Đổ xô cho con học 'chui' chương trình lớp 1

14/04/2022 11:09 GMT+7

Sau gần 2 tháng mở cửa trường mầm non, TP. Đà Nẵng chỉ có 45% trẻ ở độ tuổi mẫu giáo ra lớp. Trong đó, trẻ 5 tuổi ra lớp rất ít dù nhà trường đã liên lạc và vận động phụ huynh đưa con trở lại trường. Thế nhưng, nhiều phụ huynh lại đổ xô cho con học 'chui' chương trình lớp 1.

Thời điểm TP.Đà Nẵng mở cửa lại trường mầm non, chị Võ Thanh Thúy, trú ở P.Hòa Cường Bắc, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng, đã có một thời gian gửi con theo học nhóm lớp dự thính lớp 1 do một cô giáo đã nghỉ hưu gần nhà mở.

“Để con ở nhà thì không ai trông, nên vợ chồng tôi bàn nhau cho con đi học dự thính. Học phí cũng như đi học trường mầm non, con lại được học trước chữ, vào lớp 1 sẽ tự tin hơn”, chị Thúy kể.

Ít trẻ thì cũng bớt nguy cơ lây nhiễm hơn?

Nhưng khi trường học đã tổ chức đón trẻ trở lại, chị vẫn tiếp tục cho con theo học lớp dự thính. “Dịch vẫn đang diễn biến phức tạp. Ví dụ như con mình không nhiễm Covid-19 nhưng trong lớp chỉ cần có một bạn là F0 thì cả lớp phải tạm nghỉ học để cách ly. Con nghỉ thì công việc của ba mẹ lại xáo trộn vì phải ở nhà trông con”, chị Thúy giải thích.

Chị Trần Thị Hồng Vân, trú ở P.Hòa An, Q.Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng cũng có chút lo lắng về chuyện đeo khẩu trang của trẻ mầm non.

"Trẻ khó mà đeo khẩu trang suốt cả ngày. Giờ ăn ngủ, các con cũng phải tháo khẩu trang ra. Chưa kể là lúc chơi đùa, việc tiếp xúc gần là không tránh khỏi. Để tránh nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cho con, gia đình tôi chọn gửi cháu theo học lớp dự thính gần nhà, với nhóm chỉ có 5 cháu. Ít trẻ thì cũng bớt nguy cơ lây nhiễm hơn”, chị Trang chia sẻ.

Lớp mẫu giáo lớn Trường mầm non Bình Minh làm quen với chữ cái qua các trò chơi

Hà phong

Trong thời gian các trường mầm non ở TP.Đà Nẵng buộc phải đóng cửa để phòng chống dịch, rất nhiều nhóm trẻ tự phát có quy mô nhỏ ra đời, đáp ứng nhu cầu trông, giữ trẻ của phụ huynh. Qua kiểm tra, Phòng GD-ĐT Q.Liên Chiểu đã lập biên bản buộc ngừng hoạt động đối với 3 gia đình nhận giữ trẻ tự phát. Đồng thời, xử lý, lập biên bản vi phạm hành chính đối với nhóm trẻ Vàng Anh (nhận giữ 14 trẻ) với số tiền 7,5 triệu đồng.

Bà Trần Thị Như Lai, Hiệu trưởng Trường Mầm non Cẩm Vân (Q.Hải Châu), cho biết ngoài tuyên truyền qua các kênh như fanpage của trường, nhóm Zalo của các lớp, nhà trường phân công giáo viên liên lạc với phụ huynh để vận động đưa trẻ ra lớp.

Tuy nhiên, sau 2 tháng hoạt động trở lại, chỉ có 25/70 trẻ lớp lớn trở lại trường. “Lý do phụ huynh đưa ra là đang lo lắng vì dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, số ca mắc còn cao. Tuy nhiên, theo như tìm hiểu của giáo viên thì phần đông học sinh lớp lớn đã được phụ huynh gửi đi học các lớp dự thính trước khi vào lớp 1”, bà Lai nói.

Do số trẻ đến trường quá ít, Trường mầm non Bình Minh (Q.Cẩm Lệ) phải vận động phụ huynh để chuyển toàn bộ trẻ ở cả 3 điểm trường về học tại điểm trường chính.

