Phó thủ tướng Trần Hồng Hà: Ứng phó siêu bão số 3 với tinh thần không hối tiếc

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà: Ứng phó siêu bão số 3 với tinh thần không hối tiếc

Đình Huy
Đình Huy
05/09/2024 22:00 GMT+7

Chiều 5.9.2024, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp ứng phó với siêu bão số 3 (siêu bão YAGI). Đây được xem là cơn bão mạnh nhất trên Biển Đông trong vòng 10 năm trở lại đây. Sáng nay, bão đã mạnh cấp 16 (cấp siêu bão), giật trên cấp 17.

Trước tình hình siêu bão số 3 (tên quốc tế là siêu bão YAGI) đang có nguy cơ đổ bộ miền Bắc nước ta, chiều 5.9.2024, tại trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp ứng phó với siêu bão này.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Ứng phó siêu bão số 3 với tinh thần không hối tiếc

Đây được xem là cơn bão mạnh nhất trên Biển Đông trong vòng 10 năm trở lại đây. Sáng 5.9, bão đã mạnh cấp 16 (cấp siêu bão), giật trên cấp 17.

Tại cuộc họp, lãnh đạo các tỉnh, thành: Hà Giang, Cao Bằng, Hà Nội, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh đều có những phương án chủ động phòng, chống trước khi siêu bão số 3 đổ bộ.

Siêu bão số 3 (bão YAGI) quần thảo trên Biển Đông, biển động dữ dội

Trong số đó, trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, cho biết lực lượng Bộ đội biên phòng đã phối hợp với các địa phương thông tin, tuyên truyền cho khách du lịch khẩn trương di chuyển về nơi an toàn. Đồng thời liên tục thông tin, động viên chủ tàu thuyền đưa phương tiện và người trở về bờ; sơ tán toàn bộ người dân trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản về nơi an toàn.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh, sau 10 năm, đồng bằng sông Hồng lại đón một cơn bão lớn. Đường đi của bão ổn định, dự báo của các cơ quan chức năng đều trùng khớp về cường độ, mức độ cảnh báo rủi ro. Đặc biệt, vùng chịu ảnh hưởng nặng nề của bão lại là khu trung tâm của kinh tế, công nghiệp… Vì vậy, Bộ trưởng Hoan đề nghị các cơ quan, đơn vị "cần phải hành động không hối tiếc".

"Tất cả về lực lượng, thiết bị và tất cả các phương án rủi ro khác như báo cáo của thường trực ban chỉ đạo, hệ thống đê biển của chúng ta với cấp độ này thì sẽ mất an toàn. Các địa phương ven biển chú ý. Thứ hai nữa là phạm vi rất là rộng, từ nghệ an trở ra tới Quảng Ninh, từ Quảng Ninh lên tới Hà Giang, Cao Bằng, tất cả khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ đều là trong vòng ảnh hưởng của cơn bão số 3", ông Hoan thông tin thêm.

Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo địa phương trực tiếp xuống địa bàn chống siêu bão số 3

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, siêu bão số 3 là cơn bão rất mạnh, khó dự báo. Trên đường tiến vào Biển Đông, bão gặp những điều kiện thuận lợi để thành siêu bão.

Để phòng, chống hiệu quả hơn nữa, Phó thủ tướng yêu cầu làm tốt công tác dự báo, nhất là việc thông tin đến người dân.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà: Ứng phó siêu bão số 3 với tinh thần không hối tiếc- Ảnh 1.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp ứng phó với siêu bão số 3 (siêu bão YAGI)

ẢNH: NGUYÊN QUANG

Theo Phó thủ tướng, cơ quan dự báo cần phối hợp, cung cấp thông tin cho báo chí bất cứ lúc nào, thời gian nào để truyền tải đến người dân, giúp người dân chủ động phòng ngừa. Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 3 với tinh thần "không có hối tiếc".

"Cái quan trọng là chúng ta có rất nhiều kinh nghiệm vì năm nào cũng có mười mấy cơn bão. Nhưng phương châm là chủ động phòng ngừa, có thể phòng ngừa 10 nhưng chỉ xảy ra 1 lần. Nhưng 1 lần chúng ta không phòng ngừa, không có cách ứng phó và chủ quan thì chúng ta sẽ thiệt hại rất lớn. Nên cái ý là làm tất cả, làm hết sức chặt chẽ, nghiêm khắc, với tinh thần không có hối tiếc", Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cũng khuyến cáo từ sáng 7.9 (thời điểm bão đổ bộ) người dân nên ở nhà, vì theo dự báo bán kính hoàn lưu của bão rất rộng. Ngoài việc ảnh hưởng của bão còn có thể có giông lốc xảy ra trong khi hiện nay người dân sử dụng mái tôn, biển quảng cáo rất nhiều, cây xanh cũng có nguy cơ đổ gãy cao.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.