Phụ nữ phía sau bản án: Gánh nặng trên vai mẹ

15/05/2022 05:55 GMT+7

Phía sau một bản án, các bị cáo đã chịu mức hình phạt về tội lỗi mình gây ra. Nhưng người thân của các bị cáo, không những chịu nhiều ám ảnh, đau thương, mà còn cả gánh nặng khi phải lo toan, gánh vác thay cho bị cáo...

Trong một vụ án, người mẹ phải cầm cố nhà để bồi thường, mong con được giảm án. Có người mẹ dù tuổi đã già vẫn phải đi làm thuê, làm mướn để nuôi các con của bị cáo…

Người mẹ già trước cổng tòa án

Một buổi sáng tháng 12.2021, len lỏi qua đám đông đứng trước cổng TAND TP.HCM, bà N.T.T (73 tuổi, ngụ Ninh Thuận) xin bảo vệ cho vào bên trong phòng xử án. Do dịch Covid-19, tại TAND TP.HCM chỉ những người có giấy triệu tập mới được vào bên trong.

Không có giấy triệu tập, bà T. được bảo vệ ở tòa yêu cầu ra ngoài. Bà T. mặc trên người bộ đồ cũ, đứng nép một góc cạnh cổng tòa án. Đến khi chiếc xe bít bùng chở phạm nhân từ trại giam đến, bà cố chạy theo chỉ mong được nhìn thấy con trai.

Bà V. lặng nhìn theo con trai bị dẫn giải về trại giam

N.V.Th (33 tuổi, con trai bà T.) là bị cáo trong vụ án “giết người” mà TAND TP.HCM đưa ra xét xử.

Mâu thuẫn xuất phát từ một cuộc nhậu vào ngày 31.12.2019, giữa Th. và Q.V.B (bị hại trong vụ án) xảy ra cự cãi, được cả nhóm can ngăn nên cả hai giảng hòa. Khi đang ngồi nhậu thì điện thoại của Th. bị cấn máy nên lấy ra xem. Nghĩ Th. gọi người đến trả thù, B. nói sẽ về lấy “hàng” ra gặp Th. Tức giận, Th. chạy vào nhà cầm một cái kéo đuổi theo B. nhưng không kịp. Một lúc sau, Th. chở người yêu về phòng trọ, khi đến khu vực Q.12 (TP.HCM) thì bị B. cầm dao chặn đầu xe tấn công tới tấp. Trong khi giằng co, Th. giật được dao từ tay B. và đâm vào lưng trái khiến B. tử vong.

Phiên xét xử diễn ra nhanh chóng, bị cáo Th. nhận tội và nói lời sau cùng xin lỗi gia đình bị hại. HĐXX vào phòng nghị án, Th. ngoái đầu xuống hàng ghế dự khán tìm người thân. Phía bên ngoài phòng xử, luật sư bào chữa cho Th. đang dìu bà T. vào. “Xin mãi mới được bảo vệ cho bà ấy vào. Tội nghiệp, bà ấy đứng ở ngoài cổng, cứ khóc suốt từ sáng đến giờ”, luật sư nói.

HĐXX nhận định hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, nhưng bị hại cũng có một phần lỗi, nên tuyên Th. mức án 7 năm 6 tháng tù về tội “giết người”.

Sau khi tòa tuyên án, bà T. chạy theo gọi con trai đang bị dẫn giải lên xe bít bùng về trại giam. Bà níu phía người nhà bị hại lại để xin được bồi thường. Bà dự định sẽ kháng cáo, mong họ làm đơn xin giảm án cho con trai.

Bà N.T.T (73 tuổi, ngụ Ninh Thuận) bươn bả chạy theo con trai bị dẫn giải về trại giam sau phiên xét xử

Cầm cố nhà để bồi thường

Sau phiên tòa sơ thẩm, mặc cho con cái năn nỉ sang ở cùng, nhưng vì quá đau buồn, ở lại khu trọ cũ tại TP.HCM thì nhớ con, bà T. đã bỏ về Ninh Thuận sống một mình.

Hơn 2 tháng sau, chúng tôi tìm cách liên hệ với bà T., lúc này bà đang ở nhà con gái ở Đồng Nai. Bà kể Th. là con út trong số 6 người con. Học hết lớp 4, Th. nghỉ học, ở nhà phụ giúp gia đình. Đến năm 20 tuổi, Th. vào TP.HCM sinh sống và đi làm nhiều nơi. Thời gian sau Th. làm công nhân may ở Q.12 rồi đón bà T. ở quê vào ở cùng.

Để có tiền bồi thường cho bị hại, bà T. đã cầm cố căn nhà ở quê. “Căn nhà đó là nhà tình thương nên tôi không bán được, chỉ cầm được 50 triệu đồng, tôi bồi thường trước cho gia đình bị hại”, bà T. nói.

Bà T. kể thêm, phía gia đình bị hại có yêu cầu bồi thường 198 triệu đồng tiền mai táng, tổn thất tinh thần. Ở tòa sơ thẩm, họ cảm thông cho hoàn cảnh của bà nên đã giảm mức bồi thường xuống còn 100 triệu đồng. Phía bị hại khi mất để lại vợ và con nhỏ, gia đình bên đó vừa mất con vừa khó khăn. Cầm cố căn nhà được 50 triệu đồng, bà T. mang qua bồi thường. Họ nhận xong nói coi như đã nhận đủ tiền, thấy bà T. có hoàn cảnh khó khăn, họ không nhận thêm nữa.

