Cảng cá Phan Thiết trực thuộc Sở NN-PTNT Bình Thuận, có chức năng tổ chức đón tàu cá của ngư dân vào bốc dỡ hàng hóa sau đánh bắt. Tuy nhiên, kể từ 0 giờ ngày 4.10, chính quyền địa phương phong tỏa cảng cá Phan Thiết để phòng, chống dịch Covid-19.
Trong ngày đầu phong tỏa cảng cá Phan Thiết, cơ quan y tế tiến hành lấy mẫu xét nghiệm những người dân trong khu vực cảng cá |
hoàng linh |
Theo Phó chủ tịch UBND TP.Phan Thiết Lê Văn Chơn, tất cả tàu cá ở các phường đang thực hiện Chỉ thị 16 đều không được ra khơi đánh bắt, cho đến khi tháo dỡ lệnh phong tỏa cảng cá Phan Thiết.
Trong thời gian phong tỏa cảng cá Phan Thiết, hạn chế các loại tàu thuyền cập cảng để kiểm soát dịch bệnh.
Trong trường hợp chủ tàu cá có nhu cầu ra khơi đánh bắt hải sản thì chỉ áp dụng đối với tàu cá dài hơn 15m và có định vị gắn thiết bị giám sát hành trình. Chủ tàu cá phải cam kết bảo đảm việc phòng, chống dịch Covid-19 và đi đánh bắt thời gian trên biển từ 14 ngày trở lên.
Theo ông Chơn, tàu cá ở các phường Mũi Né, Hàm Tiến, Phú Hài và xã Tiến Thành (ngoại trừ thôn Tiến Đức thuộc xã Tiến Thành) vẫn được đi biển bình thường.
“Việc phong tỏa cảng cá là tạm thời do phát hiện các ca dương tính Covid-19 ngoài cộng đồng. TP.Phan Thiết và Sở NN-PTNT Bình Thuận đã bàn bạc, tạm phong tỏa cảng cá Phan Thiết để khử khuẩn, xét nghiệm người dân trong khu vực. Cho đến khi công tác phòng dịch được đảm bảo sẽ tiến hành gỡ bỏ lệnh phong tỏa ngay”, ông Chơn nói.
Tàu cá neo đậu tại cửa sông Cà Ty, TP.Phan Thiết ngày 5.10 |
hoàng linh |
Còn theo ông Nguyễn Văn Chiến, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận, trong trường hợp khẩn cấp, bất khả kháng như tàu cá vào tránh bão, tàu hư hỏng hay có thuyền viên bị đau bệnh thì thông báo cho cảng cá và trạm kiểm soát của Bộ đội Biên phòng để được cập cảng.
Cũng theo ông Chiến, đối với những tàu cá ra khơi trước ngày 4.10 (ngày bắt đầu thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16), khi vào cảng phải thông báo trước cho cơ quan chức năng và chốt kiểm dịch tại cảng cá. Chủ tàu hoặc thuyền trưởng phải cung cấp thông tin bán hàng cho chủ vựa nào để cảng cá thông tin đến chủ vựa đó, sắp xếp nhân công bốc dỡ hàng hóa sao cho trật tự, đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Trong khi đó, trả lời Thanh Niên, đại tá Chu Văn Tấn, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Bình Thuận cho biết cơ quan có thẩm quyền phong tỏa cảng cá Phan Thiết là UBND TP.Phan Thiết và Sở NN-PTNT. Bộ đội Biên phòng chỉ căn cứ vào quy định của cấp có thẩm quyền để hướng dẫn tàu cá ra vào cảng cá Phan Thiết an toàn để phòng, chống dịch.
Tàu cá dài hơn 15m tại cảng cá Phan Thiết ra khơi sau khi làm đầy đủ các thủ tục về kiểm dịch |
hoàng linh |
Theo đại tá Chu Văn Tấn, tàu cá đi đánh bắt ngoài biển trước ngày 4.10, nếu vào cảng mà không đi biển nữa thì phải xét nghiệm Covid-19 mới được về nhà. Nếu đi biển chuyến tiếp theo (tàu lớn hơn 15 m) thì thuyền viên phải ở lại tàu cá không được lên bờ.
Ông Đỗ Văn Thanh, chủ vựa cá Bích Thanh (ở cảng cá Phan Thiết), cho biết tàu cá dưới 15 m ở các phường đang áp dụng Chỉ thị 16 của TP.Phan Thiết (Đức Thắng, Đức Long, Hưng Long, Bình Hưng và thôn Tiến Đức của xã Tiến Thành) là không nhiều.
Phong tỏa cảng cá Phan Thiết để phòng chống dịch Covid-19 |
hoàng linh |
"Sở dĩ các tàu cá này không được ra khơi là vì không có thiết bị định vị. Khi ra khơi cơ quan chức năng không thể kiểm soát được điểm đến của tàu cá để phòng dịch Covid-19”, ông Thanh nói. Cũng theo ông Thanh, việc phong tỏa cảng cá Phan Thiết là tạm thời, hầu hết các tàu cá dài hơn 15 m trong các phường áp dụng Chỉ thị 16 của TP.Phan Thiết vẫn ra khơi đánh bắt vì đây đang là tâm điểm của mùa cá nam.
Bình luận (0)