Nghiệm lẽ vô thường !
18 giờ 7 phút ngày 25.9, đang nghe điện thoại, thấy một cuộc gọi đến, đành nhỡ. 18 giờ 48, tôi gọi lại. Bên kia bắt đầu một giọng tâm tình lẫn với nỗi thương cảm: “Tôi tên là S. năm nay 43 tuổi, ở P.17, Q.Gò Vấp, TP.HCM điện thoại đến chương trình để nhắn nhủ thông tin, nhờ các anh lưu lại giùm, để mai mốt cho tôi và bạn bè nhận chu cấp hằng tháng cho mấy cháu”.
Lệ thường, tôi vẫn hỏi han người mình tiếp chuyện. Như được cởi bỏ tấm lòng, anh S. tâm sự: “Tôi cũng là nạn nhân của dịch, bị nhiễm hồi tháng 7. Những ngày ở trong bệnh viện (BV) dã chiến, tôi nghiệm ra quá nhiều về nỗi sinh tử vô thường. Nên bây giờ, khi đọc những bài báo, những câu chuyện về trẻ mồ côi, tôi không chịu nổi, mong làm một điều gì đó cho các cháu”. Anh S. kể, hồi tháng 6, sau khi đã đưa vợ và 3 con về Ninh Thuận, anh một mình ở lại Sài Gòn. Cùng lúc ấy anh được tiêm 1 mũi vắc xin. Nhưng rồi sau đó, khi bị nhiễm, anh nhớ lại mình có tiếp xúc với vài người chạy xe ôm công nghệ (shipper) và nghĩ nguồn lây từ đó. Đến một BV có bác sĩ quen ở Phú Nhuận xét nghiệm và phát hiện dương tính, anh S. bàng hoàng.
Vậy rồi ngày qua ngày, anh nguyện cầu để tai qua nạn khỏi. Khi xuất viện, là lúc anh tâm niệm làm việc thiện nguyện. Anh nói: “Sau bao năm làm ăn dành dụm, tôi có 2 căn nhà nhỏ ở Sài Gòn. Bây giờ nếu cần tôi sẵn sàng bán 1 căn để góp vào chung tay lo cho các cháu”. Càng nghe, tôi càng nghĩ về một điều vô cùng oái oăm của số phận, khi cả cộng đồng chứng kiến sự bất lực của những người ra đi vì không níu lại được hơi thở.
Còn cụ L.T.P (ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM) tâm tình qua lá thư ngắn: “Chúng tôi hiện nay cũng đã lứa U.70 nên sức khỏe và tuổi tác không cho phép nhận đón các cháu về nuôi. Song để góp sức cùng thành phố giúp đỡ các cháu rơi vào hoàn cảnh đáng thương này, nhờ quý báo giúp kết nối để tôi có thể hỗ trợ một cháu (bé gái càng tốt) mồ côi cha hoặc mẹ, hoặc cả bố mẹ đều mất do dịch bệnh, nhưng có người thân chăm sóc mà hoàn cảnh khó khăn, để giúp đỡ cháu có thể sinh sống và học tập hết đại học. Với khả năng của mình tôi chỉ có thể làm như vậy”.
Chị N.V.A.H thì sau khi điện thoại đến chương trình, đã gửi email với lời lẽ thiết tha: “Tôi luôn sẵn sàng để lắng nghe những câu chuyện về những mảnh đời bất hạnh của các em nhỏ để có thể hiểu và kết nối với nỗi đau mất mát của các em hơn. Ngoài ra, tôi muốn hỏi, trường hợp doanh nghiệp muốn hỗ trợ thì sẽ áp dụng như thế nào, vui lòng giải đáp giúp tôi qua email hoặc điện thoại”.
Một cách quan tâm đóng góp khác của anh T.T.T.N khiến chúng tôi nghĩ rằng với sự trợ giúp như vậy, các em sẽ rất ấm lòng: “Tôi chỉ có đề nghị là sẽ chu cấp cho các cháu đang học lớp 12 và người thân không có đủ khả năng lo cho cháu học lớp 12 và đại học hoặc cao đẳng. Về hình thức hỗ trợ, tôi xin hỗ trợ học phí (tôi sẽ đóng trực tiếp cho nhà trường) và tiền ăn, các nhu cầu thiết yếu cơ bản khác của cháu. Tôi có thể đồng hành cùng cháu tới hết đại học cũng như cho cháu lời khuyên khi cần. Vì thế (nếu được), cháu ở tại Sài Gòn là tốt nhất”.
Nước mắt thầy giáo
Một buổi khi trời sập tối, tôi nhận được điện thoại. Hồi lâu nghe giọng rất nhỏ và đứt quãng, tự giới thiệu tên N.N.K, một thầy giáo ở tận H.Kế Sách, Sóc Trăng. Thầy K. lúc nói lúc ngưng, nghe có tiếng sụt sịt. Hóa ra thầy khóc! Chốc sau, lấy lại bình tĩnh, thầy tâm tình rằng do không ngăn được xúc động khi nghĩ về các em mồ côi. Thầy sẽ liên hệ với chương trình thường xuyên, nhưng trước mắt xin giới thiệu cho một em học sinh mồ côi đang học bậc THCS hay THPT. Thầy sẽ nâng đỡ, bảo ban và dạy dỗ. “Tôi có một người cha già, một người chị bị bệnh, nhưng tôi lo được. Từ thu hoạch vườn tược, từ lương đi dạy học, tùng tiệm cũng có thể lo cho một em. Chương trình cứ yên tâm, tôi sẽ dạy dỗ cháu nên người”.