Căn nhà ở quê đang cầm cố, hằng tháng bà T. vẫn đóng tiền lãi. “Con cái mỗi đứa một nơi, còn phải lo cho gia đình riêng. Năm nay tôi hơn 70 tuổi rồi, có việc gì làm thì làm, đi bán vé số cũng được để kiếm tiền còn phụ lo cho thằng Th. trong trại giam”, bà T. ngậm ngùi.

Bà V. tại phiên tòa xét xử bị cáo K. (con trai bà)

Cơn ghen để lại hậu họa

Cuối tháng 3.2022, TAND TP.HCM xét xử bị cáo N.V.K (43 tuổi, ngụ Kiên Giang). Bị cáo K. nghi vợ ngoại tình nên đã mang búa phục sẵn ở khách sạn, chém “tình địch” trọng thương.

6 giờ sáng, bà N.T.V (68 tuổi, ngụ Kiên Giang) cùng con trai lớn của K. đã có mặt ở TAND TP.HCM để dự phiên xét xử. Theo lời bà V., vợ chồng K. kết hôn đã gần 20 năm, có hai người con. Thời gian đầu, K. và vợ ở Kiên Giang nuôi heo, làm ruộng. Đến năm 2019, việc nuôi heo phá sản, vỡ nợ hơn 350 triệu đồng, K. cùng vợ lên TP.HCM thuê phòng trọ để đi làm phụ hồ kiếm tiền trả nợ. 9 tháng sau, K. biết tin vợ cùng bồ đang ở khách sạn bên Q.8 nên đến dùng búa chém “tình địch” trọng thương.

Giờ nghị án, K. ngoái đầu xuống, chỉ kịp dặn dò đứa con trai lớn phải lo cho em trai ở nhà, phụ giúp ông bà nội. Bà V. ngồi phía dưới kéo vạt áo lau nước mắt. “K. nó bị tạm giam từ hồi tháng 9.2020, đến khi ra tòa tôi mới được gặp lại con. Vợ nó ngoại tình là chuyện sai, nhiều lần gia đình khuyên nhủ nó nếu không hàn gắn được thì bỏ đi, đừng để “cả giận mất khôn” mà lâm đường tù tội. Nhưng nó nói giữ gia đình vì con cái, mà giờ ra cớ sự này”, bà nói.

Bà N.T.T đứng nhìn con trai là N.V.Th bị xét xử về tội “giết người”

SONG MAI

Tại phiên xét xử sơ thẩm vào tháng 3.2022, khai tại tòa, K. trình bày đã biết chuyện của vợ sau khi lên TP.HCM làm thợ hồ chừng vài tháng. Sau khi biết chuyện, K. đưa vợ đi nơi khác làm việc, mong giữ được hạnh phúc gia đình, vì các con. Hôm xảy ra vụ án, con bệnh mà vợ vẫn đi cùng nhân tình, nóng giận nên K. đã làm điều phạm pháp. HĐXX nhận định hành vi phạm tội của bị cáo là đặc biệt nguy hiểm, gây mất trật tự xã hội. Tuy nhiên, bị hại cũng có một phần lỗi nên HĐXX quyết định tuyên án K. 7 năm tù về tội “giết người”.

Sau khi vụ án xảy ra, vợ K. bỏ nhà, bỏ con đi mất. Không liên lạc được, bà V. dò hỏi họ hàng thì biết được chị đi sang Đài Loan xuất khẩu lao động. Mấy năm trước, khi vợ chồng K. đổ nợ, ông bà có 2 công đất vườn cũng rao bán được 60 triệu để trả nợ cho con. “Có bao nhiêu tiền đó trả không hết nợ. Giờ vợ nó bỏ đi, nó vướng tù tội, nợ không ai trả nữa. Chủ nợ đến nhà chửi bới tôi cũng không biết làm sao”, bà V. buồn bã nói.

Hai đứa con của K., đứa lớn năm nay 16 tuổi, đứa nhỏ chỉ mới 6 tuổi, đều ở quê với vợ chồng bà V. Gánh nặng nuôi cháu, nuôi con tù tội đè nặng lên đôi vai hai ông bà. K. bị bắt, bà V. và chồng ở quê làm thuê, làm mướn để lo cho cháu. Người ta thuê gì hai ông bà làm đó, từ làm hồ, làm cỏ đến dọn rác... Bà V. tích góp một phần lo cho cháu, phần gửi vào trại thăm nuôi K.

“Đứa con lớn của K. năm nay lên lớp 12, cháu năn nỉ được đi học tiếp cho có cái bằng dễ xin việc, nhưng tôi cũng đành cho cháu nghỉ học để đi làm, vì nhà cũng không có đủ tiền đi học”, bà V. chua xót.

Sau khi tòa tuyên án, bà V. vẫn đứng lặng nhìn theo K. bị dẫn giải về trại giam đến khi khuất bóng… (còn tiếp)

Phụ nữ phía sau bản án

Gian nan đòi con

'Con dại cái mang'

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.