Phụ huynh Hà Nội lao đao tìm trường mầm non cho con

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
15/04/2022 06:15 GMT+7

Sau gần 1 năm ở nhà vì dịch bệnh, đến ngày 13.4, TP.Hà Nội cho trẻ mầm non trở lại trường , nhiều trường tư đã giải thể hoặc thiếu trầm trọng giáo viên khiến phụ huynh lại lao đao tìm chỗ học cho con.

Khó “kiếm suất” vào mầm non công lập

Chị Mai Trang (nhà ở Linh Đàm, Q.Hoàng Mai) cho biết trước khi dịch bệnh, chị gửi con ở một cơ sở mầm non tư thục, nhưng sau gần 1 năm mới được mở cửa trường nên cơ sở này đã giải thể. Chị đang loay hoay tìm chỗ gửi con, vì trường công thì nói quá tải, phải chờ đến mùa tuyển sinh cho năm học mới chứ không nhận trẻ vào thời điểm sắp kết thúc năm học.

Nhiều phụ huynh rất vất vả mới tìm được chỗ học ở trường mầm non cho con

Đậu Tiến Đạt

Phụ huynh này cho hay, việc kiếm một “suất” vào trường mầm non công lập ở lứa tuổi 2 - 3 tuổi là điều vô cùng khó khăn. Các trường công trên địa bàn năm nào thông báo tuyển sinh cũng chỉ ưu tiên nhận trẻ 5 tuổi để phổ cập trước khi vào lớp 1, còn lại trẻ từ 4 tuổi trở xuống phụ huynh phải bốc thăm may rủi mới có chỗ gửi trẻ.

Đây là tình cảnh chung không ít phụ huynh gặp phải. Nghe tin trường mầm non mở cửa trở lại, các phụ huynh tự đến các cơ sở mầm non ở gần nhà để tìm hiểu. Một số nơi vẫn thông báo nhận trẻ nhưng cũng đang thiếu giáo viên và cô nuôi trầm trọng.

Q.Hoàng Mai là nơi có tốc độ đô thi hóa và dân số tăng cơ học thuộc diện nhất, nhì TP.Hà Nội nhiều năm gần đây. Vì vậy, đây cũng là địa bàn có số cơ sở mầm non tư thục nhiều nhất. Bà Phạm Đàm Thục Hạnh, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Hoàng Mai, cho hay trong ngày 13.4 vừa qua, 50 trường mầm non cùng 352 nhóm trẻ trên địa bàn quận mở cửa trở lại. Thời gian đóng cửa trường, có 1 trường mầm non tư thục và 61 nhóm trẻ đã giải thể. Dù vậy, bà Hạnh cũng lạc quan cho rằng số lượng các trường tư thục còn lại vẫn đủ đáp ứng nhu cầu gửi con của phụ huynh. Tuy nhiên, đủ về số lượng cơ sở nhưng số lượng và chất lượng giáo viên và các cô nuôi thì bà Hạnh không đề cập đến.

Q.Nam Từ Liêm cũng phải “dựa” rất nhiều vào hệ thống mầm non ngoài công lập để đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của người dân, khi hệ thống công lập còn rất thiếu. Báo cáo của UBND quận này cho hay, toàn quận có 50 trường mầm non với 23.585 trẻ. Trong đó, trường công lập có 9.056 trẻ, trường ngoài công lập có 5.104 trẻ, nhóm lớp tư thục độc lập lên tới 9.425 trẻ.

Những vụ giáo viên, cô nuôi ở các cơ sở mầm non tư thục nhỏ lẻ bạo hành trẻ đã xảy ra rất nhiều trong thực tế, nên lo lắng của phụ huynh là có thể hiểu được. Tuy nhiên, phụ huynh ở những địa bàn có tốc độ đô thị hóa quá nhanh mà trường học xây chậm hơn rất nhiều vốn không có nhiều lựa chọn từ trước khi xảy ra dịch bệnh, nay thì khó khăn càng trầm trọng hơn.

Thực tế, trên các diễn đàn dành cho chủ trường hoặc giáo viên mầm non tư thục, có những lời mời tuyển sinh khiến phụ huynh rất lo lắng, ví như: “Tuyển gấp giáo viên mầm non, nghỉ hưu cũng được, có bầu cũng được… chị “cân” hết, các cô inbox hoặc gọi cho chị…”.

Chị Hồng Minh, nhà ở một khu đô thị thuộc P.Văn Khê (Q.Hà Đông), cho biết nếu nói thiếu chỗ gửi trẻ ở các cơ sở tư thục là không đúng, nhưng gửi con nhỏ phải vô cùng cẩn trọng. Lo nhất là sau dịch, giáo viên trường tư không bám trụ với nghề nữa gây thiếu hụt, các cơ sở lại “tuyển bừa” cho có chứ không tuyển được giáo viên đủ kinh nghiệm và được đào tạo bài bản thì hậu quả có thể khôn lường.

Bản tin Covid-19 ngày 14.4: Cả nước 10,3 triệu ca | Hơn 10 triệu trẻ 5-12 tuổi bắt đầu tiêm vắc xin

Sẽ có chính sách thu hút giáo viên mầm non

Trả lời câu hỏi của phóng viên Thanh Niên “khi trẻ trở lại trường mà trường tư thục không còn nữa thì quận có hỗ trợ gì về chuyển chỗ học cho trẻ không?”, bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Hà Đông, nơi vừa qua có tới khoảng 30% cơ sở mầm non tư giải thể và cũng khoảng 30% giáo viên ở khối này nghỉ việc, khẳng định Q.Hà Đông yêu cầu các trường công lập mở cửa, hỗ trợ tối đa nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh. Tuy nhiên, bà Hằng cũng cho rằng, sắp tới cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở mầm non mở cửa trở lại hoặc thành lập mới để san sẻ với hệ thống mầm non công lập còn đang quá tải hiện nay.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Hương, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Nam Từ Liêm, cho biết toàn quận có 10 nhóm lớp thông báo giải thể. Đối với trẻ theo học tại các nhóm lớp giải thể thì ưu tiên chuyển về học tại các trường công lập. Phụ huynh có thể gửi con học trường công lập, hoặc hệ thống ngoài công lập theo nguyện vọng.

Còn đại diện Phòng GD-ĐT Q.Bắc Từ Liêm thì cho hay, đơn vị sẽ đưa ra những chính sách ưu đãi để thu hút lực lượng giáo viên mầm non gắn bó với ngành trong giai đoạn này. Tới đây, Phòng sẽ phối hợp với UBND quận tổ chức phiên giao dịch việc làm dành riêng cho ngành giáo dục mầm non, để kêu gọi, thu hút giáo viên, sinh viên ngành sư phạm về công tác tại quận.

Tạo điều kiện tối đa thành lập tư thục mầm non

Về giải pháp khôi phục hoạt động của các cơ sở mầm non tư thục, ngoài công lập, ông Chử Xuân Dũng, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, đề nghị Sở GD-ĐT tạo điều kiện thuận lợi, nhất là khi các trường có nhu cầu thành lập mới, tránh rườm rà về thủ tục hành chính. Để thu hút đội ngũ giáo viên mầm non quay trở lại, các trường cần công bố rộng rãi thông tin về nhu cầu tuyển dụng để họ có điều kiện tiếp cận; đồng thời tổ chức bồi dưỡng giáo viên, nâng cao chất lượng giáo dục.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.