Xe

Phúc thẩm vụ 'thảm sát ở Bình Phước': Giá đừng rơi nước mắt

20/07/2016 13:00 GMT+7

Ngồi chốn pháp đình, trong phiên xét xử phúc thẩm vụ 'thảm sát ở Bình Phước', tôi đã ước mình là một hình nhân. Vì hình nhân có lẽ có quyền không rơi nước mắt.

Bước đến phiên tòa phúc thẩm vụ "thảm sát 6 mạng người ở Bình Phước", nhìn dãy di ảnh với gương mặt người còn quá trẻ, chứng kiến cảnh người mẹ quỳ lạy cầu xin tha thứ cho tội lỗi của con mình gây ra, tôi đã ước mình chỉ là một hình nhân, để không phải xót xa và ám ảnh.
Người thân mang di ảnh các nạn nhân đến sân tòa Ảnh: Bạch Dương
“Sống sao để mẹ phải quỳ lạy từ ngoài sân đến phòng xử”
Những người đến dự phiên tòa phúc thẩm xử Dương, Tiến và Thoại nhìn thấy cảnh tượng người mẹ đang quỳ lạy đều quay mặt đi. Cũng như tôi, họ không muốn nhìn thấy một bi kịch tình mẫu tử, bên cạnh dãy di ảnh nạn nhân mới chua chát, trớ trêu làm sao!
Phiên tòa hôm ấy đông nghịt người, phần người thân, phần báo đài, phần đến vì muốn xem tận mặt hung thủ của vụ án kinh hoàng làm chấn động dư luận hơn một năm trước. Tôi lặng lẽ ngồi vào dãy ghế phía sau gia đình người bị hại, lắng nghe từng tiếng thút thít của họ khi các luật sư nói: “Hải Dương mới là người chủ mưu, cầm đầu và là người thực thi. Còn Tiến đã 5 lần kêu Dương về”.
Bà Vũ Thị Thi (mẹ của bị cáo Vũ Văn Tiến) chắp tay liên tục vái lạy, miệng lẩm bẩm: “Con dại cái mang, xin gia đình mở lòng từ bi”. Đôi mắt bà trũng sâu vì những đêm mất ngủ, rướn lên nhìn con rồi lại bật khóc. Bà bảo với tôi, đến nước này, bà chỉ biết quỳ lạy, dập đầu mà tạ tội giúp con mình vì nó đang chịu giam lỏng, không đến mà cúi đầu xin lỗi được: “Tôi chỉ cầu cho mình có được 5 phút mà xin lỗi gia đình nạn nhân. Mong mọi người thương mà giảm cho Tiến thoát án tử”.

