Phụ nữ 'ôm' việc chăm sóc không lương vì không ai làm, trách nhiệm với gia đình

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
11/03/2022 15:30 GMT+7

Theo nghiên cứu khảo sát về công việc chăm sóc không lương, công việc này được xem như việc của phụ nữ là chính với lý do làm vì trách nhiệm với gia đình. Trong đó, 81% nữ công nhân được khảo sát cho biết lý do không có ai làm.

Sáng 11.3, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM (thường trực Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới TP.HCM), Trường đại học Văn Lang, Cơ quan Liên Hiệp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) Việt Nam tổ chức hội thảo tham vấn kết quả nghiên cứu khảo sát về công việc chăm sóc không lương của phụ nữ trong dịch Covid-19 tại TP.HCM. Những công việc chăm sóc không lương gồm công việc nội trợ như nấu ăn, dọn vệ sinh; công việc chăm sóc như chăm sóc trẻ em, người già, người khuyết tật; công việc họ hàng và tình nguyện cộng đồng như thăm nom, hiếu hỷ họ hàng không được trả lương...

Nghiên cứu thực hiện tại TP.HCM từ tháng 10.2021 đến tháng 3.2022 với hơn 2.000 người tham gia phỏng vấn đến từ các nhóm ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, nhằm thu thập cơ sở dữ liệu đầu vào phục vụ thực hiện Mục tiêu 3, Chiến lược, chương trình quốc gia về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021 - 2030.

Phụ nữ gia tăng 'việc không tên, không lương' vì không có ai làm

PGS-TS Lê Thị Minh Hà, đại diện nhóm nghiên cứu, trình bày các phát hiện chính của kết quả khảo sát về nhận thức về công việc chăm sóc không lương; thực trạng công việc chăm sóc không lương của phụ nữ; ứng phó với sự gia tăng công việc chăm sóc không lương trong dịch Covid-19...

Theo đó, nhận thức của người được khảo sát về công việc chăm sóc không lương chưa đầy đủ. Đồng thời, công việc này được xem như việc của nữ giới là chính với lý do làm vì trách nhiệm với gia đình chiếm tỷ lệ cao nhất ở nam và nữ (65,1% và 59,0%), hoặc vì không có ai làm.

Đáng lưu ý, với nữ công nhân thì lý do không có ai làm chiếm cao nhất - 81%, trong khi lý do yêu thích chỉ có 30,5% nữ và 16,3% nam lựa chọn.

Đôi khi họ làm việc nhà cũng do người khác yêu cầu và tỷ lệ vợ yêu cầu ở chồng cao gấp đôi, thậm chí gấp 3 - 4 lần ở nhóm giáo viên/giảng viên hay nhóm lao động tự do.

Hội thảo tham vấn kết quả nghiên cứu khảo sát về công việc chăm sóc không lương của phụ nữ trong đại dịch Covid-19 tại TP.HCM sáng 11.3

PHẠM THU NGÂN

Mặc dù, giá trị của công việc chăm sóc không lương còn thể hiện trong sự phát triển kinh tế - xã hội (ví dụ như cung ứng nguồn nhân lực lao động khỏe mạnh cho nền kinh tế; giảm gánh nặng của chính phủ khi cung cấp nhiều dịch vụ an sinh cho cá nhân và hộ gia đình...) nhưng hầu hết những người trả lời khảo sát chỉ đề cập giá trị của công việc này ở khía cạnh gia đình là tế bào xã hội: gia đình tốt thì xã hội tốt; nấu nướng, chăm sóc con cái tốt thì xã hội cũng được hưởng theo.

Những nhận thức về công việc chăm sóc không lương là do tác động của văn hóa, định kiến giới, hạn chế của thông tin, truyền thông và chính sách, nhất là vì quan niệm xa xưa về phụ nữ với góc bếp và việc nội trợ đã quá ăn sâu vào mỗi gia đình và con người Việt Nam.

Phụ nữ chịu tác động kép

Đại diện nhóm nghiên cứu cũng cho hay, công việc chăm sóc không lương gia tăng khá nhiều trong thời gian dịch Covid-19 và ở hầu hết các đầu mục công việc nội trợ, chăm sóc hay cộng đồng. Phụ nữ vẫn là người chính làm công việc nội trợ, mặc dù có sự tham gia chia sẻ của nam giới.

