Việt Nam đối mặt với những khó khăn nào khi tổ chức SEA Games 31?

22/10/2021 08:57 GMT+7

Việt Nam dự kiến dời SEA Games 31 từ tháng 11.2021 sang tháng 5.2022. Thời gian chuẩn bị còn khoảng hơn nửa năm nhưng đến thời điểm này, ban tổ chức đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, trong đó đáng lo nhất nằm ở vấn đề kinh phí.

Vẫn chưa có tiền, chưa xác định được thời gian cụ thể

Tính từ tháng 11.2020 đến nay, Ban tổ chức (BTC) SEA Games 31 đã có một vài cuộc họp với Bộ Tài chính để bàn về các phương án liên quan nguồn kinh phí phục vụ đại hội. Do tác động nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19 nên BTC đã chủ động cắt giảm nhiều khoản và đã được Bộ Tài chính thẩm định, đồng ý với tổng chi phục vụ SEA Games 31 là gần 1.700 tỉ đồng từ ngân sách T.Ư, bao gồm hai hạng mục là cải tạo cơ sở vật chất và công tác tổ chức. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau mà khoản tiền này vẫn chưa được giải ngân. Theo ông Trần Đức Phấn, Phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT, tiến độ chuẩn bị cho SEA Games 31 gặp rất nhiều vướng mắc, nhiều công việc bị chậm so với kế hoạch đã đề ra. Các địa phương vệ tinh thời gian qua đều phải tập trung chống dịch. Kinh phí tổ chức SEA Games 31 chưa được phân bổ nên không có nguồn lực để triển khai các công tác chuẩn bị đại hội.

12.000 khán giả cần 3 điều kiện để vào Mỹ Đình xem tuyển Việt Nam thi đấu

Đặc biệt, lần đầu tiên những khó khăn liên quan SEA Games 31 được báo cáo tại Quốc hội thông qua văn bản của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội. Ủy ban này cho biết: “Dịch bệnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến công tác chuẩn bị tổ chức SEA Games 31 và Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á - Paragames 11, nhiều công việc bị chậm tiến độ do thực hiện phong tỏa, giãn cách; kinh phí chi thường xuyên phục vụ công tác tổ chức chưa được cấp và còn đang chờ phương án lùi thời điểm tổ chức”. Tại phiên họp, Văn phòng Hội đồng thể thao Đông Nam Á được tổ chức trực tuyến mới đây, phía Việt Nam đã thông báo được Chính phủ cho phép lùi SEA Games 31 đến tháng 5.2022 nhưng mốc thời gian cụ thể như thế nào vẫn còn phải chờ.

Lãnh đạo ngành thể thao chia sẻ: “Từ nay đến cuối năm, BTC sẽ cố gắng tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị tổ chức SEA Games 31. Cần có thêm 2 cuộc làm việc quan trọng, thứ nhất là làm việc với Bộ Tài chính sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự toán kinh phí chuẩn bị và tổ chức SEA Games 31. Thứ hai là làm việc với Bộ Y tế về vấn đề đảm bảo an toàn phòng chống dịch”. Ngành thể thao cũng đã có văn bản xin phép Chính phủ không đăng cai Paragames 11 vì không có kinh phí.

Dàn đèn sân Mỹ Đình xuống cấp nghiêm trọng đang chờ cải tạo phục vụ SEA Games 31

CAO OANH

Không dễ để bong bóng khép kín cho hơn 25.000 người

Công tác tổ chức SEA Games 31 sẽ vấp phải một khó khăn cực lớn là làm thế nào để có đủ nguồn lực nhằm đảm bảo an toàn y tế cho 25.000 người tham gia trực tiếp và gián tiếp tại đại hội. Toàn bộ quy trình tổ chức bắt buộc phải tuân thủ theo yêu cầu của Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế là quy trình khép kín. Xin được đưa ra các con số kèm theo. Lực lượng các đoàn vào khoảng hơn 10.000 người (trưởng đoàn, cán bộ, HLV, VĐV); quan chức thể thao quốc tế, khách mời vào khoảng 300 người; trọng tài, giám sát khoảng 2.300 người; nhân viên tình nguyện và phục vụ tổ chức thi đấu khoảng 4.300 người; BTC các môn thi, ban chỉ đạo, các tiểu ban ở T.Ư và địa phương: khoảng 1.400; phóng viên 1.500 người. Chưa kể lực lượng công an, quân đội tham gia bảo vệ đại hội. Trong điều kiện y tế bình thường (không có Covid-19), việc tổ chức sẽ đỡ vất vả hơn rất nhiều nhưng trong bối cảnh dịch bệnh, tất cả nhân sự nói trên phải ở trong “bong bóng” suốt thời gian diễn ra đại hội.