Một trường hợp khác, là ông T.V.T ở Long Thành, Đồng Nai. Ông T. tự giới thiệu, mình năm nay 50 tuổi, chủ một doanh nghiệp vận tải nhỏ, “làm ăn lai rai cũng sống được” như lời ông nói. Ông T., vì lý do riêng nên vẫn chưa lập gia đình, song rất thương trẻ nhỏ mồ côi. “Tôi đăng ký nhận bảo trợ một cháu khoảng 6, 7 tuổi. Nếu phía gia đình cháu đồng ý, tôi sẽ lo cho cháu ăn học đến lớn khôn”.
Câu chuyện tâm tình dông dài của ông T. khiến tôi không thể buông máy, vì ông vẽ ra một viễn cảnh rằng “buổi sáng tôi sẽ chở cháu đến trường, xong đi làm. Chiều về khoảng 4 giờ tôi sẽ ghé đón cháu. Thỉnh thoảng, chở cháu đi Vũng Tàu thăm ông nội (là ba của ông T.), nay đã 90 tuổi. Cuộc sống sẽ đầm ấm và nhất là có ý nghĩa, hơn tình cảnh độc thân hiện giờ”.
Một phụ nữ trẻ, tên là Q.T.M gọi điện đến và sau khi kết nối Zalo để nhận những bài báo thông tin chương trình, một ngày sau đã nhắn trở lại, với dòng tin xác quyết: “Xin chốt với quý báo, em xin nhận chu cấp hằng tháng 3 cháu, 2 cháu của em và 1 cháu của chị gái em. Nhờ chương trình tìm giúp cho 3 cháu gái ở khu vực Q.Bình Tân. Tụi em sẽ lo cho các cháu”. Rồi với cảm xúc yêu thương, cô còn nhắn thêm một câu hỏi: “Vậy khi nào thì được gặp các cháu ạ?”. Sau khi đại diện chương trình trao đổi rằng sẽ liên lạc ngay lúc đã tiến hành khảo sát xong và có hồ sơ từng em, sẽ mời đến gặp đại diện phía gia đình của bé nhận bảo trợ, cô ấy mới… tạm yên tâm!
Và có hàng trăm bạn đọc, như anh Q.H ở Hà Nội, anh M.Đ ở Hà Nam, anh T.C.T ở Q.12 (TP.HCM), chị V.T.T ở Bà Rịa-Vũng Tàu... không thể kể hết, đã gửi trao tình cảm đến các cháu bé mồ côi trong cơn đại dịch Covid-19 tàn khốc, khiến cho những người thực hiện chương trình xác định đó là bổn phận và trách nhiệm vô cùng lớn lao với các em, trong hành trình rất dài phía trước.
******
Báo Thanh Niên xin trân quý và tri ân nghĩa tình bạn đọc đã hướng về chương trình để giúp đỡ các cháu. Chính bạn đọc, trong những ngày qua đã làm lay động, ấm áp bao con tim. Để rồi mai này khi dịch giã đã qua, sẽ cùng với chương trình gửi trao vòng tay yêu thương đến với những mái đầu đã vắng bớt bàn tay chăm sóc.
Tính đến 17 giờ ngày 26.9, Chương trình bảo trợ trẻ mồ côi do đại dịch Covid-19 của Báo Thanh Niên đã nhận được lời đề nghị bảo trợ bằng hình thức nhận nuôi dưỡng, chăm sóc đối với 55 em, nhận chu cấp hằng tháng cho 486 em.
Đồng thời, qua số tài khoản của chương trình, bạn đọc đã đóng góp số tiền (kể từ ngày 16.9) là 2.091.958.868 đồng để giúp đỡ khẩn cấp, kịp thời cho trẻ mồ côi.
|
“Nhịn” quà sinh nhật giúp bạn
Trong số rất nhiều bạn đọc gửi tiền về ủng hộ chương trình, có một câu chuyện nghe được khiến chúng tôi rất cảm động: Bé Anh Thư (9 tuổi), sáng 26.9 khi ba chở đi mua bánh mừng sinh nhật, hỏi con thích quà tặng là món gì, bé trả lời là “sợ tốn tiền ba mẹ”, rồi bé nói “nhưng nếu ba có thể cho con 1 triệu đồng, thì con sẽ gửi tặng các bạn mồ côi vì ba mẹ mất trong dịch Covid-19 mà Báo Thanh Niên đã đăng”. Số tiền ấy, ngay trong ngày sinh nhật của bé Anh Thư đã đến với chương trình.
|
Bình luận (0)