Phụ huynh Hà Nội 'chia rẽ' trước đề xuất cho học sinh trở lại trường

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
27/10/2021 16:26 GMT+7

Cứ mỗi lần Hà Nội đưa ra thông tin về đề xuất mở cửa trường học là các phụ huynh lại “chia rẽ” bởi hai luồng ý kiến trái ngược, người muốn con được đến trường, người chưa muốn cho con học đi vì bất an.

Lo con chậm phát triển vì bị “nhốt” quá lâu

Dưới bài viết về việc Hà Nội chưa chốt phương án cho học sinh trở lại trường, một bạn đọc Báo Thanh Niên bình luận: “6 tháng không ra khỏi nhà sẽ làm chậm phát triển của một trẻ cả về thể chất và tinh thần, làm mất đi giai đoạn vàng trong phát triển chiều cao của các bé trong tuổi dậy thì. Phải tìm cách để đưa các em ra khỏi nhà, tham gia các hoạt động ngoài trời. Không thể lấy lý do an toàn là trên hết để trốn trách nhiệm với trẻ, làm ảnh hưởng cả một thế hệ. Đó là lý do các nước khác từ Mỹ, châu Âu… họ vẫn cho trẻ đi học, không lẽ họ không yêu thương con em của họ?”.

Nhiều bố mẹ mong con được đến trường để phát triển toàn diện

ngọc thắng

Bên cạnh đó, trên các diễn đàn mạng xã hội dành cho phụ huynh, nhiều ý kiến cũng bày tỏ sự sốt ruột, mong muốn cho học sinh sớm được đến trường. Một ý kiến chia sẻ: “Bây giờ phụ huynh đi làm hết rồi, hầu như là các hoạt động trở lại bình thường. Các cháu còn rủ nhau đi chơi, đến nhà nhau chơi, mọi thứ đều bình thường, tại sao lại không dám cho các cháu đến trường đi học. Hà Nội có mấy phương án mà mãi không quyết được, chán quá”.

Nhiều bố mẹ cho rằng, các con ở nhà học trực tuyến cũng có nhiều mối nguy hiểm khi bố mẹ phải đi làm, không có ai trông nom. Đã có một số tai nạn đáng tiếc xảy ra. Hơn nữa, việc học trực tuyến khó kiểm soát khi các con sử dụng máy tính vào những việc riêng, chơi game... dễ dẫn đến tâm lý sao nhãng học hành. Nhìn quá lâu vào màn hình máy tính, điện thoại cũng không tốt cho mắt của trẻ.

Lo lắng hơn cả vẫn là việc học trực tuyến kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của học sinh khi các con bị “nhốt” trong nhà quá lâu, không giao lưu, tiếp xúc và tham gia các hoạt động tập thể.

Anh Nguyễn Phan, có con học lớp 1 ở Q.Thanh Xuân (Hà Nội), cho biết: "Do lứa tuổi bắt buộc phải có bố mẹ kèm khi con học trực tuyến nên vợ chồng anh buộc phải cắt cử sắp xếp công việc ở nhà với con. Cũng may đặc thù công việc của tôi có thể làm trực tuyến nhưng bố mẹ không có kỹ năng dạy học nên thực sự là đánh vật khi hướng dẫn con học”, anh Phan nói.

Anh Phan còn kể, mỗi lần đưa con đi qua cổng trường, cháu lại thắc mắc: “Sao trường ở ngay cạnh nhà mà con vẫn chưa được đi học?”.

Có phụ huynh còn bày tỏ lo lắng nếu cứ học và kiểm tra bằng hình thức trực tuyến thì sẽ khiến học sinh từ một đứa trẻ học hành nghiêm túc trở nên gian dối trong thi cử.

“Tôi phát hoảng khi vô tình nghe thấy con bàn bạc với các bạn trong lớp chuẩn bị cho kỳ kiểm tra trực tuyến giữa kỳ sắp tới, chúng phân công bạn nào “phụ trách” giải bài môn gì cho cả nhóm. Tôi phải báo ngay với giáo viên chủ nhiệm để tìm cách chặn ngay ý định này của các con”, chị V.H, có con học lớp 8 ở Q.Cầu Giấy (Hà Nội), cho biết.

Bản tin Covid-19 ngày 27.10: Ca dương tính ở TP.HCM tăng trở lại | Bắt đầu tiêm vắc xin cho trẻ em

Muốn con tiêm vắc xin rồi mới đến trường

Bên cạnh mong muốn cho con sớm được đến trường thì luồng ý kiến lo lắng và muốn trì hoãn cũng không phải ít.