Trường mầm non Cẩm Vân chỉ có 25/70 trẻ lớp lớn ra lớp. Bà Đặng Thị Cẩm Tú, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT Đà Nẵng, cho biết theo khảo sát của sở, tỉ lệ trẻ mầm non 5 tuổi trở lại trường thấp nhất trong các độ tuổi, có trường chỉ đạt khoảng 20% so với trước khi học sinh tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch bệnh.

"Tỉ lệ trẻ mầm non 5 tuổi ra lớp của các trường xê dịch từ 20 – 50%. Thậm chí, thời điểm đầu tháng 3/2022, có một số trường, lớp lớn bị “xóa” hẳn vì không có trẻ”, bà Tú nói.

Theo bà Tú thời điểm trẻ mầm non trở lại trường cũng đã gần giữa học kỳ 2, thời gian học tại trường của trẻ 5 tuổi còn lại rất ngắn. Vì vậy, nhiều phụ huynh đã chọn phương án cho con ở nhà hoặc đi học dự thính lớp 1 (thay vì trở lại trường mầm non).

Trẻ ngoan theo kiểu thụ động

Bà Trần Thị Như Lai cho biết sau khoảng 1 tháng đón trẻ trở lại, số trẻ mầm non 5 tuổi ra lớp có tăng nhưng không đáng kể. Một số phụ huynh sau khi tìm hiểu thông tin trong hồ sơ tuyển sinh lớp 1 (như cần có giấy chứng nhận hoàn thành chương trình phổ cập mầm non 5 tuổi) đã đưa con ra lớp.

Đáng chú ý, qua phản ảnh của giáo viên, những trẻ có một thời gian theo học lớp dự thính lớp 1 khi trở lại trường thường rất ngoan. Thế nhưng, các em thường không có sự hào hứng khi tham gia các trò chơi. Chủ yếu chỉ làm theo các yêu cầu của cô giáo và ít khi chủ động hợp tác với các bạn...

Phân tích về tình trạng này, bà Như Lai cho rằng có thể ở những lớp dự thính các em chủ yếu chỉ tập viết, ghi nhớ các chữ cái, tập ghép vần chứ không phải học thông qua các trò chơi.

Theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng, các lớp mẫu giáo lớn đặt mục tiêu giúp trẻ đáp ứng chuẩn mầm non 5 tuổi để sẵn sàng vào lớp 1. Các trường mầm non ưu tiên tổ chức các hoạt động trải nghiệm, linh hoạt trong mục tiêu giáo dục. Để đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch, giáo viên tổ chức cho trẻ hoạt động trải nghiệm theo nhóm 3 - 5 trẻ hoặc trải nghiệm cá nhân.

Bà Đặng Thị Cẩm Tú cho rằng nhiều phụ huynh nghĩ chỉ cần trẻ đọc được chữ cái, ghép vần, làm toán thành thạo là đủ để con tự tin vào lớp 1. Nhưng theo bà, đó mới chỉ là một phần của chuẩn đầu ra của trẻ mầm non 5 tuổi. Việc chuẩn bị cho trẻ các kỹ năng để sẵn sàng thích ứng với môi trường học tập mới ở tiểu học mới là điều quan trọng.

Nếu không đến trường, trẻ có thể thiếu một số kỹ năng xã hội, kỹ năng quan hệ với bạn, thầy cô, kỹ năng giao tiếp, phát triển ngôn ngữ. Môi trường gia đình sẽ không đủ với trẻ; trẻ sẽ cảm thấy buồn chán nếu suốt ngày chỉ quanh quẩn bên bố mẹ, ông bà, không thể chơi các trò chơi với bạn có cùng độ tuổi.

Bà Trương Thị Nhã Trúc, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phù Đổng (Q.Hải Châu) cũng cho rằng trong giai đoạn học dự thính, nếu trẻ không được học với những giáo viên nắm được yêu cầu, phương pháp của chương trình lớp 1 thì khi đi học chính thức, giáo viên sẽ rất mất thời gian để “sửa sai”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.