Tăng cường quản lý và không xuất khẩu cát
Văn bản số 3152/VPCP-CN ngày 21.5 của Văn phòng Chính phủ thông tin: Báo Thanh Niên ngày 25.4.2022 có bài “Cát nạo lên, tiền đổ xuống” nêu hằng trăm triệu tấn cát đã và đang được khai thác ở ĐBSCL bất kể hoạt động này được xem là thủ phạm chính gây sạt lở gần 500 km bờ sông, bờ biển, khiến ít nhất gần 20.000 hộ dân cần phải di dời. Nhà nước đã phải tốn hàng ngàn tỉ đồng để khắc phục sạt lở, hỗ trợ người dân di dời…
“Về vấn đề này, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu các Bộ TN-MT, Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ LĐ-TB-XH, Bộ NN-PTNT; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 29.9.2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản. Đồng thời, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương không xuất khẩu cát. Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan liên quan và UBND các tỉnh, thành phố thực hiện", văn bản nêu.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các Bộ và địa phương tăng cường quản lý các hoạt động thăm dò, khai thác cát |
đình tuyển |
Trước đó, loạt bài “Cát nạo lên, tiền đổ xuống” của Báo Thanh Niên thông tin, tại ĐBSCL, xung đột giữa cư dân vùng sạt lở với doanh nghiệp khai thác cát luôn gay gắt. Xung đột càng lớn khi tình trạng thiếu hụt cát do thủy điện thượng nguồn sông Mê Kông chặn lại nhưng hàng triệu tấn cát vẫn đang được khai thác. Chính quyền địa phương bị mắc kẹt giữa lợi ích, nhu cầu xây dựng, phát triển và những thiệt hại không thể bù đắp do sạt lở.
Loạt bài khai thác dữ liệu từ các tỉnh, thành ĐBSCL, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ TN-MT); cơ quan chuyên môn của Bộ NN-PTNT… để đo lường tác động của việc khai thác hơn một trăm triệu tấn cát trong một thập kỷ ở ĐBSCL. Đó là tác động với cộng đồng địa phương, môi trường. Cùng với đó là những nỗ lực của Chính phủ trong điều chỉnh ngành công nghiệp khai thác cát nhằm giảm thiểu thiệt hại.
Văn bản của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành |
chụp màn hình |
Loạt bài đã thu thập dữ liệu từ các Sở TN-MT của 5 tỉnh, thành: An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Cần Thơ và ghi nhận, giai đoạn 2014 - 2024 tổng trữ lượng cát được phép khai thác ở các địa phương này là gần 95 triệu m3, tương đương khoảng 114 triệu tấn cát.
Trong khi đó, chỉ riêng 5 tỉnh, thành nêu trên đã có 1.808 ngôi nhà bị sạt lở nhấn chìm trong 3 năm 2018 - 2020. Thiệt hại về nhà cửa (chưa tính đất đai) ước tính hơn 200 tỉ đồng. Đến nay, ở 5 địa phương An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Cà Mau có gần 20.000 hộ dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cần phải di dời. Tổng kinh phí 5 địa phương kiến nghị T.Ư hỗ trợ để di dời gần 20.000 hộ dân là gần 5.000 tỉ đồng.
Trong giai đoạn 2016-2020, để khắc phục 375km sạt lở mức độ nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm, Chính phủ đã phải chi gần 12 nghìn tỉ đồng |
đình tuyển |
Đặc biệt, số liệu thống kê của cơ quan chuyên môn Bộ NN-PTNT cho thấy, giai đoạn 2016 - 2020 có tới gần 470 km bờ sông, bờ biển ở ĐBSCL bị sạt lở. Trong đó, để khắc phục 375 km sạt lở mức độ nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm, Chính phủ đã phải chi gần 12.000 tỉ đồng. Tính ra, mỗi ki lô mét sạt lở tiêu tốn của nhà nước khoảng 32 tỉ đồng.
Lãnh đạo tỉnh, thành phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra khai thác trái phép
Cũng trong loạt bài “Cát nạo lên, tiền đổ xuống”, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản cho biết, trong bối cảnh phù sa, cát từ thượng nguồn sông Mê Kông bồi đắp cho ĐBSCL giảm mạnh, không đủ bù đắp cho nhu cầu dự báo lên tới 100 triệu m3 cát/năm thì việc khai thác cát cần phải tính toán ở từng mỏ.
Tổng cục Địa chất và Khoáng sản cũng thông tin, cùng với việc dừng xuất khẩu cát, nhà nước cũng đã có nhiều quy định tăng cường quản lý việc khai thác. Căn cơ nhất là Nghị định 23/2020/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 24.2.2020 về quản lý thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông đang triển khai thực hiện.
Cùng với việc dừng xuất khẩu cát, Chính phủ cũng đã có nhiều quy định tăng cường quản lý việc khai thác |
đình tuyển |
Đặc biệt, Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 29.9.2020 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ thị rõ nhiệm vụ của từng bộ, ngành và các tỉnh, thành trong quản lý các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản, gồm có cát. Cụ thể, Bộ TN-MT phải chủ động đề xuất, điều tra, đánh giá các loại khoáng sản để sản xuất cát nhân tạo nhằm bổ sung lượng cát, sỏi lòng sông ngày càng cạn kiệt; phải nâng cao chất lượng thẩm định, phê duyệt các dự án khai thác khoáng sản, giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực đến môi trường... Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi thăm dò, khai thác khoáng sản trái phép, xuất khẩu lậu qua biên giới; ngăn chặn và xử lý nghiêm vi phạm về khai thác khoáng sản, đặc biệt là cát, sỏi lòng sông… Lãnh đạo các tỉnh, thành sẽ phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra khai thác khoáng sản trái phép hay lợi dụng việc nạo vét, khơi thông luồng để khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn.
Bình luận (0)