Trong giờ nghị án, cái bóng của người đàn bà ấy chen người giữa đám đông đi lên chỗ thư ký tòa, hỏi xin được 5 phút để bà tạ lỗi với người nhà nạn nhân. Không được, bà lại lặng lẽ cúi mặt đi về, gương mặt méo bệch đi vì lo lắng. Phóng viên đi đến hỏi, bà lại chắp tay xin mọi người đừng nói gì nữa, vì sợ gia đình bên kia nhìn, tội lỗi bà lại chất chồng…
Nhìn người mẹ ấy, thấy cách bà ôm mặt giấu nhẹm những giọt nước mắt trào ra mỗi lần chủ tọa nhắc tên Tiến, chứng kiến cảnh bà vừa quỳ lạy vừa với tay ôm lấy tay người nhà của nạn nhân, người ta mới hiểu được để bảo vệ con, một người mẹ có thể trút bỏ tất cả. Dường như, mọi niềm hân hoan trong cuộc đời của bà Thi chỉ đổ dồn vào Tiến. Khoảnh khắc nói về con, nhắc đến việc ăn uống của con, bà lại kể như niềm vui còn sót lại: “Xưa Tiến nó kén ăn, gà thì không ăn da, thịt heo thì phải chiên hoặc nướng mà giờ vô thăm nó bảo ăn cá khô cũng được. Thương lắm…”
Vũ Văn Tiến, có thể mãi mãi cậu chẳng thể nào biết được mẹ cậu đã quỳ lạy phía bên ngoài phòng xử án, đã chật vật chạy xin 10.000 chữ ký của mọi người cho cậu thoát án tử…
Mẹ của Vũ Văn Tiến khấn vái trong giờ nghị án xin cho con thoát án tử ẢNH: BÙI THƯ
Cái dìu tay của thứ tha
Đã nhiều lần, bà Thi muốn đến gia đình nạn nhân để xin thắp cho mỗi người một nén nhang nhưng cơ quan chức năng bảo với bà rằng không tiện: “Tôi nghe nhiều người can nên thôi. Sáng nay quyết tâm đến thật sớm để quỳ lạy họ. Tôi không nghĩ đến hình ảnh mình gì, ai nói hèn nói mất tự trọng cũng được, tôi chỉ làm mọi cách để không mất con…”
Rồi bà diễn tả, khi quỳ lạy ông bà Nguyễn Dinh (cha của bà Ánh Nga), ông ấy dìu tay bà rồi nói: “Tôi không trách cậu Tiến, tôi chỉ trách Dương. Do con tôi số nó yểu mệnh” bà cảm thấy một phần nào tội lỗi của con được vơi đi, lòng bà cũng vì vậy mà bớt nặng nề: “Nghe ông ấy nói, tôi cảm động muốn bật khóc, muốn quỵ tại chỗ, lạy thêm họ”.
Lặng đi một chút, bà nói giờ nhìn thấy trái bắp, thấy con ngựa trắng mà Tiến làm tặng bà ngày 8.3 là lòng cứ quặn lại, như sắp hụt mất gì đó. Rồi giây phút tòa tuyên án tử cho Vũ Văn Tiến, bà Thi đổ gục, loạng choạng bám lấy tay người thân ra khỏi phòng xử án. Hai chân bà ríu vào nhau, ra được phía ngoài cổng, bà ngồi bệt xuống góc, òa khóc.
“Con ơi là con. Sao mà ngu dại. Chỉ mong nó được thoát án tử mà trời không thấu đất không hay”…
Cứ thế, nước mắt đổ dài, bệt đầy khuôn mặt hốc hác. Nhiều người dự tòa đi đến, ngồi xuống vỗ vai người mẹ ấy. Là người ngoài cuộc của một nỗi đau chẳng thể phân định đúng sai. Đứa con làm ác, nhưng tình yêu của người mẹ ấy lại chẳng vướng vá một tội lỗi nào. Chắc cũng chính vì vậy mà nhiều người đến tòa về, mang trong lòng sự day dứt bởi ánh mắt đậm đầy nỗi đau và cái quỳ lạy lột cởi hết mọi sĩ diện của người mẹ ấy.
Cuối buổi chiều rực nắng của Sài Gòn, bà Thi nặng nhọc đứng dậy, rồi bà nói sẽ tiếp tục viết thư gửi Chủ tịch nước xin giảm án cho con… Không biết có chút hy vọng nào cho bà mẹ ấy không.
Lúc cầm máy quay hướng vào gương mặt đầy nước mắt của bà Thi, tay tôi run lên vì lòng không kìm nổi xúc động.
Thế nhưng, khi nhớ đến cái gục đầu xin lỗi trước vành móng ngựa của Tiến, của Thoại, nhớ đến cái dìu tay của ông Dinh đỡ bà Thi đứng dậy, nhớ đến những giọt nước mắt của người ngoài cuộc khi trông thấy bà Thi đổ gục trước sân, tôi lại có thứ để vin vào mà vượt lướt qua những khiếp hãi, tin rằng cuộc đời vẫn đáng sống.
Và tôi đã không ước mình thành hình nhân nữa...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.