Thu nhập trung bình của phụ nữ di cư hơn 3,1 triệu đồng/tháng
TS Bùi Thị Hòa, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, chủ nhiệm đề tài cho biết, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến người dân, an sinh xã hội, trong đó có hỗ trợ phụ nữ. Tuy nhiên, mức độ tiếp cận chính sách của các nhóm dân số còn sự chênh lệch, nhất là đối với nhóm phụ nữ di cư.
Đề tài nghiên cứu xác định ba nhóm phụ nữ cần quan tâm: phụ nữ cao tuổi, phụ nữ di cư và phụ nữ người dân tộc thiểu số thực hiện tại 8 tỉnh, thành phố trên khắp cả nước vào năm 2021 với 2.161 mẫu nghiên cứu. Các nghiên cứu nhằm thực hiện Chỉ thị 21 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong thời kì mới.
Phụ nữ di cư mong muốn được hỗ trợ nhiều nhất là phát triển kinh tế, tăng thu nhập, vay vốn hỗ trợ tài chính; được dạy nghề, đào tạo việc làm |
NGỌC DƯƠNG |
PGS-TS Trần Thị Minh Thi, Viện trưởng Viện nghiên cứu Gia đình và Giới, đã trình bày một số phát hiện chính từ nghiên cứu khảo sát. Theo đó, có 83,7% phụ nữ di cư có trình độ chuyên môn nghề nghiệp là chưa qua đào tạo. Nghề nghiệp của họ chủ yếu là làm thuê, buôn bán nhỏ, lao động giản đơn.
Thu nhập trung bình của phụ nữ di cư chỉ hơn 3,1 triệu đồng/tháng. Riêng của phụ nữ cao tuổi thì con số này chỉ 2,54 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2020, ước tính thu nhập bình quân theo đầu người cả nước là 4,25 triệu đồng/tháng (thành thị 5,59 triệu đồng/tháng; nông thôn là 3,48 triệu đồng/tháng).
Đồng thời, có khoảng 67% phụ nữ di cư được khảo sát trả lời rằng họ không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào từ nơi họ đến vì họ không biết đề nghị với ai, không thuộc đối tượng được hỗ trợ/không đăng ký tạm trú hay không có ai đề nghị hỗ trợ.
PGS-TS Trần Thị Minh Thi cũng cho hay, phụ nữ di cư mong muốn được hỗ trợ nhiều nhất là phát triển kinh tế, tăng thu nhập, vay vốn hỗ trợ tài chính; được dạy nghề, đào tạo việc làm; cải thiện môi trường sống tại nơi di cư...
Chính sách hỗ trợ phải thực chất
Tham dự hội thảo, PGS-TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện nghiên cứu đời sống và xã hội (Viện Social Life) cho biết, qua khảo sát thực tế đời sống của người lao động di cư tự thân tại TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai, ông từng chứng kiến nhiều trường hợp bi đát nhưng nghị lực sống của họ rất lớn. Họ là những người dễ bị tổn thương bởi chính hoàn cảnh sống bấp bênh và cả những diễn ngôn xã hội.
Chính vì vậy, hướng tiếp cận chính sách nên nhìn vào tiềm năng của họ cho sự phát triển thay vì nhìn theo hướng họ cần được cảm thương, thụ động.
PGS-TS Nguyễn Đức Lộc nêu kiến nghị, vấn đề của người nữ lao động di cư cần phải đặt trên bàn nghị sự, mà trong đó, vai trò của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam rất quan trọng.
Để xây dựng chính sách, cần hiểu hơn nhu cầu thiết thực của phụ nữ di cư (ví dụ như được tạo điều kiện mua nhà giá rẻ, hỗ trợ thuê nhà trọ giá thấp, ưu đãi tiền điện, nước...); xây dựng cơ chế trao quyền và nâng cao năng lực của phụ nữ để đảm bảo cho sinh kế bền vững.
Hội thảo khoa học chủ đề "Nhóm phụ nữ di cư: Kết quả nghiên cứu và đề xuất giải pháp và mô hình hỗ trợ" tổ chức tại TP.HCM sáng 3.2 |
HUYỀN MAI |
Cũng tham dự tại hội thảo, bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB-XH TP.HCM), cũng đưa ra nhiều góp ý cho nghiên cứu, đơn cử như đề tài nên phân tích thêm nguyên do xuất cư.
Bà Thanh cho biết, một trong những thách thức hiện nay chính là lao động di cư tự do không tiếp cận chính sách của chính quyền vì thực trạng "di cư nội đô", cụ thể là cơ quan chuyên trách bị "mất dấu" khi tiến hành hỗ trợ dịch vụ cho các nhóm đối tượng này. Trong khi đó, đến địa bàn mới với nhiều thách thức, người lao động tự do không thể tiếp cận dịch vụ hỗ trợ của nhà nước.
Trưởng ban Nữ công của Liên đoàn Lao động TP.HCM Huỳnh Thị Ngọc Liên cũng nhấn mạnh vai trò hỗ trợ của các đoàn thể, các nghiệp đoàn... đối với lao động nữ di cư. Bà Liên cũng đồng tình các kiến nghị về chính sách hỗ trợ vay vốn thuận lợi cho nữ công nhân lao động để tránh việc công nhân vay nóng, tín dụng đen; hỗ trợ tài chánh để nâng cao tay nghề.
Bình luận (0)