Phục hồi đàn sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim có khả thi?

14/09/2022 08:09 GMT+7

Việc phục hồi đàn sếu ở Tràm Chim có thể khả thi về mặt kỹ thuật. Tuy nhiên để chương trình được thành công, vấn đề mấu chốt vẫn là quản lý hệ sinh thái tại Tràm Chim đúng cách.

TS Trần Triết, Trường đại học Khoa học tự nhiên (ĐHQG-HCM), thành viên Hội Sếu Quốc tế (Mỹ) gởi đến Báo Thanh Niên bài phân tích về vấn đề này.

Nuôi sếu như “nuôi gà”?

Gần đây có tin tỉnh Đồng Tháp chuẩn bị nhập hai con sếu đầu đỏ từ Lào về để nuôi cho sinh sản tại Vườn quốc gia Tràm Chim. Dư luận đang đặt câu hỏi, sao lại nuôi sếu như “nuôi gà” mà không lo phục hồi sinh cảnh để đàn sếu tự nhiên quay trở về?

Trên thực tế, việc đưa hai con sếu từ Lào về Việt Nam là có thật, nhưng không liên quan gì đến việc cho sếu sinh sản tại Tràm Chim. Chuyện là Vườn thú Viêng Chăn Lào có nuôi hai con sếu đầu đỏ nhưng hiện gặp một số khó khăn. Họ liên lạc với Hội Sếu Quốc tế ở Mỹ nhờ tìm giúp nơi thích hợp để tiếp tục chăm sóc cặp sếu. Hội Sếu Quốc tế đã liên lạc ngay với tỉnh Đồng Tháp để đưa cặp sếu về Tràm Chim. Trải qua nhiều thủ tục khá chông gai nay việc chuẩn bị đưa sếu về Tràm Chim đã gần hoàn tất. Hai con sếu này sẽ chủ yếu phục vụ mục tiêu giáo dục môi trường, không phải để sinh sản gầy lại đàn sếu.

3 cá thể sếu đầu đỏ quý hiếm tìm về Vườn quốc gia Tràm Chim, Đồng Tháp buổi chiều 16.4.2021

chụp màn hình

Vĩnh viễn không còn sếu?

Vườn quốc gia Tràm Chim từng là nơi có nhiều sếu nhất trong khu vực Đông Nam Á, có lúc lên đến hơn ngàn con đầu những năm 1990. Sau đó do nhiều sai sót trong quản lý hệ sinh thái, quan trọng nhất là việc giữ nước ngập cao quanh năm trong thời gian dài, sinh cảnh sống của sếu bị suy thoái nghiêm trọng dẫn đến việc sếu về Tràm Chim ngày càng ít, cuối cùng là hiện không còn con sếu nào về Tràm Chim. Đàn sếu về Tràm Chim hằng năm có khu vực sinh sống trải rộng cả hai nước Campuchia và Việt Nam. Chúng sinh đẻ ở phía bắc Campuchia trong mùa mưa và di chuyển về đồng bằng sông Cửu Long và xung quanh Biển Hồ (Tonle Sap) vào mùa khô. Tình trạng của đàn sếu này đang rất bi đát. Số liệu quan trắc hằng năm cho thấy đàn sếu đã giảm hơn 80% số lượng trong 10 năm trở lại đây, hiện chỉ còn khoảng 160 cá thể sếu, tỷ lệ giảm trung bình 8%/năm. Với tốc độ suy giảm nhanh như vậy, trong tương lai không xa đàn sếu này có thể sẽ hoàn toàn biến mất. Phục hồi đàn sếu Campuchia - Việt Nam là công việc khẩn cấp cho cả hai nước nếu không muốn đàn sếu vĩnh viễn mất đi.

Bài học từ người Thái

Thái Lan trước đây cũng có sếu đầu đỏ, nhưng đàn sếu đã biến mất cách nay hơn 50 năm. Trong nhiều năm, Thái Lan đã kiên trì thực hiện chương trình nuôi sinh sản sếu với mục tiêu gầy lại đàn sếu trong tự nhiên. Trong 10 năm gần đây chương trình này đã thả trở lại tự nhiên gần 200 con sếu. Đàn sếu này nay đã có thể tự sinh sản ngoài tự nhiên. Có thể nói người Thái đã thành công trong việc phục hồi sếu đầu đỏ trên đất nước của họ. Hội Sếu Quốc tế hiện kết nối Vườn quốc gia Tràm Chim với Thái Lan để thảo luận khả năng triển khai chương trình phục hồi sếu tại Tràm Chim. Thay vì nuôi cho sếu sinh sản tại Tràm Chim, vốn phức tạp, tốn kém cả về tiền của và thời gian, có thể chuyển trứng sếu từ Thái Lan về Tràm Chim cho ấp nhân tạo. Sếu non nở ra sẽ trải qua quá trình huấn luyện đặc biệt để chúng có thể tự tồn tại ngoài tự nhiên. Nếu mỗi năm có thể thả thành công 10 con, trong 10 năm Tràm Chim có thể có 100 con sếu. Với số lượng như vậy, đàn sếu có thể tự sinh sản ngoài tự nhiên với mức độ đa dạng di truyền quần thể khá tốt.

Không chỉ là kĩ thuật

Thông qua hợp tác với Thái Lan và Hội Sếu Quốc tế, việc phục hồi đàn sếu ở Tràm Chim có thể khả thi về mặt kỹ thuật. Tuy nhiên để chương trình được thành công, vấn đề mấu chốt vẫn là quản lý hệ sinh thái tại Tràm Chim đúng cách. Không chỉ phục hồi sinh cảnh sống của sếu trong vùng lõi Vườn quốc gia, môi trường khu vực vùng đệm cũng cần được cải thiện. Kinh nghiệm từ Thái Lan cho thấy đàn sếu sử dụng cả ruộng lúa làm nơi sinh sản. Để thành công, cần phát triển vùng canh tác nông nghiệp hữu cơ xung quanh Tràm Chim. Người Thái đã làm như vậy và thành công. Họ có cả sếu và canh tác lúa hữu cơ ở nơi phục hồi đàn sếu. Một yếu tố khác không kém quan trọng đó là tính lâu bền. Chương trình phục hồi đàn sếu ở Tràm Chim cần ít nhất 10 năm, rất có khả năng còn kéo dài hơn nữa, để có thể có số lượng sếu đủ lớn, đảm bảo sự tồn tại và sức khỏe của cả đàn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.