Trưa 24.5, Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM họp giao ban dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM; UBND 21 quận huyện và TP.Thủ Đức họp trực tuyến.
Mở đầu cuộc họp, TP.HCM tổ chức khen thưởng cho 26 tập thể đã có thành tích xuất sắc trong xử lý ổ dịch Covid-19 trong cộng đồng từ ngày 18.5.
Người trên 60 tuổi hạn chế ra khỏi nhà
Ông Nguyễn Thành Phong đề nghị các quận huyện tiếp tục kiểm tra, nhắc nhở và xử phạt các cơ sở kinh doanh không tuân thủ biện pháp phòng dịch Covid-19. Đối với cán bộ, công chức có triệu chứng ho, sốt, khó thở, ông Phong đề nghị nên ở nhà, không đến cơ quan và chuyển sang chế độ làm việc trực tuyến hoặc làm việc tại nhà. Khách đến liên hệ công tác tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp phải khai báo y tế, các đơn vị thành lập tổ Covid-19 để kiểm soát dịch trong cơ quan.
Ông Phong giao Sở Y tế TP.HCM rà soát lại các biện pháp phòng dịch trong các cơ sở y tế, thực hiện giãn cách trong bệnh viện, chú ý hạn chế người thăm nuôi trong bệnh viện.
“Tôi thấy Bệnh viện Chợ Rẫy và một số đơn vị áp dụng biện pháp này rất tốt. Hạn chế đến mức tối đa những người thăm nuôi, trường hợp cần có người thăm nuôi thì chỉ được 1 người”, ông Phong cho biết và đề nghị các bệnh viện phải kiểm soát chặt chẽ vấn đề này.
|
Bên cạnh đó, các bệnh viện cần sẵn sàng có phương án làm khu cách ly tạm thời, chủ động biện pháp ứng phó để không giống như Trung tâm Y khoa Medic phải ngừng hoạt động và phong tỏa tạm thời.
Người đứng đầu chính quyền TP.HCM yêu cầu toàn bộ nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà thăm nuôi phải cài đặt và bật ứng dụng Bluzone nếu có thiết bị di động thông minh, nếu không thì áp dụng biện pháp khác. Bệnh viện nào có điều kiện thì trang bị thêm thiết bị nhận diện khuôn mặt.
TP.HCM cũng khuyến cáo những người trên 60 tuổi hạn chế đi ra đường bởi kháng thể của người cao tuổi yếu.
Xây dựng phương án ứng phó ca bệnh trong khu công nghiệp
Ông Phong cho biết 10 ngày gần đây, số ca lây nhiễm ở mức 3 con số, tập trung ở các khu công nghiệp. Do đó, BQL các Khu chế xuất và công nghiệp, Khu Công nghệ cao cần tổ chức diễn tập phương án ứng phó sự cố có ca nhiễm Covid-19 trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Bởi theo ông Phong, thực tế khi phát sinh ca nhiễm trong khu công nghiệp tại một số địa phương đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và việc làm của người lao động.
Ông Phong đánh giá cao tinh thần làm việc các chốt kiểm soát dịch khu vực cửa ngõ với sự tham gia của nhiều thành phần như: CSGT, cơ động, quân đội, nhân viên y tế, thanh tra giao thông… làm việc 24/7.
|
Trong phần báo cáo trước đó, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết ngày 23.5 ghi nhận trường hợp cháu bé 18 tháng tuổi là F1, cháu ngoại bệnh nhân 4780 ở hẻm 287 Nguyễn Đình Chiểu, Q.3. Cháu bé được xét nghiệm lần 2 do bị sốt nhẹ, đã có kết quả dương tính lần 1.Bé này ở cùng mẹ, đến thăm bà ngoại vào ngày 15.5 và 18.5.
Đối với ca nghi nhiễm ở Q.Gò Vấp, bệnh nhân có các triệu chứng khá điển hình của bệnh Covid-19 như sốt, khó thở, đau họng, mất vị giác, đồng thời chụp Xquang có hình ảnh viêm phổi và xét nghiệm kiểm tra SARS-CoV-2 lần đầu có kết quả dương tính yếu. Sau đó khi xét nghiệm lần 2 và lần 3 thì cho kết quả âm tính. Ngay từ thời điểm có kết quả xét nghiệm lần 1, ngành y tế đã tiến hành đầy đủ các biện pháp chống dịch, hiện hẻm 954 Quang Trung (P.8, Q.Gò Vấp) vẫn còn phong tỏa.
Trong 6 ngày qua, TP.HCM có 6 ca lây nhiễm trong cộng đồng, mới nhất là cháu bé 18 tháng tuổi dương tính với Covid-19 liên quan chum ca trong hẻm 287 Nguyễn Đình Chiểu (P.5, Q.3). Đây là cháu ngoại của bệnh nhân 4780, sinh sống cùng bố mẹ ở Q.Tân Bình. Hiện cháu bé và mẹ đang ở Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, còn bố thì cách ly tập trung ở H.Cần Giờ.
Bình luận (0)