Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra hôm qua (15.5), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam đã đẩy mạnh gói hỗ trợ an sinh xã hội với tinh thần kịp thời, chống thất thoát, tham nhũng, lạm dụng; có nhiều tấm gương tốt, những tấm lòng của người dân trong vấn đề này, tự khắc phục khó khăn...
Tuy nhiên, Thủ tướng đặc biệt nhắc nhở chính quyền các cấp không được ép dân ký đơn từ chối nhận hỗ trợ của nhà nước, và nhấn mạnh nếu phát hiện được sẽ xử lý nghiêm tương tự các trường hợp gian lận.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhận định, trong những ngày qua, chúng ta đã có giải pháp mạnh mẽ đối với các loại hình doanh nghiệp, các địa phương, các cấp, các ngành về đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm các hoạt động bình thường trên tinh thần Chỉ thị 19.
Về chủ trương đưa người Việt Nam - là người già, trẻ em, người bị kẹt ở một số quốc gia, về nước với số lượng khá lớn, Thủ tướng cho rằng đây là việc làm nhân văn nhưng cần thận trọng, nhất là đã có những trường hợp về nước đã phát hiện bị nhiễm Covid-19.
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh sản xuất, xuất nhập khẩu, đẩy mạnh du lịch nội địa; các ngành du lịch, ngành ngoại giao tiếp tục thúc đẩy, chuẩn bị cho mở cửa du lịch quốc tế, trước hết là một số đối tác đã ngăn ngừa được dịch bệnh tốt trong thời gian qua.
“Chúng ta cần có chiến lược phòng chống dịch mới, vừa có hiệu quả về y tế, vừa bền vững về kinh tế. Khi chưa có vắc xin, có nghĩa là phòng, chống Covid-19 phải được xem là chiến lược lâu dài”, Thủ tướng nói.
|
* Công tác phòng chống thiên tai còn nhiều bất cập
Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020. Báo cáo tại hội nghị cho hay, năm 2019, tuy thiên tai không dồn dập và khốc liệt nhưng mang nhiều yếu tố cực đoan, dị thường trên khắp các vùng miền với 16/21 loại hình thiên tai, trong đó có 11 trận rủi ro thiên tai cấp độ 3. Thiên tai làm 133 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế trên 7.000 tỉ đồng, giảm nhiều so với mức gần 20.000 tỉ đồng trong năm 2018.
Phát biểu tại hội nghị, ghi nhận công tác phòng chống thiên tai có nhiều kết quả tích cực, nhưng Thủ tướng cũng nêu nhiều bất cập như thiếu sự đồng bộ trong các công trình hạ tầng. Công tác dự báo dù nhiều thành công, nhưng cần nâng cao độ chính xác.
Thủ tướng cũng lưu ý, các chế tài xử lý vi phạm các quy định về đê điều, phòng chống thiên tai chưa đủ nghiêm minh. Thủ tướng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong các cơ quan phòng chống thiên tai; nâng cao chất lượng công tác dự báo...
Bình luận (0)