Xuyên đêm đội mưa giải cứu phượt thủ
Bán đảo Sơn Trà (Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) với nhiều điểm du lịch nổi tiếng khiến nhiều người thích thú tìm đến để check-in khi tham quan TP.Đà Nẵng. Việc du khách tham quan, tổ chức khám phá, chinh phục tại bán đảo Sơn Trà luôn phải đối mặt với những hiểm nguy rình rập, nhưng với đam mê khám phá nhiều bạn trẻ đã bất chấp biển cấm, biển cảnh báo để “đối mặt với nguy hiểm” tự khẳng định mình.
Bầu chọn
Bạn có ủng hộ những phượt thủ bất chấp cảnh báo nguy hiểm để "khẳng định" mình không?
Bạn có ủng hộ những phượt thủ bất chấp cảnh báo nguy hiểm để "khẳng định" mình không?
Đêm 27.8, nhóm phượt gồm 4 người đến từ TP.HCM và Thừa Thiên - Huế, đi tham quan bán đảo Sơn Trà và bị lạc ở đoạn đường rừng dẫn từ Cây đa đại thụ đến Mũi Nghê. Một người trong nhóm này lạc đoàn, ba người còn lại đã dùng đèn pin và tri hô tìm bạn.
Sau đó, anh Trần Long Khải (30 tuổi, trú H.Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) đang câu cá ở khu vực Mũi Nghê thì nghe tiếng kêu cứu đã cùng một bạn câu cá đến ứng cứu nhóm phượt.
Trên đường ứng cứu, không may anh Khải bị ngã xuống vực sâu, gãy chân, chấn thương nặng ở vùng đầu dẫn đến tử vong.
|
Sau khi nhận được tin báo, mất nhiều giờ nỗ lực cứu nạn lực lượng chức năng mới tiếp cận các nạn nhân bằng ca nô. Nhưng do mưa to, sóng biển lớn nên ca nô chỉ đưa được thi thể anh Khải cùng một phượt thủ bị thương về bờ bằng đường biển. Lực lượng chức năng đã phải lội bộ, cắt rừng dưới mưa lớn để tìm đường đưa 3 phượt thủ còn lại băng rừng lên lại trên đường bê tông khu vực Cây đa đại thụ. Đến 3 giờ 30 phút ngày 28.8, các du khách và thi thể anh Khải được đưa về đất liền.
Theo ông Phan Minh Hải, Phó Ban quản lý (BQL) bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết, nhóm du khách trên đi lạc tại tuyến rừng từ điểm du lịch Cây đa đại thụ theo đường mòn hướng ra biển về khu vực Mũi Nghê. Đây là khu vực rừng nguyên sinh, chưa có chủ trương khai thác du lịch, nhưng hiện trạng có đường dân sinh, người dân hay đi câu cá nên du khách cũng theo đó khám phá Sơn Trà.
“Mũi Nghê là địa điểm đẹp, hoang sơ, được biết đến là mũi đất đón tia nắng đầu tiên của TP.Đà Nẵng nên được nhiều du khách biết đến và tìm đến check-in”, ông Hải nói.
|
Cũng theo ông Hải, đường đi khu vực Mũi Nghê rất nguy hiểm, dễ bị lạc vào rừng sâu nên BQL đã cắm bảng lớn ngay đầu tuyến để cảnh báo du khách, cũng như cắt cử nhân viên trật tự nhắc nhở du khách không cho xuống.
Tuy nhiên, du khách vẫn bất chấp biển cảnh báo, sự ngăn cản của nhân viên tạo thành từng nhóm cố gắng tìm cách lội bộ vào tuyến đường rừng để dẫn đến những sự cố đau lòng. “Từ sau khi vụ du khách nước ngoài bị lạc đường, bị kiệt sức ở Mũi Nghê, BQL đã cắm bảng lớn để cảnh báo, nhưng du khách vẫn bất chấp...”, ông Hải chia sẻ.
Bất chấp cảnh báo… trả giá bằng mạng sống
Trước đây, vào ngày 13.9.2018, nhóm 4 du khách nước ngoài bị lạc trên tuyến đường rừng từ cây đa ngàn năm xuống Mũi Nghê. Sau đó, các du khách tự tìm đường thoát khỏi rừng và thông báo cơ quan chức năng về việc bạn đồng hành bị kiệt sức ở Mũi Nghê, không thể tự đi về. Trạm Biên phòng CT15 điều động ca nô đến đón, cứu được nạn nhân về bờ, chăm sóc y tế cho đến khi ổn định sức khỏe thì đưa các du khách về lại khách sạn ở P.Mỹ An (Q.Ngũ Hành Sơn).
|
Sáng ngày 28.8, PV Thanh Niên đã tìm đến đường rừng dẫn từ Cây đa đại thụ đi Mũi Nghê để ghi nhận tình hình. Tại đây, đường mòn dẫn xuống Mũi Nghê cực kỳ nguy hiểm, đường mòn với dốc dựng đứng. Vào thời điểm này, tại biển cảnh báo cuối đường bê tông, có 6 xe máy để trước biển cảnh báo.
|
Ông Mai Đăng Tám (55 tuổi, nhân viên trật tự du lịch Sơn Trà, BQL bán đảo Sơn Trà) cho biết, hằng ngày ông Tám làm việc giữ trật tự tại điểm du lịch Cây đa cổ thụ và vẫn thường xuyên nhắc nhở du khách không được theo đường mòn trong rừng xuống Mũi Nghê. Thế nhưng, sau khi ông này kết thúc giờ làm việc thì nhóm du khách mới tổ chức đi phượt.
“Nhiệm vụ của tôi là giữ trật tự và nhắc nhở du khách từ 7 giờ 30 sáng đến 17 giờ hằng ngày, nội dung nhắc nhở theo bảng cảnh báo đường nguy hiểm và dễ bị lạc. Nhưng hầu hết nhóm du khách đều là các bạn trẻ, họ lên đây vào sau 17 giờ để qua đêm tại Mũi Nghê khiến chúng tôi không thể nhắc nhở hay kiểm soát được. Tối qua sau khi xảy ra sự cố, có người gặp nạn rồi người đi câu bị tử vong, chúng tôi đã túc trực cùng lực lượng đến rạng sáng”, ông Tám nói.
|
Cũng theo ông Tám, lúc xảy ra sự việc 6 người (4 du khách và 2 người đi câu) gặp nạn thì cũng có nhóm du khách gần 10 người để xe tại biển cảnh báo để men theo đường mòn trong rừng xuống cắm trại tại Mũi Nghê. Đến thời điểm PV ghi nhận thì nhóm này vẫn chưa lên lại điểm dừng xe máy.
“Chúng tôi chỉ có trách nhiệm nhắc nhở chứ không được phép cấm du khách, nên du khách phải tự ý thức bảo vệ mạng sống của chính mình, chúng tôi đã làm hết sức… nhưng sự việc đau lòng vẫn xảy ra tại đường mòn dẫn vào rừng của bán đảo Sơn Trà, như vụ các phượt thủ vừa rồi”, ông Tám chia sẻ.
Bình luận (0)