Một quan chức ngành thể thao bày tỏ lo lắng: “BTC sẽ phải tiến hành xét nghiệm Covid-19 mỗi ngày cho các đoàn và các đối tượng khác liên quan đến đại hội. Kinh phí chắc chắn sẽ phát sinh. Và liệu Việt Nam có đủ nhân lực y tế để thực hiện công tác xét nghiệm. Quy trình bong bóng không chỉ ở Hà Nội là địa phương đăng cai chính mà còn ở 9 địa phương lân cận khác và phải liên thông với nhau. Đặc thù của Việt Nam là tổ chức SEA Games không có làng VĐV mà bố trí cho các đoàn ở khách sạn. Nghĩa là quy trình bong bóng còn phải được thực hiện đối với nhân viên khách sạn. Chỉ cần vỡ bong bóng ở đâu đó, có thể dẫn đến sự cố khôn lường cho toàn bộ đại hội.

Tại Olympic Tokyo 2020, ban tổ chức bố trí cho các đoàn thể thao ở tại làng VĐV. Trong ảnh: xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tập nhẹ tại làng VĐV

THU SÂM

Có thể có người so sánh với Olympic tại Nhật Bản là tại sao họ tổ chức thành công. Trước hết, Nhật Bản tổ chức khép kín trong làng VĐV, không bố trí ở tại khách sạn. Vậy mà trong quá trình tổ chức vẫn xảy ra lây nhiễm Covid-19. BTC của ASIAD 19 tại Hàng Châu ((Trung Quốc)) vào tháng 9.2022 cũng xây dựng 3 làng khác nhau, gồm làng VĐV, làng báo chí, làng dành cho các quan chức kỹ thuật. BTC rất âu lo là suốt thời gian do Bộ Y tế còn đang rất bận phòng chống dịch bệnh nên chưa thể bố trí một cuộc họp nào với BTC để bàn kế hoạch triển khai các biện pháp y tế - vốn là kế hoạch quan trọng bậc nhất trong bối cảnh Covid-19 còn phức tạp (lãnh đạo Bộ Y tế được giao cương vị Trưởng tiểu ban Y tế và kiểm tra doping của SEA Games 31 - PV). Chúng tôi rất muốn sớm làm việc với Bộ Y tế về việc xây dựng bổ sung một số phương án về phòng chống dịch cho đại hội”.

Nếu Việt Nam vẫn giữ kế hoạch đăng cai SEA Games 31 vào tháng 5.2022 thì việc thể thao Việt Nam trong cùng 1 năm tham dự 2 đại hội thể thao lớn là SEA Games 31 và sau đó là ASIAD 19 vào tháng 9, có thể khiến các đội tuyển thể thao Việt Nam rơi vào tình trạng quá tải. Việc tập luyện của các đội tuyển trong suốt thời gian qua bị ảnh hưởng lớn bởi Covid-19, không thể đi tập huấn hay thi đấu nước ngoài để nâng cao trình độ, nay lại phải gồng gánh 2 nhiệm vụ nặng nề, có thể sẽ khiến thành tích không cao. Ban huấn luyện sẽ phải tính toán để các VĐV đạt điểm rơi phong độ vào hai thời điểm gần nhau. Ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Ủy ban TDTT (tên gọi cũ của Tổng cục TDTT), từng chia sẻ không phải ngẫu nhiên mà thể thao quốc tế phân định 2 năm/lần tổ chức SEA Games và 4 năm/lần tổ chức ASIAD, Olympic. Nếu thi đấu 2 đại hội lớn liên tục, sẽ ảnh hưởng đến chu kỳ tập luyện, chuẩn bị của các VĐV. Vì thế, ông Minh từng đề xuất về việc Việt Nam hủy việc đăng cai SEA Games 31.

Trao đổi với Báo Thanh Niên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc tổ chức SEA Games 31 là chủ trương của Bộ Chính trị. Khi đã quyết định tổ chức thì đã có nguồn ngân sách để bố trí rồi. Hiện tại vẫn chưa có quyết định không tổ chức mà chỉ lùi thời điểm tổ chức. Bộ Tài chính sẽ vẫn theo tinh thần của chủ trương đó, chúng ta đã có nguồn ngân sách để tổ chức SEA Games 31, không phải vì Covid-19 mà không tổ chức được. Nhật Duy - Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.