Một số quốc gia, chủ yếu ở châu Á - Thái Bình Dương, cũng đã thành công kiểm soát đại dịch Covid-19. Những quốc gia này ghi nhận ít ca bệnh mới. Nhờ vậy, người dân ở đó vẫn có cuộc sống bình thường trong bối cảnh phần còn lại của thế giới trải qua hết đợt phong tỏa này đến biện pháp hạn chế khác.
Đóng cửa biên giới
Hiện tại, cuộc sống của người dân New Zealand và Úc gần như không quá khác biệt so với trước khi đại dịch xảy ra. Các nhà hàng và quán bar hoạt động nhộn nhịp. Du lịch nội địa cũng khởi sắc. Phần lớn ca bệnh mới tại hai quốc gia này là người về từ nước ngoài. Gần 3 tháng qua, New Zealand không ghi nhận ca nhiễm cộng đồng nào, theo số liệu của Bộ Y tế nước này. Từ ngày 13.4 đến nay, Úc không có thêm ca nhiễm Covid-19 nào tử vong.
Bí quyết thành công của hai quốc gia này khá đơn giản. Cả hai nước đều đóng cửa với phần còn lại của thế giới. Từ tháng 3.2020, Úc và New Zealand chỉ cho phép công dân và thường trú nhân nhập cảnh. Những người này cũng phải trình kết quả xét nghiệm âm tính và cách ly sau khi nhập cảnh. New Zealand và Úc không có ý định gỡ bỏ lệnh cấm trong tương lai gần.
Theo Bloomberg, chính phủ Úc ngày 11.5 thông báo sẽ đóng cửa biên giới cho đến ít nhất là giữa năm 2022. Bên cạnh việc cấm người nước ngoài nhập cảnh, hai đảo quốc này còn hạn chế dịch lây lan trong nước bằng việc áp đặt lệnh phong tỏa trong thời gian dài và bắt buộc đeo khẩu trang.
Tuy được ca ngợi vì thành công kiểm soát Covid-19, New Zealand và Úc đều đang gặp vấn đề với chiến dịch tiêm chủng. Theo số liệu của tạp chí The Economist, chỉ 7,5% người trưởng thành ở New Zealand được chủng ngừa liều đầu tiên, ít hơn cả Zimbabwe và Palestine. Nước này đã đặt hàng số vắc xin Pfizer đủ cho toàn bộ dân, nhưng đang phải đợi vắc xin được giao đến.
Trong khi đó, Úc mới chỉ tiêm mũi đầu tiên cho 16% người lớn ở nước này. Chính phủ liên bang Úc đặt mục tiêu tiêm chủng cho tất cả người trưởng thành trước cuối năm nay. Song, một loạt vấn đề và việc chậm trễ nguồn cung khiến việc mở cửa biên giới hoàn toàn của nước này có thể bị hoãn đến năm 2024.
|
Chủng ngừa cho toàn bộ dân số
Ngược lại, ở Trung Đông, thế giới đang chứng kiến một quốc gia chống dịch thành công nhờ có chiến dịch tiêm chủng hiệu quả.
Theo Reuters, Israel đang là quốc gia có tốc độ tiêm ngừa Covid-19 nhanh nhất thế giới. Bộ Y tế Israel cho biết 54,97% dân số, tức hơn 5,1 triệu người, đã hoàn thành việc chủng ngừa. Số người tiêm xong mũi thứ nhất ở nước này là hơn 5,4 triệu, tức 58,5% dân số. Israel có được lợi thế này nhờ sớm có được vắc xin và bắt đầu chủng ngừa cho người dân từ tháng 12.2020.
Vắc xin được triển khai vào thời điểm Israel trải qua làn sóng lây nhiễm thứ ba và cũng là đợt dịch tồi tệ nhất với trung bình hơn 8.000 ca bệnh mới mỗi ngày. Điều này khiến cả nước Israel phải bước vào phong tỏa trong 2 tháng.
