Sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine với lý do hỗ trợ 2 vùng ly khai thuộc vùng Donbass mà ông vừa công nhận độc lập, phương Tây liên tiếp có nhiều phản ứng lên án, chuẩn bị các lệnh cấm vận và lo đối phó ở sườn đông NATO.
Lực lượng bộ binh Mỹ được điều động đến Ba Lan vào ngày 23.2 |
AFP |
Mỹ cùng đồng minh thống nhất
Phát biểu sau động thái của Nga, Tổng thống Mỹ Joe Biden lên án hành động “phi lý” của Moscow đối với Kiev và cam kết sẽ cùng các đồng minh buộc Nga chịu trách nhiệm.
“Chỉ có Nga chịu trách nhiệm cho sự chết chóc và hủy diệt sẽ xảy ra. Mỹ và các đồng minh, đối tác sẽ phản ứng một cách thống nhất và cương quyết”, Reuters dẫn lời ông nhấn mạnh. Theo CNN, Mỹ quyết định áp dụng các lệnh cấm vận nhằm ngăn chặn Nga tiếp cận công nghệ hiện đại, giới hạn các cơ sở tài chính lớn và cấm vận những nhân vật thân cận của Tổng thống Putin. Trước đó, kế hoạch cấm vận này đã tạm ngưng do ông Biden hy vọng có đối trọng để thuyết phục nhà lãnh đạo Nga xuống thang căng thẳng.
Tổng thống Biden lên án chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine |
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cũng lên án hành động của Nga và kêu gọi ông Putin rút quân. “Vì nhân đạo, đừng để chiến tranh xảy ra ở châu Âu khi nó có thể trở thành cuộc chiến tồi tệ nhất kể từ đầu thế kỷ, với hậu quả không chỉ tàn khốc đối với Ukraine, không chỉ bi kịch đối với Nga mà thậm chí còn tác động khó lường”, ông cảnh báo.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz chỉ trích hành động của Nga là “sự vi phạm rõ ràng đối với luật pháp quốc tế” và không thể biện minh bằng bất cứ lý do nào. Còn Thủ tướng Anh Boris Johnson nhấn mạnh phương Tây sẽ áp dụng các lệnh cấm vận lớn về kinh tế và “sẽ làm mọi thứ có thể trong những ngày tới” nhằm hỗ trợ Ukraine. Nhiều nước khác như Ba Lan, Hà Lan, Canada, Úc đều kêu gọi cấm vận Nga. Quan chức phụ trách đối ngoại của Ủy ban Châu Âu Josep Borrell gọi “đây là những giờ đen tối nhất của châu Âu kể từ Thế chiến 2”, đồng thời tuyên bố sẽ có những lệnh cấm vận khắc nghiệt nhất đối với Nga.
Bộ trưởng phụ trách vấn đề di trú và tị nạn của Bỉ Sammy Mahdi kêu gọi Liên minh Châu Âu (EU) dừng cấp thị thực cho tất cả công dân Nga, kể cả sinh viên, lao động và du khách. “Vào lúc này, người Nga không được chào đón ở đây, một lệnh cấm thị thực chung đối với người Nga không phải là điều cấm kỵ”, ông Mahdi phát biểu.
Các khu vực tại Ukraine được cho là có xảy ra những vụ nổ và hướng tiến quân của Nga |
The New York Times |
Nỗi lo an ninh
Động thái của Nga còn khiến nhiều nước trong khu vực cũng như NATO lo ngại và tăng cường an ninh. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết liên minh quân sự này sẽ gia tăng các khí tài và lực lượng ở sườn phía đông. Ông cho biết hơn 100 máy bay chiến đấu của NATO đã được đặt trong tình trạng báo động cao. Bên cạnh đó, NATO sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến trong ngày 25.2, cùng với sự tham gia của EU và Thụy Điển, Phần Lan để thảo luận về tình hình Ukraine.
