Tháng 6 hằng năm, mùa mưa bắt đầu, cũng là thời gian các loại dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng (TCM) vào mùa. Bệnh sởi, ho gà, cũng có dấu hiệu quay trở lại. Bệnh dại vẫn đang ở mức nguy cơ cao.
Dịch bệnh tay chân miệng gia tăng
Theo TS-BS Nguyễn Vũ Thượng, Phó viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, 5 tháng đầu năm 2024, một số dịch bệnh tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, từ đầu năm đến nay, phía nam có 16.910 ca mắc bệnh TCM, tăng gấp 2,7 lần so với số liệu cùng kỳ năm 2023. Các loại bệnh khác tăng, như bệnh sởi tăng gấp 3,35 lần (134 ca mắc), bệnh ho gà 41 ca và đậu mùa khỉ 57 ca. Những tỉnh có tỷ lệ mắc TCM trên 100.000 dân cao nhất khu vực phía nam là TP.HCM, Đồng Nai và Đồng Tháp. Trong khi đó, bệnh SXH lại giảm, 5 tháng đầu năm 2024 có 12.195 ca mắc, giảm hơn 49% so với cùng kỳ năm 2023 và có 4 ca tử vong.
TS-BS Vũ Thượng nhận định, mặc dù tình hình bệnh SXH, TCM vẫn đang trong tầm kiểm soát, tuy nhiên nếu không duy trì tốt các biện pháp can thiệp chủ động thì nguy cơ bùng phát dịch rất cao.
Lo ngại bệnh sởi quay lại
Riêng tại TP.HCM, tính từ đầu năm 2024 đến nay, TP ghi nhận 6.210 ca mắc bệnh TCM, tăng hơn 155% so với cùng kỳ năm 2023 (2.434 ca); 3.677 ca mắc bệnh SXH, giảm hơn 53%; 16 ca bệnh sởi; 30 ca ho gà. Đáng lưu ý, hầu hết các trẻ mắc bệnh sởi đều chưa được tiêm phòng vắc xin phòng bệnh sởi hoặc tiêm chưa đủ mũi.
Theo lãnh đạo Viện Pasteur TP.HCM, với số ca mắc bệnh sởi đang có dấu hiệu tăng, phần lớn các trường hợp mắc bệnh là ở trẻ nhỏ tuổi chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đủ mũi. Vấn đề cấp thiết hiện nay là rà soát tiêm chủng để tiêm vét, tiêm bù và bổ sung phủ rộng vắc xin. "Tỷ lệ tiêm chủng vắc xin sởi tại khu vực phía nam trong 4 tháng đầu năm 2024 chỉ có 6/20 tỉnh, thành đạt tiến độ tiêm chủng, gồm TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang, Cần Thơ, Bến Tre, Bình Dương", TS-BS Vũ Thượng thông tin.
"Đối với bệnh sởi khi xuất hiện ngoài cộng đồng, qua khảo sát ca bệnh cho thấy việc tiêm ngừa không đúng và không đủ. Do đó, bệnh có khả năng lan ra và thành dịch. Việc có thành dịch hay không thì phụ thuộc vào người dân rất nhiều, còn ngành y tế chỉ tuyên truyền người dân đi tiêm ngừa bệnh này", BS Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP.HCM, nói.
BS Trương Hữu Khanh cũng khẳng định, việc không tiêm ngừa bệnh sởi thì sẽ dễ mắc sởi và bệnh lây lan rất nhanh, tấn công vào đối tượng chưa thể tiêm ngừa (trẻ dưới 9 tháng, trẻ đang bệnh, trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh, bệnh lý mãn tính chờ ổn định) và người không tiêm ngừa, điều này rất nguy hiểm.
Cũng theo BS Khanh, ngày trước, mỗi người chỉ được tiêm 1 mũi vắc xin sởi lúc 9 tháng. Vì vậy, sau đó vẫn diễn ra những đợt dịch sởi. Hiện nay, người dân được tiêm thêm mũi phòng bệnh sởi lúc 18 tháng nên tình hình bệnh sởi giảm rất rõ. Tuy nhiên, sau đó vẫn xuất hiện những đợt dịch và tái đi tái lại. Qua điều tra cho thấy phụ huynh bỏ tiêm mũi sởi lúc 9 tháng của con trẻ mà chờ đến 12 tháng mới tiêm; phụ huynh bỏ mũi thứ 2. Việc này xảy ra trên cả thế giới, không riêng ở VN. "Nếu tiêm đúng và đủ 2 mũi đạt từ 95% của cộng đồng thì mới bảo vệ được người chưa tiêm ngừa hoặc quên tiêm ngừa. Hiện nay, muốn đạt được tỷ lệ này thì phụ huynh phải phối hợp", BS Khanh khuyến cáo.
