“Hơn 70% trường hợp bạo lực đối với phụ nữ là các vụ bạo hành gia đình” - Martha Santoso Ismail thuộc Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) cho biết. Về nguyên nhân hiện trạng này ở Indonesia, nhân viên chương trình quốc gia về giới tính thuộc UNFPA Lany Harijanti cho rằng do phụ nữ chưa được xem trọng.
Nạn nhân của tội phạm, bạo hành
Một phụ nữ tên Famega Syavira Putri, 26 tuổi, quyết định mua chai xịt hơi cay sau khi bị cướp ví tiền. Theo lời kể của Famega, cô không kịp trở tay khi bọn cướp dồn ép và giật lấy ví tiền của cô trên xe buýt hồi năm ngoái. “Tôi mua chai xịt để cho những tên xấu xa một bài học” - Famega nói.
Công việc đòi hỏi cô phải ra đường bất cứ lúc nào, ngay cả ban đêm, khiến cô dễ trở thành nạn nhân của bọn tội phạm. Nhất là dạo gần đây, lạm dụng tình dục trên các phương tiện giao thông công cộng ở thủ đô Jakarta thường xuyên xảy ra. Famega nói riêng và phụ nữ Indonesia nói chung biết rằng khó có thể lúc nào cũng trông cậy vào chính quyền để bảo vệ họ mọi lúc mọi nơi.
|
Theo báo The Jakarta Post (Indonesia), trường hợp bạo lực đối với phụ nữ ngày một tăng. Ủy ban Quốc gia Chống bạo lực đối với phụ nữ (NCVW) ghi nhận các vụ bạo hành tăng 13%, lên 119.107 trường hợp trong năm 2011, nhiều hơn so với con số 105.103 của năm trước đó. Con số thống kê trên được thu thập từ 395 trung tâm dành cho phụ nữ ở 33 tỉnh khắp Indonesia.
Yustina Rostiawati thuộc NCVW cho rằng hiện trạng này gia tăng là do sự thờ ơ của các cơ quan thực thi luật pháp. Bà kêu gọi cơ quan có thẩm quyền xử lý các vụ hiếp dâm, thay vì chỉ đưa ra biện pháp hỗ trợ. Trong trường hợp đó, phần lớn nạn nhân bị đổ lỗi là không mặc quần áo kín đáo. “Phụ nữ hiếm khi nhận được sự bảo vệ từ các cơ quan có thẩm quyền trong những tình huống như thế” - Yustina khẳng định. Vì vậy, nhiều phụ nữ quyết định tự bảo vệ mình trước kẻ xấu.
Tìm cách tự vệ
Winta Dewi, 37 tuổi, có vóc người nhỏ nhắn nên thường bị những người đàn ông xa lạ quấy rối trên đường phố. Nhờ vào vốn võ Aikido học được, bà mẹ của 2 đứa con này tự hào rằng từng “hạ đo ván kẻ xấu khi băng qua cầu ở khu Sudirman (Jakarta)”.
Emilia Kusuma, người sáng lập Trung tâm Aikido Sakura Dojo tại Senayan - Jakarta, cho biết: “Hầu hết học viên nữ, khoảng một nửa trong số 400 người, tìm đến đây để học cách tự vệ”. Ngoài việc tìm đến các lớp võ thuật, một số phụ nữ Indonesia còn chọn cách mua những công cụ tự vệ như chai xịt hơi cay hay súng bắn điện.
Kristi Poerwandari, nhà tâm lý học về giới tính và phụ nữ thuộc Trường Đại học Indonesia (UI), nhận định: “Có thể thấy rằng cảm giác bị đe dọa đã lên đến đỉnh điểm và giải pháp thực tế nhất hiện nay là chiến đấu chống lại”. Tuy nhiên, những nhà xã hội học và chuyên gia về phụ nữ nghi ngờ hiệu quả của giải pháp nói trên. Theo họ, tự vệ chỉ là một giải pháp tình thế, không giải quyết được gốc rễ của vấn đề.
Theo Người Lao Động
>> Bạo lực gia đình: “nhịn là chết”
>> Nhẫn nhịn là... tàn đời!
>> Đòn ghen… trí thức
>> Trầm cảm ảnh hưởng nhiều đến phụ nữ
>> Nạn bạo hành gia đình ở Nga
>> Phụ nữ Ấn Độ trong nỗi ám ảnh cưỡng bức
>> Đề nghị gây sốc của ông Gaddafi
>> “Đại dịch” cưỡng hiếp ở Nam Phi
>> Hiếp dâm là một thứ vũ khí chiến tranh
Bình luận (0)