Bác sĩ chi viện chống dịch và điều cảm động ở Sài Gòn

Thúy Hằng
Thúy Hằng
15/10/2021 09:55 GMT+7

Bác sĩ Long bất ngờ khi nhận được phần ăn trưa ở bệnh viện. Trên hộp cơm có lời nhắn dễ thương 'Anh gì đó ơi, anh tuyệt nhất trên đời luôn ạ'. Vào chi viện Sài Gòn chống dịch, anh càng thêm thương và yêu TP này.

Bác sĩ Long và các đồng nghiệp tại Bệnh viện hồi sức Covid-19. Anh vào chi viện Sài Gòn chống dịch từ 7.9

NVCC

Bác sĩ Nguyễn Hải Long, 37 tuổi, phó đoàn gồm 120 bác sĩ, điều dưỡng Sở Y tế Hải Phòng vào chi viện Sài Gòn chống dịch từ ngày 7.9. Nơi anh đang làm nhiệm vụ là Bệnh viện hồi sức Covid-19 (nằm trong Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2, TP Thủ Đức, TP.HCM).

Là bệnh viện tầng 3, nơi điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch lớn nhất TP.HCM, bác sĩ Nguyễn Hải Long đã trải qua 1 tháng 8 ngày cùng các bệnh nhân giành giật sự sống. Nhiều bệnh nhân lớn tuổi với nhiều bệnh nền đã gục ngã. Nhưng nhiều người đã kiên cường vượt qua.

Anh chia sẻ với phóng viên Báo Thanh Niên những tháng ngày không thể quên trong đời mình, và những điều cảm động từ thành phố này.

Một bệnh nhân đặc biệt

“Chúng tôi bắt đầu làm việc trong bộ đồ bảo hộ mức cao nhất. Mặc đồ vào, đi lại, mọi thao tác đều chậm hơn. Mỗi ca làm việc có thể từ 7 - 10 giờ. Chúng tôi chia ra 3 ca để trực, 7 - 14 giờ; 14 - 21 giờ hoặc từ 21 - 7 giờ sáng hôm sau. Trong ca làm việc thì không ai ăn uống gì. Vì nếu ăn uống, là tháo mất đi một bộ đồ bảo hộ”, bác sĩ Long kể.

Bác sĩ Long (trái) trong đồ bảo hộ ở bệnh viện "tầng 3"

NVCC

Bác sĩ trẻ chia sẻ, ở “ bệnh viện tầng 3” - tầng cao nhất trong tháp điều trị Covid-19, những bệnh nhân nặng, nguy kịch phần lớn là người lớn tuổi, có bệnh nền. Vừa điều trị Covid-19, các bác sĩ giúp họ điều trị các bệnh như tiểu đường, tim mạch, huyết áp cao, suy thận... SAR-CoV-2 hủy hoại phổi của bệnh nhân, đánh gục người bệnh rất nhanh. Tại bệnh viện tầng 3, ai cũng gồng người để thở.

Một số đã đầu hàng dù có bình oxy ngay bên cạnh nhưng oxy không thể vào phổi do lá phổi đã bị virus tàn phá. Nhiều người ra đi, nhưng cũng nhiều người chiến thắng số phận và chiến thắng chính mình để trở về, dù cơ thể có nhiều biến chứng, cần một thời gian để phục hồi.

“Từ cánh cổng bệnh viện này, số bệnh nhân xuất viện mà còn tươi tỉnh, có thể tự xách hành lý trở về nhà mình rất ít ỏi. Rất nhiều người lúc xuất viện vẫn chưa thể tự đi lại, hoặc chưa cai hoàn toàn bình oxy. Song đó đều là những kỳ tích”, bác sĩ Long chia sẻ.

Khoảnh khắc bác sĩ Long cho đàn chim bồ câu trên đường Nguyễn Huệ ăn vào chiều 30.9 bất ngờ được nhiếp ảnh gia Minh Hòa ghi lại

minh hòa

Những ngày qua, điện thoại của bác sĩ Long nhận được những tin nhắn cảm ơn của một số bệnh nhân đã xuất viện, trong đó là một giảng viên một trường ĐH ở TP.HCM, tuổi ngoài 30. Nam giảng viên đã được các bác sĩ ở Bệnh viện hồi sức Covid-19 này hồi sinh.

