Phương án sáp nhập 16 phường ở TP.HCM thế nào ?

30/05/2019 06:00 GMT+7

TP.HCM trong giai đoạn 2019 - 2021 có 16 phường ở 8 quận thuộc diện được xem xét sáp nhập , vì đều không đạt 50% chỉ tiêu về diện tích tự nhiên và quy mô dân số.

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, những phường đang được xem xét sáp nhập gồm: Q.2 có P.Bình Khánh (gần 6.000 dân), P.Thủ Thiêm (720 dân), P.An Lợi Đông (gần 500 dân), P.An Khánh (184 dân); Q.3 có P.13 (gần 7.000 dân) và P.6 (khoảng 7.000 dân); Q.4 có P.5 (hơn 5.000 dân) và P.12 (hơn 6.300 dân); Q.5 có P.10 (gần 7.000 dân) và P.12 (hơn 5.600 dân); Q.6 có P.2 (hơn 7.400 dân); Q.8 có P.11 (hơn 7.000 dân); Q.10 có P.3 (hơn 7.200 dân) và P.6 (hơn 7.300 dân); Q.Phú Nhuận có P.12 (hơn 6.300 dân) và P.14 (hơn 6.700 dân). Tổng quy mô dân số của 16 phường này khoảng 86.500 người.

Cần tính toán đặc thù địa bàn

Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Phước Hưng, Chủ tịch UBND Q.2, cho biết trong 4 phường của Q.2 thuộc diện sáp nhập, có 3 phường giải tỏa trắng khi triển khai khu đô thị mới Thủ Thiêm, đó là P.An Khánh, P.Thủ Thiêm và P.An Lợi Đông.
Theo ông Hưng, nếu căn cứ vào quy định chung hiện nay, cả 4 phường của Q.2 đều thuộc diện phải sáp nhập. Tuy nhiên, các phường này hiện nay đều có đặc thù không đủ tiêu chí về dân số, nhưng theo quy hoạch, trong tương lai các phường này sẽ rất đông dân cư.
Ông Hưng cho biết, quy mô dân số khu đô thị mới Thủ Thiêm theo quy hoạch hơn 200.000 người, cũng sẽ gói gọn trong các phường: An Khánh, Thủ Thiêm và An Lợi Đông. Nếu chia bình quân khi Thủ Thiêm thực hiện xong quy hoạch, dân số của mỗi phường cũng khoảng 50.000 - 70.000 người, về diện tích thì cũng trên dưới 2 km2/phường. Riêng P.Bình Khánh hiện khoảng 6.000 người, nhưng ở đây sẵn có quỹ nhà 8.000 căn hộ chung cư; nếu chỉ tính mỗi căn hộ có 2 người sinh sống khi quỹ nhà này được bố trí, số dân cũng tăng thêm ít nhất 16.000 người.
“Quận đã họp bàn và Thường trực Quận ủy thống nhất đề xuất giữ nguyên hiện trạng các phường. Tuy nhiên, trên tinh thần là sáp nhập theo chủ trương chung, và do đặc thù là vậy nên quận đang tính toán đề xuất lại các phương án để thống nhất ý kiến. Trong đó có phương án đề xuất giữ nguyên hiện trạng P.Bình Khánh và P.An Lợi Đông vì đã có khu dân cư và xu hướng dân cư đang tăng lên nhanh chóng, đồng thời sáp nhập P.Thủ Thiêm và P.An Khánh. Nhưng đây cũng là phương án tính toán, bởi bây giờ sáp nhập thì dễ, nhưng vài năm nữa Thủ Thiêm phát triển hoàn chỉnh, dân cư tăng lên với số lượng lớn thì tách ra lại cũng sẽ phức tạp về nhiều thủ tục”, ông Hưng nói.
Về đội ngũ cán bộ, công chức khi sáp nhập phường, ông Nguyễn Phước Hưng cho biết, nếu sáp nhập 2 phường thành 1 phường, thì cũng chỉ bớt đi 1 chủ tịch và 1 bí thư phường, còn cán bộ, công chức hiện hữu vẫn cơ bản giữ nguyên. Trong thời hạn 5 năm kể từ khi sáp nhập, sẽ giảm bớt biên chế thông qua công tác điều chuyển, hoặc cán bộ, công chức nghỉ hưu mà không tuyển dụng mới để thay thế.
Ông Trần Phương Nam, Chủ tịch UBND P.12 (Q.5), đơn vị hành chính cấp phường có hơn 5.600 dân và đang được thành phố xem xét sáp nhập, cho biết đến thời điểm này UBND Q.5 chưa có chỉ đạo cụ thể liên quan đến việc sắp xếp, sáp nhập nên phương án cũng đang được tính toán.
Về trường hợp đặc thù của Q.2, ông Đỗ Văn Đạo, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, cho biết việc sắp xếp, sáp nhập không phải đề án riêng của TP.HCM, mà là chủ trương chung. Tuy nhiên, thành phố cũng đang tính toán kiến nghị T.Ư vẫn cho giữ lại các phường hiện hữu ở Thủ Thiêm, vì khi hoàn chỉnh khu đô thị mới này, người dân sẽ về đây rất đông.
Ông Đỗ Văn Đạo lưu ý khi sáp nhập các xã, huyện giai đoạn 1 (2019 - 2021) bảo đảm tiêu chuẩn đơn vị hành chính để xã, huyện đó không phải sáp nhập trong giai đoạn 2 (2021 - 2030); khuyến khích các địa phương tổ chức sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính hoàn thành trong giai đoạn 1, để giai đoạn 2 không phải sáp nhập nữa, tránh sắp xếp, sáp nhập nhiều lần.

Giải thể xã Suối Trầu phục vụ dự án sân bay Long Thành

Ngày 29.5, UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức lễ công bố nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giải thể, điều chỉnh địa giới hành chính 6 xã thuộc H.Long Thành. Việc điều chỉnh này nhằm mục đích phục vụ dự án sân bay Long Thành.
Theo đó, từ ngày 1.6.2019, xã Suối Trầu (H.Long Thành) chính thức bị giải thể, xóa trắng 1.360 ha, 126 ha còn lại được sáp nhập vào ấp 3 (xã Bàu Cạn, H.Long Thành). Cán bộ, công nhân viên chức xã Suối Trầu sau khi giải tỏa sẽ về công tác tại UBND xã Bình Sơn, còn người dân thì chuyển vào sinh sống tại khu tái định cư xã Bình Sơn.
Ngoài xã Bình Sơn diện tích tăng lên 7.420 ha (5.000 ha là đất thuộc sân bay Long Thành), 4 xã còn lại sau khi điều chỉnh đều bị giảm diện tích gồm: Cẩm Đường từ 1.900 ha xuống còn 1.540 ha; Long An từ gần 3.400 ha xuống còn hơn 2.700 ha; Long Phước từ hơn 4.000 ha xuống còn hơn 3.740 ha; Bàu Cạn từ 4.479 ha xuống còn 4.447 ha.
Dự án Cảng hàng không quốc tế sân bay Long Thành có tổng diện tích 5.000 ha, việc giải tỏa ảnh hưởng đến cuộc sống của gần 4.900 hộ dân với gần 16.000 nhân khẩu. Hiện chính quyền Đồng Nai đang khẩn trương thực hiện thủ tục để thu hồi đất, tái định cư cho người dân nhằm có mặt bằng sạch giao chủ đầu tư theo đúng kế hoạch.
Lê Lâm
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.