Phụ nữ trẻ chú ý điều này để đừng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống

13/04/2022 13:00 GMT+7

Tỷ lệ phụ nữ trẻ trong độ tuổi sinh sản mắc bệnh lý lạc nội mạc tử cung ngày càng tăng lên trong thời gian gần đây, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống.

Nhiều người chủ quan cho rằng bệnh lý này chỉ xuất hiện ở nhóm người đã quan hệ tình dục, có gia đình. Tuy nhiên, thực tế nó tồn tại nhiều ở nữ giới bắt đầu có kinh nguyệt. Nhiều bạn trẻ vô cùng bất ngờ khi phát hiện bệnh lý, đặc biệt ở những người mong có con đến bệnh viện thăm khám.

Ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của nữ giới

Chị D.T.T. (32 tuổi, Q.Bình Tân, TP.HCM) có kỳ kinh nguyệt lần đầu tiên lúc 16 tuổi và không gặp phải các triệu chứng của lạc nội mạc tử cung (LNMTC) như: đau bụng kinh, hay đau vùng thắt lưng mãn tính. Chính vì thế, chị cũng không quan tâm, nhưng mãi đến lần thăm khám hiếm muộn, chị T. mới vỡ lẽ…

“Sau cưới vì quá mong con nên hai vợ chồng tôi quyết định đến thăm khám tại bệnh viện. Tại đây, bác sĩ cho biết tôi có hai nang LNMTC cùng lúc, làm hạn chế quá trình thụ thai. May mắn, sau đó 3 tháng, tôi có thai tự nhiên”, chị T. kể.

Trong quá trình thai kỳ, bác sĩ kê toa cho chị T. dùng thuốc bổ sung và tư vấn về chế độ ăn hợp lý để không ảnh hưởng đến sự phát triển của em bé và tiết chế được khối u.

Trong thai kỳ, dù được theo dõi sức khỏe kỹ càng nhưng chị T. thường xuyên cảm thấy khó chịu ở vùng chậu, trong lúc đại, tiểu tiện và thai nhi cũng bị hạn chế cân nặng. Đến lúc mổ lấy thai, bác sĩ đồng thời tiến hành phẫu thuật bóc tách LNMTC ở buồng trứng cho chị T. Tuy nhiên, cuộc phẫu thuật kéo dài vì khối nang to, dính hầu hết vào tử cung.

Sợ hãi khi đến kỳ kinh nguyệt

Bắt đầu hành kinh năm 14 tuổi, N.N.D. (25 tuổi, Q.Gò Vấp, TP.HCM) luôn sợ hãi mỗi khi đến kỳ kinh nguyệt bởi những cơn đau dữ dội liên tục không ngớt.

“Mỗi lần đến chu kỳ, tôi đều bị đau bụng dữ dội, kèm các triệu chứng buồn nôn, bủn rủn chân tay, lạnh toát người, thậm chí là ngất xỉu. Ban đầu, mẹ nghĩ rằng mình chỉ là đau bụng kinh thông thường nên chỉ cho dùng lá ngải cứu, chườm nóng, thuốc giảm đau. Tuy nhiên, trong một lần siêu âm ổ bụng, bác sĩ chẩn đoán tôi có bệnh lý LNMTC ở buồng trứng phải”, cô nhớ lại.

Một cuộc phẫu thuật bóc tách LNMTC

Ảnh do Bác sĩ Phạm Hồ Thúy Ái cung cấp

Trong suốt thời gian dài, cô tìm đến đến nhiều bệnh viện, phòng khám chuyên khoa khác nhau với hy vọng có thể tìm cách điều trị dứt điểm, hạn chế những cơn đau bụng kinh và giúp tinh thần thoải mái hơn.