Ông Stoltenberg nhấn mạnh rằng bất cứ hành động tấn công nào nhằm vào một quốc gia thành viên sẽ kích hoạt phản ứng toàn khối. Trước đó, Ba Lan và 3 nước vùng Baltic gồm Estonia, Latvia và Lithuania đã kích hoạt điều 4 trong Hiệp ước NATO để tham vấn khẩn cấp cùng các đồng minh về lo ngại an ninh sau chiến dịch đặc biệt của Nga tại Ukraine. Thủ tướng Estonia Kaja Kallas nói rằng chiến dịch của Nga tại Ukraine là “mối đe dọa cho toàn châu Âu”.
NATO tuyên bố không đưa quân đến Ukraine |
Điều 4 của Hiệp ước NATO nêu rằng các thành viên sẽ tham vấn với nhau theo ý kiến của bất cứ thành viên nào, bất cứ khi nào toàn vẹn lãnh thổ, độc lập chính trị hoặc an ninh của thành viên bị đe dọa. Ba Lan và 3 nước Baltic đều có biên giới chung với Nga. Bất cứ thành viên nào cũng có quyền kích hoạt điều 4. Ngay sau khi được kích hoạt, các bên sẽ thảo luận vấn đề và có thể đưa ra quyết định chung hoặc hành động đại diện cho cả NATO.
Kêu gọi kiềm chế
Sau động thái của Nga, Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Trương Quân kêu gọi tất cả các bên liên quan “giữ cái đầu lạnh và lý trí”, kiềm chế và tránh leo thang thêm căng thẳng. Ông nói Trung Quốc tin rằng cánh cửa về một giải pháp hòa bình cho vấn đề Ukraine chưa đóng lại hoàn toàn, theo tờ The Guardian.
Trong cuộc họp báo sau đó vào cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh kêu gọi các bên kiềm chế, đồng thời cho rằng Nga là “một quốc gia độc lập và có thể tự ra quyết định dựa trên lợi ích của mình”. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho hay ông đã điện đàm với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov và nói rằng Bắc Kinh hiểu các mối lo ngại về an ninh của Nga, đồng thời kêu gọi xây dựng một cơ chế an ninh cân bằng, hiệu quả và bền vững ở châu Âu thông qua đối thoại và đàm phán. Ngoại trưởng Trung Quốc cũng kêu gọi các nước hoàn toàn từ bỏ tâm lý Chiến tranh lạnh.
Lo ngại vấn đề người tị nạn
Trong khi đó, nhiều nước chuẩn bị tiếp nhận làn sóng người tị nạn có thể tràn sang từ Ukraine. Slovakia dự kiến sẽ điều 1.500 binh sĩ đến biên giới Ukraine, lập thêm các cửa khẩu. Hungary cũng dự định điều binh sĩ đến biên giới để giúp người tị nạn. Các nước khác như Romania, Bulgaria và Moldova chuẩn bị tiếp nhận người tị nạn. Ủy ban Quốc tế Tổ chức Chữ thập đỏ (ICRC) kêu gọi các bên liên quan tại Ukraine cần tôn trọng luật nhân đạo quốc tế, bảo vệ người dân và các dịch vụ thiết yếu như điện, nước. ICRC có khoảng 600 nhân viên ở Ukraine, trong đó có 400 người ở miền đông giúp cung cấp nước tại vùng Donetsk sau khi 2 trạm bơm bị pháo kích vào tuần trước khiến 1 triệu người thiếu nước.
Bên cạnh đó, nhiều nước tiếp tục cảnh báo và sắp xếp di tản công dân khỏi Ukraine. Hãng ISNA đưa tin Iran kêu gọi công dân rời Ukraine và cho hay đang xin phép thực hiện các chuyến bay sơ tán do không phận Ukraine đang bị phong tỏa. Đại sứ quán Ấn Độ ở Ukraine cũng thông báo đang sắp xếp để sơ tán công dân sau khi Ukraine đóng không phận.
Bình luận (0)