Theo AFP, Pháp và Bỉ hôm qua nới lỏng quy định giới hạn phòng dịch Covid-19, cho phép nhà hàng, quán cà phê phục vụ tại chỗ; còn Mỹ nới lỏng cảnh báo đi lại với hàng chục nước, hy vọng khôi phục cuộc sống bình thường. “Cuộc sống sẽ phục hồi trên khắp các vùng đất của chúng ta”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lạc quan, trong bối cảnh người dân có thể đi ăn và ở ngoài đến 23 giờ. Dự kiến Pháp sẽ dỡ hoàn toàn lệnh giới nghiêm vào ngày 30.6, dù vẫn bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng. Nhiều quốc gia châu Âu đang nỗ lực cân bằng giữa sức khỏe người dân và phục hồi các lĩnh vực như du lịch vốn bị ảnh hưởng nặng bởi lệnh phong tỏa.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thành lập nhóm chuyên gia cùng với Liên minh Châu Âu (EU), Anh, Canada và Mexico nhằm tìm hướng tối ưu để phục hồi đi lại, sau 15 tháng quy định giới hạn để phòng dịch, theo Reuters hôm qua dẫn lời một quan chức Nhà Trắng. Dự kiến việc dỡ bỏ giới hạn đi lại có thể sẽ phải mất thời gian, và Nhà Trắng đã thông báo cho các hãng hàng không, ngành du lịch về động thái trên. Trước đó, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Mỹ nới lỏng khuyến cáo đi lại với 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Canada, Mexico, Nhật Bản, Nam Phi và Iran. Hãng United Airlines đã kêu gọi Nhà Trắng ưu tiên kế hoạch mở cửa hàng không với các thị trường quốc tế trong thời gian cao điểm đi lại vào mùa hè.
|
Trong khi đó tại Đông Nam Á, dịch bệnh hôm qua vẫn diễn biến phức tạp. Campuchia ghi nhận số ca mắc tiếp tục trên đà gia tăng với 729 ca mắc và 11 ca tử vong trong vòng 24 giờ, nâng tổng số lên 36.240 ca mắc với 289 ca tử vong. Trước tình hình trên, chính quyền thủ đô Phnom Penh hôm qua nâng mức cảnh báo Covid-19 tại một số khu vực trong 2 tuần từ ngày 10.6. Cùng ngày, Thái Lan ghi nhận thêm 2.680 ca mắc Covid-19 và 35 ca tử vong, trong đó có 280 ca mắc trong nhà tù. Kể từ đầu dịch, Thái Lan ghi nhận 185.288 ca mắc Covid-19 với 1.332 ca tử vong. Singapore hôm qua ghi nhận ca tử vong thứ 34 vì Covid-19, vượt qua con số 33 trường hợp tử vong trong dịch Hội chứng viêm đường hô hấp cấp nặng (SARS) vào năm 2003.
Bình luận (0)