>> Phát huy giá trị di tích lịch sử ngục Kon Tum
>> Trao giải thưởng cống hiến cho nhân chứng lịch sử
>> Ra mắt sách ẩm thực và phim lịch sử Thăng Long - Hà Nội
>> Công nhận di tích lịch sử ở Huế
>> Nơi lịch sử đi qua
>> Lịch sử là bảo chứng cho chất lượng
>> Khám phá lịch sử văn hóa Biên Hòa
>> “Hoàng sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử”
>> Bãi tập thể hình 'lịch sử
>> Hoàng thành, Cổ Loa sẽ là công viên lịch sử, văn hóa
|
Truyện lịch sử dành cho thiếu nhi luôn là đề tài khó. Không ít tác phẩm sa đà vào việc kể chuyện, “thần thoại hóa” lịch sử, mất đi những căn cứ khoa học, hay bị mang tiếng áp đặt lịch sử cho con trẻ. Ông Nguyễn Huy Thắng (Phó giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng, thành viên nhóm tác giả tập sách Sử ta, Chuyện xưa kể lại) chia sẻ câu chuyện viết truyện lịch sử cho trẻ em.
Cần phải tránh sự khô khan thường thấy trong các tiết học lịch sử, nhưng vẫn phải đảm bảo tính chính xác của các căn cứ sử liệu, các tác giả viết truyện lịch sử phải giải đáp bài toán khó này như thế nào?
Chẳng hạn như trong Sử ta, Chuyện xưa kể lại, bộ sách kể chuyện lịch sử đất nước từ thời dựng nước đến thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1945), chúng tôi tái hiện lịch sử với hình thức những câu chuyện. Lịch sử chính là đời sống mà đời sống lại rất sinh động. Với mỗi nhân vật, sự kiện, biến cố lịch sử nhóm tác giả tìm cách tiếp cận nào đó để người đọc hình dung ra dễ dàng, sống động như những trang đời đã qua. Và quan trọng hơn, chúng tôi kể chuyện với góc nhìn đứng từ thời đại này, nghĩa là lịch sử đã được tiếp cận với nhiều điểm mới, điểm khác.
Điều khó khi viết truyện lịch sử cho đối tượng độc giả là trẻ em chứ không phải là người lớn?
Người viết luôn phải nhớ người đọc là những cô bé, cậu bé để có lối viết gần gũi, nội dung dễ hiểu với các em. Nhưng đó chỉ là lý thuyết, còn thực tế không phải lúc nào cũng làm được. May mắn là nhóm tác giả chúng tôi đều làm công tác thiếu nhi, cả ba người đã từng làm việc tại các báo dành cho thiếu nhi, còn tôi hiện vẫn làm công tác xuất bản mà đối tượng chính là các em. Cả nhóm đã rất hiểu sở trường sở đoản của nhau, mỗi người đảm nhận từng phần một, từng người viết rồi biên tập lẫn cho nhau.
Chính vì vậy, chúng tôi có thể “kiểm soát” đối tượng độc giả. Tất nhiên định hướng luôn là thế, còn làm đến đâu lại phụ thuộc vào khả năng của mình. Điều mà những người viết truyện lịch sử cho thiếu nhi luôn hướng đến cách viết dung dị như nhiều cuốn sách của các nước trên thế giới. Còn chúng ta vẫn đang trong quá trình học, nếu chú tâm trong từng việc một thì mỗi bước sẽ một tốt hơn.
Các tác giả viết truyện thường không phải là các nhà nghiên cứu lịch sử chuyên nghiệp, vậy làm sao để bảo tính chính xác, khoa học trong các câu chuyện?
Những người viết phải yêu và ham thích tìm hiểu lịch sử. Như bản thân tôi phải tìm đọc các tài liệu và tự nghiên cứu lịch sử theo nghĩa hẹp. Do bộ sách Sử ta, Chuyện xưa kể lại có độ lùi thời gian khá dài, bởi vậy trước khi viết, chúng tôi đã phải dành nhiều thời gian khảo cứu lịch sử từ nhiều nguồn, đến khi nào cảm thấy tự tin các tài liệu khác thác được đủ để truyền tải tới các em.
Một số truyện lịch sử cho trẻ em đã bị viết theo lối “đóng”, “áp đặt” lịch sử. Điều đó làm các em có cái nhìn về lịch sử hẹp và tối!
Người viết phải nắm chắc nội dung mình viết, cái gì đã được xác định, cái gì đang mở ra, cái gì vẫn đang tranh cãi, cần tìm hiểu và phản biện lẫn nhau. Trẻ em cần được gợi mở về những vấn đề lịch sử đang còn bỏ ngỏ. Viết truyện cần viết làm sao cho tự nhiên nhưng chúng tôi vẫn đưa chú giải có khả năng thứ 2, thứ 3 xảy ra.
Chẳng hạn như về sự kiện Hội thề Lũng Nhai. Trong bài có nhắc đến một tên tuổi quan trọng của khởi nghĩa Lam Sơn là Nguyễn Trãi, nếu đọc qua ai cũng nghĩ đó là Nguyễn Trãi, quân sư của Lê Lợi, tác giả của Bình Ngô Đại Cáo. Nhưng nhiều sử liệu ghi lại Nguyễn Trãi đã không có mặt ở Lam Sơn ngay từ đầu cuộc khởi nghĩa. Trong trường hợp này chúng tôi đã đưa ra thông tin từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau.
Chính những điều thú vị đó của lịch sử sẽ kích thích các em tìm hiểu. Nếu chúng ta biết gieo vào các em những điều thú vị hấp dẫn đó, chúng sẽ có thêm yêu thích, tự tìm tòi.
Sau Sử ta, Chuyện xưa kể lại, mạch truyện lịch sử cho thiếu nhi sẽ tiếp tục với những câu chuyện nào?
Tôi rất mong có thể thực hiện cuốn sách về về những nhà kinh tế theo nghĩa rộng trong lịch sử. Tôi được tiếp cận với tài liệu viết về dòng tộc làm công thương từ thời phong kiến đến những năm 40 của thế kỷ trước. Đọc mới thấy các cụ nhà mình có cách làm kinh tế rất hay, rất thú vị, là bài học quý cho cả thế hệ sau này. Còn hiện tại, tôi và nhóm tác giả đang nghĩ đến một bộ sách chân dung của những người phụ nữ, các bậc hiền tài trong lịch sử Việt Nam.
Minh Ngọc
Bình luận (0)