Phó thủ tướng: Năm 2023 sẽ thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng

06/01/2023 16:55 GMT+7

Phó thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị tập trung thanh tra đối với những ngành, lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Ngày 6.1, Thanh tra Chính phủ (TTCP) tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai công tác ngành thanh tra năm 2023.

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, nhiệm vụ của ngành thanh tra trong năm 2022 rất nặng nề. Tuy nhiên, vượt qua khó khăn, toàn ngành đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, các mặt công tác đều có sự chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng cả trong phòng ngừa và phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị tập trung thanh tra đối với những ngành, lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực

vgp

Bên cạnh ghi nhận kết quả đạt được, Phó thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những mặt hạn chế, tồn tại của ngành thanh tra, để từ đó xác định nguyên nhân, giải pháp sớm khắc phục.

Theo Phó thủ tướng, chất lượng một số cuộc thanh tra còn hạn chế, một số cuộc thanh tra triển khai chậm so với kế hoạch hoặc chậm ban hành kết luận thanh tra; tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản qua đôn đốc, xử lý sau thanh tra tuy đã tăng so với trước nhưng còn thấp so với yêu cầu.

Tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn tiềm ẩn phức tạp, nhất là lĩnh vực đất đai. Việc tiếp công dân định kỳ của thủ trưởng các cấp, các ngành đã có chuyển biến nhưng chưa thường xuyên. Công tác xử lý đơn thư, nhất là cấp cơ sở còn chậm.

Trong công tác phòng, chống tham nhũng, việc thực hiện một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng còn mang tính hình thức. Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp chưa được ngăn chặn triệt để. Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hạn chế.

Hay như việc cơ cấu tổ chức và chất lượng đội ngũ cán bộ, ngành thanh tra còn bất cập, nhiều cơ quan thanh tra còn thiếu biên chế làm việc. Một số cán bộ thanh tra chấp hành kỷ cương, kỷ luật chưa tốt.

Lưu ý năm 2023 có ý nghĩa quan trọng, là năm bản lề thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021 - 2026, Phó thủ tướng đề nghị ngành thanh tra và các bộ, ngành, địa phương thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm.

Trong đó, lực lượng thanh tra cần triển khai kế hoạch thanh tra năm 2023 theo hướng trọng tâm, hiệu quả; tập trung thanh tra đối với những ngành, lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Lựa chọn để thanh tra công vụ, đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật ở những khâu, những hoạt động quản lý thường xuyên có sự tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp; nhất là những khâu, lĩnh vực để xảy ra vi phạm hoặc có nhiều dư luận về những biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Cùng với đó là triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng, kế hoạch của TTCP về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa T.Ư và địa phương, không để phát sinh điểm nóng; tăng cường đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Phó thủ tướng cũng đề nghị triển khai có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; trọng tâm là công khai, minh bạch trong tổ chức, hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát xung đột lợi ích; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.

“Tiến hành thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước trong việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng... nhằm chấn chỉnh quản lý, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Ngoài ra, ngành thanh tra cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nội bộ, xử lý nghiêm công chức vi phạm; xây dựng tổ chức thanh tra tinh gọn, nhưng hoạt động hiệu lực, hiệu quả…

Nhiều vi phạm về mua sắm chống dịch

Năm 2022, toàn ngành đã triển khai hơn 8.500 cuộc thanh tra hành chính và hơn 222.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế gần 86.000 tỉ đồng, 8.777 ha đất; trong đó kiến nghị thu hồi hơn 26.000 tỉ đồng và 574 ha đất, chuyển cơ quan điều tra xem xét và xử lý 451 vụ, 295 đối tượng.

TTCP đã thành lập 3 đoàn thanh tra tại Bộ Y tế, Hà Nội, TP.HCM; đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn thanh tra các bộ, ngành, địa phương tiến hành thanh tra chuyên đề.

Đến nay, 9/20 bộ, ngành và 61/63 tỉnh, thành phố thành lập đoàn thanh tra; đã thanh tra 21.383 gói thầu (đạt 59,23%) với tổng giá trị 15.475 tỉ đồng (đạt 59,36 %).

Kết quả thanh tra cho thấy, công tác đấu thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế được các đơn vị thực hiện theo quy trình, thủ tục quy định tại luật Đấu thầu, Nghị định 63/2014 và Thông tư 58/2016 của Bộ Tài chính.

Tuy nhiên, quá trình mua sắm có nhiều thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm trong việc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tổ chức đấu thầu và thực hiện hợp đồng mua sắm. Việc này diễn ra ở nhiều địa phương, với 54/61 tỉnh, thành và 4.992/15.909 gói thầu vi phạm. Trong đó, một số vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.

Từ kết quả trên, cơ quan thanh tra đã kiến nghị chuyển 40 vụ việc cho cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo thẩm quyền. Riêng TTCP chuyển 16 vụ việc, thanh tra bộ và thanh tra tỉnh chuyển 24 vụ việc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.