Sau khi chương trình tiêm chủng được triển khai, từ tháng 3 đến nay, số ca mắc Covid-19 mới tại Israel giảm đáng kể ở mọi độ tuổi. Theo BBC, những thành công này đã thúc đẩy chính phủ Israel nới lỏng phong tỏa, người dân nước này cũng không còn phải đeo khẩu trang khi ra ngoài. Cuộc sống ở đây về cơ bản đã trở lại bình thường.
Ngoài Israel, chiến dịch tiêm chủng của Anh cũng được đánh giá cao. Nước này đã chủng ngừa xong cho 55% dân số, tức khoảng 21,2 triệu người, theo Reuters. Hơn 37 triệu người tại Anh cũng đã được tiêm xong mũi đầu tiên tính đến ngày 22.5. Sau một số sai lầm khiến hơn 127.000 người ở Anh tử vong vì Covid-19, con số cao nhất ở châu Âu, thành công của việc chủng ngừa đã giúp Anh dỡ bỏ lệnh phong tỏa kéo dài nhiều tháng vào ngày 17.5.
Đây là bước tiến lớn nhất của Anh trong quá trình đưa cuộc sống trở lại bình thường. Khi làn sóng lây nhiễm thứ hai của Anh bùng phát vào Giáng sinh năm ngoái do sự xuất hiện của biến thể mới có khả năng lây lan nhanh chóng, số người chết trong ngày ở đây có khi vượt quá mốc 1.800. Hiện tại, số người chết hằng ngày ở Anh giảm xuống chỉ còn một chữ số. Số ca mắc Covid-19 mới cũng giảm đáng kể, từ 70.000 người nhiễm mỗi ngày vào mùa đông xuống còn khoảng 2.000 ca. Tuy vậy, giới chức y tế Anh đang lo lắng về sự nguy hiểm của biến thể B1.617.2 phát hiện lần đầu ở Ấn Độ. Theo tờ The Guardian, 3.424 ca bệnh do biến thể này gây ra đã được ghi nhận ở Anh.
Nhiều nơi đang chật vật vì Covid-19
Đài Loan và Singapore, hai nơi từng được xem là hình mẫu chống dịch, đang cố gắng kiểm soát đợt bùng phát mới. Từ tháng 4 - 12.2020, Đài Loan có 253 ngày liên tiếp không ghi nhận ca nhiễm mới nào. Tuy nhiên, số ca mắc Covid-19 được ghi nhận hằng ngày ở hòn đảo này đã lên tới mức 3 chữ số trong hơn 5 ngày qua. Chỉ trong một tuần, tổng số ca mắc Covid-19 ở Đài Loan tăng gấp đôi. Ngày 22.5, Đài Loan đã ghi nhận thêm 312 ca nhiễm cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm lên 3.862 ca.
Singapore cũng đang phải đối phó với việc số ca nhiễm cộng đồng đột ngột tăng cao, trong đó có nhiều trường hợp không rõ nguồn lây. Làn sóng lây nhiễm mới ở Singapore có nguồn gốc từ các nhân viên sân bay phải tiếp xúc với hành khách từ quốc gia có nguy cơ lây nhiễm cao.
Cũng tại Đông Nam Á, Thái Lan đã phát hiện các ca nhiễm cộng đồng đầu tiên do biến thể Ấn Độ B.1.617.2 gây ra. Trong khi đó, số người chết ở Malaysia và Philippines cũng ở mức báo động. Malaysia đã có 3 ngày liên tiếp số ca nhiễm mới vượt mức 6.000. Tình hình tại các tâm dịch hiện tại của thế giới vẫn rất đáng lo ngại. Tổng số ca nhiễm Covid-19 tại Ấn Độ đã vượt mức 26 triệu vào ngày 21.5. Tính đến ngày 22.5, ở Mỹ Latin và Caribbean cũng có hơn 1 triệu người chết do Covid-19, trong đó hơn 446.000 nạn nhân được ghi nhận ở Brazil.
|
Bình luận (0)