Theo bà Lê Thị Lan Phương, cán bộ chương trình Chấm dứt bạo lực với phụ nữ (UN Women Việt Nam), trong bối cảnh dịch Covid-19, công việc chăm sóc không lương tăng cao, nhất là vì trẻ con phải ở nhà. Trong khi đó, phụ nữ (đặc biệt là lao động ở lĩnh vực dễ bị tổn thương, phi chính thức) bị mất việc, mất thu nhập. Chưa kể, phụ nữ cũng đối mặt tình trạng bạo lực giới bởi chồng hoặc bạn tình.

"Ở Việt Nam, tuy chưa có số liệu đo lường nhưng qua các cuộc gọi, các đường dây nóng, ví dụ như Tổng đài của Ngôi nhà bình yên (Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) tăng hơn gấp đôi, tăng 140% so với năm 2020, và chủ yếu là phản ánh bị bạo lực", bà Phương nói.

Cũng theo kết quả khảo sát, công việc chăm sóc không lương trong thời gian dịch bệnh đã gây nên nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất, đời sống tâm lý, xã hội của cả nam lẫn nữ, ví dụ như mệt mỏi thể chất, căng thẳng tâm lý, giao lưu xã hội giảm, gia đình bất hòa.

Tuy nhiên, ở khía cạnh tích cực, công việc chăm sóc không lương tăng trong dịch Covid-19 ghi nhận sự tham gia, thu hút nam giới cùng chia sẻ việc nhà với phụ nữ. Qua đó, ghi nhận giá trị của việc nhà, cảm nhận việc nhà vất vả, ý thức sắp xếp việc nhà khoa học hơn.

Ở góc độ chính sách, phụ nữ và nam giới cũng bày tỏ kỳ vọng về các chính sách về công việc chăm sóc không lương, các dịch vụ xã hội phù hợp với điều kiện kinh tế của các gia đình như dịch vụ chăm sóc trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, dịch vụ nhằm giảm tải công việc.

Bà Lê Thị Lan Phương (UN Women) cho biết, qua nghiên cứu khảo sát sẽ đưa ra các đầu ra khuyến nghị như tăng cường truyền thông để hiểu đúng rõ hơn về khái niệm công việc chăm sóc không lương, giá trị của công việc này để công nhận nó cũng như sự đóng góp vô hình của phụ nữ (theo Action Aid và Bộ LĐ-TB-XH nghiên cứu năm 2015, nếu phụ nữ trung bình dành 5 giờ mỗi ngày cho các công việc này và được trả lương thì sự đóng góp tương ứng 1.100 tỉ đồng mỗi năm cho nền kinh tế).

Qua đó, có khuyến nghị phát triển các chính sách công hay dịch vụ công nhằm giảm tải công việc chăm sóc không lương như phát triển các trung tâm chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật ban ngày, dịch vụ trong chăm sóc và giữ trẻ...

Bà Phương cũng dẫn chứng, ví dụ, ở Việt Nam, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày vợ sinh con, lao động nam được nghỉ việc từ 5 ngày đến 14 ngày tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, tại Thụy Điển, thời gian nghỉ thai sản có thể kéo dài đến vài năm và được chia cho cả bố và mẹ. Sản phụ có thể nghỉ ở nhà 7 tuần trước thời gian dự sinh. Từ khi đứa trẻ sinh ra đến khi được 1,5 tuổi, cha mẹ đều được nghỉ ở nhà chăm con.

Tại hội thảo, các đại biểu tham dự cũng phản biện nghiên cứu, trong đó có nhiều đề xuất liên quan việc tính rõ, so sánh giá trị giữa các đầu mục công việc chăm sóc không lương với có lương; đề xuất cần có các khuyến nghị hành động cụ thể hơn ở cấp quản lý...

Bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB-XH TP.HCM), cho hay, gánh nặng của công việc chăm sóc không lương đã và đang cản trở việc nâng cao vị thế và sự tham gia của phụ nữ vào các hoạt động kinh tế, xã hội. Việc khẳng định và nâng cao vai trò của công việc này sẽ thúc đẩy sự phân chia công việc bình đẳng hơn, trao quyền cho phụ nữ và làm cơ sở vững chắc cho bình đẳng giới. Kết quả nghiên cứu cũng là cơ sở để tham mưu, đề xuất chính sách xã hội tại TP.HCM.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.