Phó thủ tướng: 'Ở ta nếu ngân sách còn lo thì không có tự chủ'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
28/10/2022 19:56 GMT+7

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, ở nước ta vì thiếu tiền cho nên thiết kế cơ chế tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng là lấy tài chính làm tiêu chí đầu tiên, khác với thế giới .

Chiều 28.10, giải trình cuối phiên thảo luận kinh tế - xã hội tại kỳ họp 4 Quốc hội XV diễn ra 2 ngày qua, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam dành nhiều thời gian nói về những vấn đề của ngành y tế, giáo dục được nhiều đại biểu quan tâm.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam giải trình tại Quốc hội chiều 28.10

gia hân

Nhấn mạnh vấn đề tự chủ các đơn vị sự nghiệp công trong y tế, giáo dục, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói, đây là vấn đề “rất khó khăn từ nhiều năm nay”.

Theo ông Đam, chúng ta có kinh nghiệm đổi mới doanh nghiệp nhà nước sau 30 năm (giảm từ 10.000 doanh nghiệp xuống chỉ còn dưới 1.000 doanh nghiệp), đổi lại có trên 700.000 doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Tuy nhiên, Phó thủ tướng cho rằng, điều này không xảy ra với các đơn vị sự nghiệp công, nhất là 2 lĩnh vực y tế giáo dục khi “về cơ bản là không giảm được”.

“Hai năm vừa qua có giảm nhiều về đầu mối, nhưng tổng biên chế vẫn không giảm, chúng tôi nói số tròn là khoảng 48.000 đơn vị sự nghiệp”, ông Đam dẫn chứng.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: "Tôi rất tha thiết chúng ta sẽ phải thay đổi"

Nêu vấn đề làm sao để quản trị được các đơn vị sự nghiệp công, ông Đam nói, “chúng ta đang làm khác thế giới” và thực tế vừa qua chứng minh ta phải thay đổi theo xu thế thế giới.

Theo Phó thủ tướng, trên thế giới, quản trị bệnh viện và trường học xuất phát từ yêu cầu chuyên môn, được phát huy tính tự chủ, sáng tạo của cơ sở, từ đó người ta được quyền tự chủ về bộ máy, về nhân sự, về đầu tư và về lương, về chi.

Trong khi đó, ở Việt Nam, vì thiếu tiền cho nên thiết kế tự chủ theo hướng lấy tài chính làm tiêu chí đầu tiên.

Theo đó, nếu lo được hết cả chi đầu tư và chi thường xuyên thì mới cho tự chủ hoàn toàn. Ở mức thấp hơn, không lo được đầu tư, chỉ lo được được chi thường xuyên là tự chủ chi thường xuyên. Một mức nữa là tự chủ được một phần chi thường xuyên. Mức cuối cùng là không tự chủ được.

“Đây là phương pháp chúng ta đặt ra để quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập. Chúng tôi vẫn nói với nhau đó là một khóa 4 nấc và 2 chìa”, ông Đam nói.

Ông Đam dẫn chứng: "Ở Đức, một đại học tự chủ thì ngân sách nhà nước vẫn lo 85%, còn ở chúng ta nếu ngân sách nhà nước còn lo thì không có tự chủ".

“Chúng tôi rất tha thiết là chúng ta sẽ phải thay đổi việc này”, ông Đam nói và cho biết rất mừng khi nhiều đại biểu đã phản ánh, Chính phủ sẽ tiếp thu để rà soát lại toàn bộ hệ thống pháp luật để có những sự đổi mới căn bản hơn.

Xem nhanh 20h ngày 28.10: Diễn biến mới ở Tịnh Thất Bồng Lai | Bến cóc tung hoành cửa ngõ TP.HCM

Cuối cùng, nhấn mạnh đặc trưng của ngành giáo dục, y tế là “muốn có thành tích cũng phải nhiều năm, bất cập cũng nhiều năm mới bộc lộ, và khi bộc lộ thì thường cũng mất nhiều năm mới khắc phục được”, ông Đam mong muốn những vấn đề đặt ra sẽ được giải quyết song “cần phải có một thời gian dài mới khắc phục được triệt để”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.