Cũng theo BS Khanh, có một số nước tiêm sởi cho trẻ khi 12 tháng và khi lên 4 - 5 tuổi. Điều này chỉ đúng với họ, vì vùng họ ở thì tỷ lệ mắc bệnh sởi rất thấp. Nếu ở VN chờ đến 12 tháng mới tiêm thì trẻ em sẽ mắc bệnh sởi nhiều. Những trẻ càng nhỏ mà nếu mắc sởi thì có nhiều biến chứng, do đó cần tiêm sớm hơn và tiêm nhắc như hiện nay ở VN để bảo vệ trẻ và cộng đồng.
"Một đứa trẻ mắc sởi sốt cao 2 - 3 ngày, sau đó phát ban lan từ trên đầu xuống cơ thể và chân, đồng thời kèm ho, sổ mũi thì rất dễ nhận diện. Nhưng hiện nay, một số trẻ bị sởi không điển hình, nếu không chú ý thì rất dễ bị lây vì nhầm lẫn sốt phát ban. Trẻ sốt cao, ho nhiều hoặc có dấu hiệu biến chứng như tiêu ra đàm máu, thở nhanh hoặc co giật thì nhanh chóng đến bệnh viện để điều trị biến chứng", BS Khanh khuyến cáo thêm.
Những việc cần làm để kiểm soát dịch bệnh
Trước thực trạng trên, BS Lương Chấn Quang, Trưởng khoa Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật, Viện Pasteur TP.HCM, khuyến cáo đối với bệnh phòng ngừa bằng vắc xin như sởi, ho gà là những bệnh ngừa được bằng vắc xin, các địa phương cần hành động kịp thời hơn nhằm phòng ngừa dịch xảy ra.
Theo đó, tăng cường công tác tiêm chủng mở rộng, đảm bảo tất cả trẻ em được tiêm vắc xin đúng lịch, đủ mũi và đạt tỷ lệ tiêm chủng chung trên 90% trên quy mô xã/phường. Khẩn trương thực hiện tiêm bù, tiêm vét, không để sót trẻ, đặc biệt các địa bàn có di biến động dân cư, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc sinh sống.
Cùng với đó, tăng cường giám sát, phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên tại cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập. Tổ chức tốt công tác thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân và đảm bảo kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện để phòng chống lây nhiễm chéo. Cần chủ động theo dõi diễn tiến sốt phát ban nghi sởi - rubella phát hiện tại các cơ sở khám chữa bệnh, trường học và cộng đồng để điều tra, lấy mẫu xét nghiệm; xác định trường hợp bệnh, ổ dịch, dịch sởi và triển khai các biện pháp xử lý triệt để. Truyền thông về nguy cơ mắc bệnh, các biện pháp phòng chống bệnh, đặc biệt là lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng bệnh để người dân nhận thức và đưa trẻ đi tiêm vắc xin đảm bảo đủ mũi và đúng lịch.
Cũng theo BS Quang, để kiểm soát tốt dịch bệnh, không thể chỉ đơn độc ngành y tế mà rất cần sự chung tay của chính quyền các cấp, của ngành giáo dục, các ban ngành, đoàn thể và đặc biệt là sự tham gia tích cực của người dân.
Không được chủ quan
Tại hội nghị phòng chống dịch bệnh phía nam (ngày 11.6), Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương khẳng định không thể chủ quan lơ là trong công tác phòng chống dịch tại khu vực phía nam. Đặc biệt là tình hình xuất hiện rải rác các ổ dịch sởi, các ca mắc ho gà có xu hướng tăng ở một số địa phương. Bên cạnh đó, một số bệnh như TCM, bệnh dại hiện cũng có số ca mắc tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Vì vậy, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị sở y tế các tỉnh, thành cần tập trung giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chủ động phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế. Chuẩn bị sẵn sàng thuốc, cơ sở cách ly các bệnh truyền nhiễm theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Phối hợp với các đơn vị trong hệ thống y tế tập huấn nâng cao năng lực cán bộ y tế trong công tác phòng chống dịch. Sở y tế các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các viện, bệnh viện tuyến cuối chủ động phân tích tình hình và đánh giá nguy cơ để đề xuất, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp kịp thời.
Bình luận (0)