Trước khi được xuất viện, anh còn ở lại hỗ trợ các bác sĩ, điều dưỡng khác ở đây chăm sóc các F0 khác và chụp một tấm hình kỷ niệm với những người đã giúp anh có một cuộc đời thứ 2.

Điều gì khiến anh Long nhớ nhất về người bệnh này? “Đó là sự lạc quan. Anh ấy luôn cười, luôn mạnh mẽ và chưa một giây phút nào muốn từ bỏ cuộc đời. Trong cuộc chiến với Covid-19, điều quan trọng nhất là tinh thần. Khi người bệnh còn muốn sống, còn quyết tâm phải thở được, thì còn hy vọng”, anh nói.

“Cảm ơn Sài Gòn”

Thời gian này, bác sĩ Long và các bác sĩ, điều dưỡng ở bệnh viện tầng 3 đều đã tạm thở phào nhẹ nhõm khi số bệnh nhân Covid-19 phải nhập viện giảm hẳn, số bệnh nhân nặng, nguy kịch cũng rất ít. Việc khẩn trương tiêm phủ vắc xin trong cộng đồng cùng việc đoàn kết chống dịch đầy quyết tâm từ các phường, xã, ý thức 5K của người dân được nâng cao đã góp sức mạnh mẽ trong cuộc chiến chống dịch ở TP.HCM.

“Tôi cảm nhận được sức sống của Sài Gòn đang hồi sinh mạnh mẽ hơn, trên những con phố mà chuyến xe chở đội ngũ nhân viên y tế đi qua mỗi ngày. Nhịp sống mới đang dần dần trở lại nơi đây”, bác sĩ từ Hải Phòng chi viện TP chống dịch bộc bạch.

Những hộp cơm với lời nhắn dễ thương bác sĩ Long và các đồng nghiệp nhận được ở bệnh viện

nvcc

“Tôi muốn cảm ơn Sài Gòn và tấm lòng người Sài Gòn”, bác sĩ trẻ nói. Anh tâm sự: “Chúng tôi được các đồng nghiệp tại TP.HCM cởi mở và nhiệt thành hỗ trợ, để tất cả chúng tôi cùng phối hợp, cứu chữa được cho rất nhiều bệnh nhân. Chúng tôi được những chuyến xe 0 đồng của Phương Trang đưa đón tới bệnh viện cũng như được sắp xếp chỗ ở ấm cúng tại khách sạn ở Q.1. Chúng tôi được nhận những hộp cơm ấm áp nghĩa tình từ bệnh viện. Có những ngày cầm những hộp cơm, chúng tôi rất cảm động khi đọc được những lời chúc ăn ngon miệng, lời cảm ơn từ người chuẩn bị những suất cơm này”.

Những ngày TP.HCM còn giãn cách “ai ở đâu ở yên đó”, nhưng những cửa hàng tiện lợi gần Bệnh viện hồi sức Covid-19 vẫn mở cửa, sẵn sàng phục vụ các bác sĩ, điều dưỡng. Từ chú lái xe, cô đầu bếp ở bệnh viện tới nhân viên lễ tân khách sạn, ai cũng tận tình hỗ trợ các nhân viên y tế từ nơi xa về chi viện Sài Gòn.

Bác sĩ Long nhờ đồng nghiệp viết lên phía sau áo bảo hộ tên mình và trái tim yêu thương của Hải Phòng quê hương anh dành cho Sài Gòn, nơi anh đang làm nhiệm vụ

nvcc

Ngày 30.9, ngày cuối cùng ở chỉ thị 16 trước khi thành phố trở về “bình thường mới”, anh Long chậm rãi bước trên con đường Nguyễn Huệ và ngồi lại, rải thóc cho đàn chim bồ câu. Nhiếp ảnh gia Minh Hòa bắt gặp đúng khoảnh khắc đặc biệt ấy và ghi lại trong một tấm ảnh ấn tượng, họ cùng kết bạn Facebook với nhau... Sài Gòn luôn hào sảng, thân tình với tất cả, dẫu trong giông bão hay tới ngày thành phố trở lại bình yên. Chắc chắn ngày rời xa, anh và những đồng nghiệp chi viện chống dịch sẽ rất nhớ nơi này. Thương, và yêu lắm Sài Gòn ơi...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.