Phụ nữ phía sau bản án: Niềm vui trở lại

16/05/2022 08:08 GMT+7

Cuộc sống mới luôn mở ra cơ hội cho những người lầm lỗi biết ăn năn hối cải. Phía sau những bản án vẫn có nụ cười, niềm hạnh phúc của người mẹ khi thấy con trai mình trở về, hoàn lương.

Tại tiệm sửa xe trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, P.26, Q.Bình Thạnh (TP.HCM), Nguyễn Trọng Nghĩa (30 tuổi, ngụ P.14, Q.Bình Thạnh) vừa là chủ tiệm sửa xe này vừa kiêm luôn thợ chính. Ít ai biết, Nghĩa đã vượt qua nhiều khó khăn khi gầy dựng mọi thứ từ hai bàn tay trắng, với một quá khứ từng lầm lỗi. Bà Nguyễn Thị Duyên (67 tuổi, mẹ ruột của Nghĩa) là người đứng phía sau dõi theo. Từng bước, bà Duyên cùng con trai làm lại cuộc đời.

Anh Nguyễn Trọng Nghĩa ở tiệm sửa xe

Cùng con vượt qua lỗi lầm

Theo lời bà Duyên, bà có 3 người con, Nghĩa là con trai út. Chồng bị bệnh, con trai lớn bị động kinh, bà Duyên bán quán cháo gần Bệnh viện Ung bướu (Q.Bình Thạnh), nấu bếp ăn ở trường học để nuôi các con khôn lớn.

Nghĩa nghỉ học từ năm lớp 4, sau đó Nghĩa xin bà Duyên cho theo học nghề sửa xe. Năm 2006, 14 tuổi, Nghĩa bắt đầu tụ tập theo bạn bè chơi bời. Bà Duyên khuyên can thế nào cũng không được. “Hồi đó con suy nghĩ bồng bột, đua đòi, quậy phá, làm khổ gia đình. Khuyên con không được, nhiều đêm tôi cứ khóc, muốn chết đi vì nghĩ sao số tôi lại khổ đến như vậy”, bà Duyên nói.

Theo chị Nguyễn Thị Phương, Bí thư Đoàn P.14, Q.Bình Thạnh, Đoàn phường biết về hoàn cảnh của anh Nguyễn Trọng Nghĩa thông qua trình bày của mẹ anh. Đoàn phường đã hỗ trợ lập hồ sơ vay Ngân hàng Chính sách xã hội cho anh Nghĩa số tiền 80 triệu đồng để mở tiệm sửa xe.

Đoàn Thanh niên và Hội Liên hiệp Thanh niên P.14, Q.Bình Thạnh cũng đến tiệm của anh Nghĩa để thăm hỏi, tặng quà động viên. Đoàn phường cũng đang hướng dẫn, làm thủ tục cho anh Nghĩa xin vay vốn Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp của Hội Liên hiệp Thanh niên VN TP.HCM.

Đến một tối vào năm 2006, khi đi chơi cùng bạn bè, nhóm của Nghĩa xảy ra mâu thuẫn với một nhóm khác. Hai bên khiêu khích dẫn đến xô xát, đánh nhau. Nghĩa bị kết tội “cố ý gây thương tích” với mức án 2 năm tù giam. Sau khi ra tù, Nghĩa lại chạy theo bạn bè xấu rồi tiếp tục vướng vòng lao lý. Cuối năm 2015, Nghĩa giật túi xách của người đi đường, lãnh án 4 năm 3 tháng tù về tội “cướp giật tài sản”.

Bà Duyên còn nhớ rõ, con trai bị đưa ra xét xử vào cuối năm 2015, khi đó TAND Q.Bình Thạnh mở phiên xét xử lưu động. Ngồi phía dưới, bà Duyên xót xa, bật khóc. Nhưng bà hiểu được con trai mình có lỗi, không thể vì thương con mà không để con nhận ra lỗi lầm, chịu sự răn đe của pháp luật. Bà chỉ dặn dò con, sai phải biết nhận, biết chấp nhận và khắc phục.

Nghĩa ở trại giam, mỗi tháng bà Duyên đều lên thăm. Lần nào bà cũng khóc rồi khuyên con ráng cải tạo tốt. Bà dặn con, bà từ hai bàn tay trắng nuôi con khôn lớn, nhưng không thể sống để nuôi con suốt đời. Bà chỉ mong con cố gắng sửa chữa lỗi lầm trở thành người tốt. “Tôi nói với nó, bạn bè, anh em cũng không theo lo cho mình suốt đời, chỉ có gia đình mới là mãi mãi. Cố gắng sau này có một cái nghề ổn định, để những người có hoàn cảnh lầm lỗi như mình nhìn thấy, noi gương theo”, bà Duyên nhớ lại.

