Ngày 5.9, Sở NN-PTNT tỉnh Kon Tum cho biết sau khi được tuyên truyền, vận động, người dân đã không còn đi bắt bọ ban miêu, tại nhiều địa phương, hoạt động thu mua loại bọ này cũng đã dừng lại.
Cũng theo Sở NN-PTNT Kon Tum, đây là loài bọ gây hại trên cây họ đậu, bầu bí và cây họ cà. Nếu loài bọ này phát triển với số lượng lớn sẽ gây hại tới các loại cây trồng và hệ thực vật.
|
Theo thống kê của cơ quan này, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có hàng chục hộ dân tham gia bắt bọ ban miêu. Tại H.Ngọc Hồi và H.Đăk Glei có 12 điểm thu mua bọ. Chỉ tính riêng H.Ngọc Hồi đã có 9,5kg bọ được bắt và bán cho các thương lái.
Qua kiểm tra, nhìn chung, số lượng người đi bắt không nhiều, mỗi người đi bắt được khoảng 0,1- 0,15 kg/ngày và bán cho các điểm thu mua tự phát, chủ yếu là các hộ gia đình thu mua rồi bán lại cho các thương lái khác để lấy chênh lệch giá.
Theo Sở NN-PTNT, sau khi báo chí phản ánh, đơn vị đã ban hành công văn gửi Trung tâm Dich vụ nông nghiệp các huyện, thành phố để hướng dẫn các địa phương nhận diện, điều tra nắm tình hình và công tác quản lý.
UBND các huyện, thành phố cũng đã chỉ đạo các ngành chức năng và UBND các xã, thị trấn kiểm tra, theo dõi tình hình bọ ban miêu trên cây trồng, tình hình người dân đi bắt bọ và hoạt động thu mua bọ trên địa bàn.
Như Thanh Niên đã thông tin, thời gian qua người dân các huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Ngọc Hồi, Đăk Hà (tỉnh Kon Tum) đổ xô đi săn côn trùng để bán cho thương lái phía bắc với giá từ 500.000 đến 1,5 triệu đồng/kg. Theo Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Kon Tum, theo Nghị định 31/2016/NĐ-CP, hành vi phát tán, nhân nuôi bọ ban miêu sẽ bị xử phạt từ 3 - 6 triệu đồng.
Bình luận (0)