Một bộ phận phụ huynh nói nếu cho họ lựa chọn, họ sẽ chọn tiếp tục cho con ở nhà học trực tuyến như hiện nay, khi nào thật an toàn mới cho con đến trường.

Nhiều ý kiến đều chung mong muốn khi nào học sinh được tiêm vắc xin thì mới yên tâm cho con đi học trực tiếp. Họ cũng nhận thấy những bất cập và ảnh hưởng tiêu cực khi con phải ở nhà nhưng lại cho rằng “quan trọng số 1 là an toàn tính mạng và sức khỏe của con, việc học có thể chậm một chút cũng không sao”.

Trên các diễn đàn dành cho phụ huynh, chủ đề đi học hay ở nhà học trực tuyến luôn được bàn luận sôi nổi. Cứ mỗi khi có địa phương nào đó xuất hiện các ca F0 là học sinh hoặc giáo viên và buộc phải dừng việc học lại khiến phụ huynh Hà Nội đưa ra như một dẫn chứng về việc chưa nên cho học sinh đến trường, lo các con đi học được ít ngày rồi lại nghỉ, thậm chí phải đi cách ly tập trung vì dịch bệnh.

Học sinh TP.HCM bắt đầu tiêm vắc xin phòng Covid-19 từ 27.10

đào ngọc thạch

Các chuyên gia nói gì?

Mới đây, ông Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện đại học Y Hà Nội, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, cho rằng: “Khi chưa có kế hoạch rõ về việc tiêm vắc xin thì vẫn nên duy trì việc học trực tuyến. Nơi học trực tuyến khó khăn, không thể học trực tuyến, vùng xanh thì nên đi học tại trường. Với cấp 3, chỉ sau khi tiêm xong thì mới nên mở cửa trường trở lại, cấp 2 tùy tình hình khi gia đình, số lượng được tiêm 60 - 70% thì mở cửa lại toàn bộ".

Lý do về việc chưa nên đi học trở lại khi chưa triển khai tiêm vắc xin, theo ông Lân Hiếu, là để “đảm bảo tính thống nhất cho các cháu trong việc học tập ở từng giai đoạn nhất định… Không thể nào một trường học cứ mở cửa, có vài ca dương tính lại đóng lại thì sẽ không ổn định cho việc học tập của các cháu”.

Tuy nhiên, PGS - TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng ((Bộ Y tế)), cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, người từng nhiều lần đề xuất Hà Nội sớm cho học sinh đến trường, lại cho rằng: quan điểm nên tiêm phủ vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em rồi mới mở cửa trường học là không phù hợp.

Theo ông Phu, chưa nói đến nguồn cung vắc xin vẫn khan hiếm, ngay cả trong trường hợp có đủ vắc xin thì việc phải tiêm đủ 2 mũi để có kháng thể cũng mất nhiều thời gian. Và như thế, năm học sẽ bị kéo dài, ảnh hưởng đến học sinh, nhất là học sinh các lớp đầu cấp, cuối cấp.

PGS - TS Trần Đắc Phu cũng đề xuất khi mở cửa trường, các lớp học nên tổ chức độc lập với nhau, tránh giao lưu giữa lớp nọ sang lớp kia. Trong trường hợp dịch xảy ra ở lớp nào thì chỉ đánh giá nguy cơ ở lớp đấy. Nếu các lớp khác không có yếu tố dịch tễ thì vẫn tổ chức dạy học bình thường.

Theo văn bản hướng dẫn của Bộ GD-ĐT ban hành ngày 15.10 (sau khi tham khảo ý kiến của Bộ Y tế) gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc dạy học trực tiếp thì các trường học ở khu vực thuộc cấp độ 1 và cấp độ 2 về dịch Covid-19 có thể dạy học trực tiếp hoàn toàn; cấp độ 3 dạy kết hợp trực tiếp và trực tuyến, cấp độ 4 tổ chức dạy học trực tuyến và trên truyền hình.

Theo đánh giá cấp độ dịch ở phạm vi tỉnh, huyện và phường, xã dựa vào Nghị quyết số 128 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế, cả nước có 37 tỉnh, thành ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình) và 26 tỉnh, thành ở cấp độ 1 (nguy cơ thấp - bình thường mới). Không có tỉnh, thành cấp độ 3 (nguy cơ cao) và cấp 4 (nguy cơ rất cao).

Nếu áp dụng theo đề nghị của Bộ GD-ĐT thì tất cả tỉnh, thành cả nước đã có thể mở cửa trường học được, trừ các xã, huyện đang ở cấp độ 3 và cấp độ 4.

Văn bản của Bộ GD-ĐT cũng không có nội dung nào đề cập đến việc phải tiêm vắc xin cho học sinh mới tổ chức dạy học trực tiếp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.