Bà Nguyễn Thị Duyên, mẹ ruột của Nghĩa

XUÂN KHÁNH

Hoàn lương

Nghĩa kể, từ lúc nhỏ mọi thứ đều được gia đình lo, nên suy nghĩ bồng bột, thấy bạn bè có gì mình cũng muốn có. “Đua đòi, quậy phá, mình cứ lo chạy theo bạn bè, mà bạn xấu thì mình cũng hư theo”, Nghĩa nói.

Đến ngày chấp hành án tù trong trại giam, Nghĩa phải tập thích nghi với cuộc sống hoàn toàn khác, khi giờ giấc sinh hoạt thay đổi, cả những lần cãi vã, xô xát với bạn tù. Đó cũng là khoảng thời gian anh thấy nặng đầu vì lo nghĩ nhất, khi gia đình bên ngoài phải lo tiền bạc để thăm nuôi. Nghĩa đau đáu trong lòng mỗi khi mẹ anh từ TP.HCM lên trại giam. Thương mẹ, Nghĩa tập trung lao động, cải tạo tốt để sớm về với gia đình.

Năm 2019, Nghĩa mãn hạn tù trở về. Do học nghề sửa xe máy từ trước, Nghĩa dự định mở tiệm kinh doanh. Không vốn liếng trong tay, Nghĩa mang hồ sơ đi xin việc ở các công ty đều bị từ chối vì lý lịch xấu. Nghĩa xin làm nhân viên giao hàng, đăng ký học để ôn lại kiến thức sửa xe. Tìm được việc, Nghĩa đi giao hàng có khi đến tối mới về nhà. Bao nhiêu tiền đều tích góp mở tiệm kinh doanh.

Khi chưa mở tiệm, Nghĩa nhận xe về nhà làm, sửa xe cho khách được 3,5 triệu đồng, Nghĩa đưa hết cho mẹ giữ. Nhưng… hẻm nhỏ, nhà chật chội, việc sửa xe khiến hàng xóm phiền hà. Thấy con làm được việc, bà Duyên bàn với con mở tiệm sửa xe.

Để có tiền mở tiệm, số tiền tích góp thôi chưa đủ. Bà Duyên đến trình bày hoàn cảnh, làm đơn gửi Đoàn Thanh niên P.14, Q.Bình Thạnh. Đoàn phường sau khi xem xét hoàn cảnh của Nghĩa đã bảo lãnh để Nghĩa làm hồ sơ vay tín chấp 80 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, mở tiệm kinh doanh.

Theo lời bà Duyên, thời gian đầu mở tiệm, bà luôn khuyên con trai phải ăn chắc mặc bền, cố gắng kiên trì thì mới thành công. Bà Duyên vì con có thể chấp nhận hy sinh, khổ cực. Nghĩa kiếm ít tiền cũng được, miễn là làm việc lương thiện, đừng vướng vào vòng lao lý.

“Lúc mới mở tiệm chưa có khách, Nghĩa cũng nản nhiều lần, nhưng có tôi động viên, nói với con rằng con cứ làm, còn mẹ sẽ ở phía sau hỗ trợ con. Tôi nghĩ mình quyết tâm, nếu không vững tay chèo thì con tôi sẽ lung lay”, bà Duyên nhớ lại.

Niềm vui trọn vẹn

Bà Duyên chia sẻ, ngày thăm con ở trại giam, nghe con nói khi nào ra ngoài sẽ chí thú làm ăn, bà vẫn không tin. Cho đến hôm nay, khi thấy con tu chí làm ăn, công việc dần đi vào ổn định, bà Duyên mới dám tin con trai mình đã trưởng thành, nghe lời mẹ dạy bảo.

“Tôi mừng lắm, vì nó không còn đi chơi bời mà nghe lời mẹ. Giờ ngày lễ tết, nó cũng không đi đâu, 2 năm qua cứ ở tiệm rồi làm việc, có khi tới khuya mới đóng cửa quán nghỉ ngơi”, bà Duyên nói.

Hiện tại, bà Duyên vẫn hỗ trợ công việc sửa xe của con trai. Hằng ngày, bà nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, trông coi tiệm rồi quản lý tiền bạc sổ sách ở tiệm cùng Nghĩa. “Ông trời cũng thương tôi, cả đời cơ cực, bươn chải lo cho con, nhiều lúc cứ nghĩ mình sẽ khổ đến cuối đời. Nhưng giờ lại được thong thả lúc về già”, bà Duyên nói.

Từ ngày chấp hành án xong, Nghĩa sửa đổi tính tình, biết làm ăn, không quậy phá nữa. Bà Duyên nói rằng bà vẫn may mắn khi còn đủ minh mẫn, tỉnh táo để biết được con mình lo làm ăn, hoàn lương. Điều này khiến bà cảm thấy như có được một tài sản lớn; mà tài sản này, ai cho vàng bạc bà cũng không đánh đổi.

Phụ nữ phía sau bản án

Gánh nặng trên vai mẹ

Gian nan đòi con

'Con dại cái mang'

.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.