Phú Đông, một nét sống hào sảng

28/09/2023 15:00 GMT+7

Mấy lần về lại Đồng Nai, ghé Biên Hòa, qua Nhơn Trạch, rồi dừng chân tại xã Phú Đông, tôi cảm nhận nét sống, nét cảnh và nét người nơi đây thật hào sảng, đáng mến.

Từ khi làn sóng công nghiệp tiến đến, đất Đồng Nai như thay da, đổi thịt. Thế mà nét dung dị trong nếp sống từ xưa vẫn còn lưu giữ nơi đây.

Phú Đông, một nét sống hào sảng - Ảnh 2.

Xã Phú Đông thuộc huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai

TGCC

Đất miền Đông một dải đồng bằng, ngoài cần cù, chăm chỉ ra thì cũng phải có tinh thần lạc quan mới sống được với ông trời. Một ông chủ vườn nói với tôi chắc như đinh đóng cột.

Cái không khí ấy, cuộc sống hào sảng của người miền Đông  ấy, tôi đã được đắm chìm trong từng ngày, từng giờ. Chỉ là tiếng cười nói của các bà, các má trong buổi sáng sớm mà thấy lột tả được tính cách đáng quý của người dân nơi đây. Vào đất Đồng Nai thì biết dù còn vất vả lo toan cho đời sống nhưng bà con vẫn giữ tinh thần lạc quan. Họ hay bông đùa bằng lời nói, bằng những câu chuyện tiếu lâm rất đỗi bình thường. Cũng chỉ là con cá, mớ rau hay đong gạo thế nào nhưng qua câu chuyện của người Phú Đông lại trở thành tiếng cười xua tan mệt mỏi.

Lại nhớ thời điểm dịch Covid-19 xảy ra, mọi hoạt động của bà con bị đình trệ. Sản xuất, đồng áng, nền nông nghiệp bị chặn lại và mọi người phải căng sức ra chống dịch. Vùng quê lặng gió. Tất cả phải gồng mình chờ "cơn bão" đi qua. Một lòng chung tay quyết tâm rồi cũng đến ngày hái quả. Sự đoàn kết rồi sẽ dẫn đến thành công. Người dân cũng khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh. Rồi miền Phú Đông trỗi dậy mạnh mẽ, như khẳng định sức sống mãnh liệt của mình.

Đến đất Phú Đông, nếu ai đi xa lâu quá có thể sẽ gặp hình ảnh không ngờ. Nơi đây, ngoài bản sắc văn hóa đặc biệt còn có hơi thở cuộc sống đang vận động mạnh mẽ. Cách đây nhiều thế kỷ, vùng đất này vốn có thể mạnh về sản xuất nông nghiệp, nay lại thêm sự thu hút, lan tỏa về văn hóa đến bạn bè muôn nơi.

Thuở ấy, xã Phú Đông vốn được người dân khai phá xung quanh những kênh rạch, hình thành thôn làng từ sớm với các ấp, với làng quê đặc trưng cho miền Đông Nam bộ. Nét văn hóa này kế thừa qua các đời rồi trở thành như ngày nay, đó là văn hóa cuộc sống ven sông rạch định cư ổn định, môi trường cũng thuận lợi cho phát triển đời sống.

Ở nơi đây, tính cách người miền Đông Nam bộ luôn thể hiện rõ nét trong cuộc sống hằng ngày. Từ mỗi buổi đi làm đồng rồi nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, người Phú Đông thể hiện rõ tư chất hào sảng, phóng khoáng trong từng lời ăn tiếng nói, vừa ra sức phát triển cuộc sống sung túc nhưng vẫn hồn hậu và hiếu khách, sẵn sàng chia sẻ đến bà con cộng đồng.

Những giá trị truyền thống văn hóa và lịch sử của đất Phú Đông luôn vận động trong các thời kỳ lịch sử nhưng bản chất người Phú Đông vẫn như vậy, vẫn giữ được nét văn hóa bao đời. Điểm đặc biệt của người nơi đây là tính kiên trì, bất khuất dù trải qua đau thương. Hơn nửa thế kỷ đã qua nhưng người dân nơi đây vẫn nhớ như in cuộc thảm sát năm nào. Mỗi khi đi qua bia tưởng niệm là bao ký ức lại hiện về, nhắc nhở bà con nơi đây phải giữ tinh thần kiên trung bất khuất.

Trò chuyện với người dân, tôi lại càng hiểu thêm về những biến cố đã trải qua với người đi và người ở lại… Ký ức thật đau thương, nhưng cũng để cho những người ở lại phải tiếp tục sống, phải tiếp tục tồn tại và chống chọi với sóng gió cuộc đời. Những cảm xúc vẹn nguyên còn đọng lại cũng là tiếng lòng được bà con Phú Đông truyền cho thế hệ mai sau, rằng không bao giờ được đánh mất khát vọng sống, khát vọng tồn tại.

Phú Đông ngày nay mang đến cho tôi một hơi thở mới. Từ những người đánh cá hằng ngày giăng lưới trên sông cho đến anh công nhân, chi tiểu thương, tôi đều nhận thấy một tinh thần, một cuộc sống mới. Truyền thống văn hóa và lịch sử của một mảnh đất nơi miền Đông hào hùng luôn tồn tại và phát triển dẫu trải qua thăng trầm sóng gió. Và nơi đây, sự năng động dần bao phủ, để cho những người khách khi rời mảnh đất Phú Đông của Đồng Nai đều cảm nhận như có luồng sinh khí mới. Có thể một người Bắc như tôi thấy ngạc nhiên và mới lạ khi tiếp xúc với văn hóa miền Đông Nam bộ, nhưng ấn tượng ấy thật tốt đẹp và khó phai. Tính hào sảng, phóng khoáng ấy của con người miền Đông cũng trở thành một kỷ niệm in dấu mãi trong lòng.

Cuộc thi viết Hào khí miền Đông do Báo Thanh Niên phối hợp cùng Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 tổ chức là cơ hội để độc giả chia sẻ tình cảm sâu đậm của bản thân về đất và người các tỉnh thành Đông Nam bộ (bao gồm Bà Rịa- Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Tây Ninh, TP.HCM), đồng thời đóng góp những cách làm hay, mô hình mới, tư duy sáng tạo, năng động của người miền Đông. Tác giả có thể gửi bài tham dự theo hình thức tản văn, tùy bút, ghi chép, phóng sự báo chí... để có cơ hội nhận các giải thưởng hấp dẫn với tổng trị giá đến 120 triệu đồng.

Bài dự thi vui lòng gửi về địa chỉ email haokhimiendong@thanhnien.vn hoặc gửi qua đường bưu điện về địa chỉ Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi Hào khí miền Đông). Cuộc thi sẽ nhận bài dự thi đến hết 15.11.2023. Bài viết được chọn đăng trên nhật Báo Thanh Niên và báo điện tử thanhnien.vn sẽ nhận được nhuận bút theo quy định của tòa soạn.

Thể lệ chi tiết vui lòng xem tại đây.

Phú Đông, một nét sống hào sảng - Ảnh 4.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.