, do Phó thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì.

Doanh nghiệp sợ địa phương tuỳ tiện

Mở đầu hội nghị, Phó thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng làm sao để bảo đảm phục hồi sản xuất - điều mà các doanh nghiệp và cả các địa phương đều mong muốn, song vẫn phải bảo đảm an toàn cho công nhân, không để hình thành ổ dịch trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp là "một vấn đề khó", cần tập trung tháo gỡ, nhất là trong bối cảnh chưa khống chế hoàn toàn dịch bệnh.
Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh chuỗi cung ứng của doanh nghiệp không chỉ ở một tỉnh, một địa bàn, bởi một nhà máy có thể bố trí nhiều xưởng ở nhiều địa phương, do đó, việc phối hợp giữa các địa phương, khu vực là rất quan trọng.
Báo cáo của Bộ KH-ĐT cho hay, trong 8 tháng năm nay, tình hình sản xuất kinh doanh của các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển như sau: tổng doanh thu của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển đạt khoảng 140 tỉ USD, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 100,7 tỉ USD (chiếm 47,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước), đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng 96.500 tỉ đồng, tăng tương ứng là 8%, 2,9% và 2,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Qua phản ánh của các địa phương, doanh nghiệp, có một số khó khăn, thách thức mà các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp phải đối mặt, bao gồm:
Các hoạt động tìm hiểu cơ hội đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục bị trì hoãn, ảnh hưởng đến cơ hội thu hút đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp.
Các doanh nghiệp chủ yếu thuộc các ngành sản xuất theo mô hình chuỗi cung ứng như điện thoại, điện tử, máy tính, dệt may… phải trì hoãn hoặc hủy đơn hàng, nếu đợt dịch bùng phát kéo dài, có thể bị mất thị trường do bạn hàng thay đổi chuỗi cung ứng.
Khó khăn về lao động và nhập cảnh cho chuyên gia.
Chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển ngày một tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, đội chi phí giá thành sản xuất và đặc biệt là dòng tiền vào bị thiếu hụt nghiêm trọng…
Các doanh nghiệp kiến nghị xây dựng và triển khai thực hiện các quy định phòng, chống dịch Covid-19 thống nhất trên phạm vi cả nước; các tỉnh, thành phố không tùy tiện áp dụng các biện pháp chống dịch, gây khó khăn cho doanh nghiệp khi lưu thông hàng hóa và người lao động khi quay trở lại làm việc.
Phân bổ và đẩy nhanh việc tiêm đủ liều vắc xin cho toàn bộ người lao động. Xây dựng các trạm y tế lưu động và cố định tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để phản ứng nhanh hơn khi có trường hợp nghi nhiễm Covid-19.

Cuộc họp được trực tuyến với 28 địa phương có khu kinh tế, khu công nghiệp

Đức Tuân

Bên cạnh đó, doanh nghiệp kiến nghị chính quyền xem xét ban hành các phương án, hình thức tổ chức sản xuất khả thi để doanh nghiệp được lựa chọn phù hợp với từng điều kiện cụ thể; tiếp tục cắt giảm chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp như tiền điện, nước, cước viễn thông…

Bản tin Covid-19 ngày 20.9: Cả nước 8.681 ca | Chính phủ đồng ý mua 10 triệu liều vắc xin từ Cuba

Chính phủ sẽ lắng nghe, đồng hành

Trước kiến nghị của các doanh nghiệp, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế cần có kế hoạch cụ thể phân bổ vắc xin về các địa phương có các khu, cụm công nghiệp, hướng dẫn các giải pháp phòng chống dịch, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người lao động. Các tỉnh, thành chỉ đạo Sở Y tế phối hợp để làm sao ưu tiên vắc xin cho người lao động sản xuất công nghiệp.
Về giao thông vận tải, ông Thành lưu ý nguyên tắc luôn đảm bảo thông suốt các tuyến giao thông huyết mạch, trong trường hợp phải phong tỏa thì tìm tuyến thay thế để hàng hóa lưu thông. Bộ GTVT phối hợp với Bộ Y tế, địa phương có hướng dẫn để công nhân có thể đi lại từ tỉnh này sang tỉnh kia.
Phó thủ tướng nhấn mạnh vai trò của các giám đốc sở GTVT trong việc đảm bảo lưu thông hàng hóa tại địa phương, cần chủ động tham mưu cho chủ tịch UBND tỉnh, thành các giải pháp phù hợp, đảm bảo thống nhất, lưu thông hàng hoá thông suốt.
“Bộ GTVT cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, không để xảy ra tình trạng văn bản cấp trên tạo điều kiện thông suốt nhưng ở cấp dưới lại gây ách tắc. Ngành giao thông và các địa phương không được ban hành các “giấy phép con” gây cản trở lưu thông”, ông Thành yêu cầu.
Về vấn đề mà nhiều doanh nghiệp quan tâm là nhập cảnh của các chuyên gia, lao động tay nghề cao, Phó thủ tướng cho rằng, cần tạo điều kiện tối đa, nhưng đảm bảo phòng chống dịch bệnh hiệu quả.
Phó thủ tướng cũng lưu ý các địa phương về việc phục hồi một số dịch vụ cần thiết đối với các khu công nghiệp, bởi “nếu không, có nơi hàng chục ngàn công nhân thì ăn uống như thế nào”!
Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định Chính phủ sẽ đồng hành, lắng nghe ý kiến doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho tới khi phục hồi sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới.
“Chính phủ, địa phương và doanh nghiệp đều có mong muốn nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh. Điều quan trọng là phải phối hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn, trách nhiệm cao và tổ chức thực hiện. Nếu không phối hợp tốt thì khó có thể thành công”, ông Thành nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.