“Các bác sĩ đều bảo mình theo dõi sức khỏe, thời gian, tần suất những cơn đau cùng triệu chứng đi kèm khác. Đồng thời, bác sĩ chỉ kê thuốc giảm đau nhưng đôi lúc đau quá, tôi uống liều cao hơn được chỉ định. Đến năm 22 tuổi, thời gian đau bụng dưới cũng không chỉ trong chu kỳ mà còn kéo ra ngoài chu kỳ cùng nhiều cơn đau vùng thắt lưng dữ dội, khó khăn trong thay đổi tư thế”, N.N.D. chia sẻ.

Ngay sau đó, D. được bác sĩ cho dùng thuốc điều trị trong thời gian dài, giúp cô hạn chế các cơn đau, ngăn ngừa LNMTC tái phát. Tuy nhiên, đến cuối năm 2021, cô phải trải qua cuộc phẫu thuật cấp cứu bóc tách LNMTC ở buồng trứng phải trong tình trạng khối u bị vỡ, mất máu.

Tương tự, T.N.Q. (26 tuổi, trú tại Q.12, TP.HCM) vừa trải qua cuộc phẫu thuật bóc tách LNMTC vì khối u quá to. “Năm 2020, tôi vô tình phát hiện có LNMTC trong lần khám sức khỏe định kỳ của công ty. Trước đó không lâu, tôi chỉ bị đau bụng nhẹ và mỏi đùi mỗi lần có kinh nguyệt nên không để ý nhiều và cũng ngại thăm khám phụ khoa. Tuy nhiên, dần dần kích thước khối u to lên, mình bắt đầu có những cơn đau nhiều hơn cả trong thời gian ngoài chu kỳ”, Q. cho biết.

“Gia đình không có ai mắc bệnh lý này nên lúc phát hiện mình cũng khá bất ngờ. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu các thông tin trên mạng, tôi nghĩ rằng áp lực học hành, công việc và chế độ ăn, ngủ không hợp lý đã khiến mình dễ mắc bệnh hơn”, Q. chia sẻ thêm.

Bác sĩ Ái tư vấn về bệnh lý LNMTC cho bệnh nhân

nvcc

Không phải bệnh lý “vô phương cứu chữa”

Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Hồ Thúy Ái, Phó trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), cho biết trong những năm trở lại đây, khi nhiều người thường xuyên thăm khám hơn thì ngày càng nhiều bạn trẻ phát hiện mình mắc bệnh lý LNMTC.

“LNMTC có những cơ chế sinh lý do những tế bào di cư lạc chỗ, thay vì ở tử cung, chúng di chuyển khắp nơi, đa số ở vùng chậu, cơ tử cung, buồng trứng, ruột, có nghiên cứu đã chỉ ra LNMTC còn xuất hiện ở não. Nó làm xuất hiện nhiều triệu chứng khó chịu như: gây đau bụng dữ dội trong và ngoài chu kỳ, đau khi giao hợp làm ảnh hưởng đến đời sống vợ chồng, xuất huyết âm đạo bất thường, gây vô sinh hiếm muộn và khó khăn trong hỗ trợ sinh sản, ảnh hưởng đến đường đại, tiểu tiện và vùng ruột khi có các khối u bám dính. Tuy nhiên, tính ác tính của LNMTC rất thấp, nó không phải là căn bệnh vô phương cứu chữa”, bác sĩ Ái cho biết.

Bác sĩ Ái khuyên những bạn trẻ có triệu chứng, chưa phát hiện bệnh nên tìm đến bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám, tư vấn phù hợp. Theo bác sĩ Ái, bệnh nhân không nên tự ý dùng thuốc hoặc ngưng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Bác sĩ Ái đồng thời lưu ý với các phụ nữ trẻ rằng nguyên nhân gây bệnh không nhất thiết xuất phát từ việc ăn uống, sinh hoạt hay những áp lực cuộc sống. “Tuy nhiên, chúng ta cần chú ý đến chế độ sinh hoạt, tạo tinh thần thoải mái, giảm căng thẳng để có được sự khỏe tốt hơn”, bác sĩ Ái nói thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.