Chưa rõ thương lái thu mua sâu ban miêu vì mục đích gì
Ngày 9.9, tin từ UBND H.Đắk Đoa (Gia Lai) cho biết: Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp H.Đắk Đoa vừa có văn bản cảnh báo về việc bắt, thu gom sâu ban miêu (bọ 3 sọc, bọ ban miêu khoang vàng...) trên địa bàn huyện này.
Theo đó, người dân trên địa bàn xã Đắk Sơ Mei và Hà Đông (H.Đắk Đoa) đang tìm bắt, thu gom sâu ban miêu để bán cho thương lái với giá cao bất thường.
Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp H.Đắk Đoa sau khi tiến hành kiểm tra thực tế việc bắt, thu gom sâu ban miêu trên địa bàn xã Đắk Sơ Mei, và cho thấy: Người dân trên địa bàn các xã này đang tìm bắt và thu gom sâu ban miêu để bán cho các cửa hàng tạp hóa với giá từ 1,5 đến 1,7 triệu đồng/kg. Hiện chưa rõ thương lái thu mua với mục đích gì.
Nhiều người dân đã đổ xô đi săn lùng, trong đó có cả trẻ em. Đã có một số trường hợp bị rộp da do quá trình trao đổi, mua bán sâu ban miêu.
Các chuyên gia chống độc cũng đề xuất cơ quan quản lý và chính quyền địa phương cần quan tâm, theo dõi và giám sát chặt chẽ hoạt động thu gom, vận chuyển loại sinh vật cực kỳ độc hại này. Vì chỉ cần một con sâu ban miêu đã đủ gây nhiễm độc nặng, khi thu gom nhiều con một chỗ thì đó thực sự là nguy cơ nghiêm trọng với sức khỏe của nhiều người xung quanh.
|
|
Từng ồ ạt thu gom sâu cực độc ở Kon Tum
Trước đó, tại các huyện: Đắk Glei, Ngọc Hồi, Đắk Hà, Đắk Tô (Kon Tum), nhiều người đổ xô đi bắt loài sâu ban miêu để bán với giá hàng triệu đồng. Nhiều trẻ em bắt sâu ban miêu bán, bị độc tố của loài này gây phỏng da, phải đến bệnh viện điều trị.
Sau khi Báo Thanh Niên phản ánh tình trạng bất thường đó, Sở NN-PTNT Kon Tum đã ban hành công văn gửi Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố để hướng dẫn các địa phương nhận diện, điều tra nắm tình hình và công tác quản lý việc thu mua sâu ban miêu.
UBND các huyện, thành phố cũng đã chỉ đạo các ngành chức năng và UBND các xã, thị trấn kiểm tra, theo dõi tình hình bọ ban miêu trên cây trồng, tình hình người dân đi bắt bọ và hoạt động thu mua bọ trên địa bàn.
Chiều 7.9, trao đổi với Thanh Niên, ông Phạm Văn Lập, Chánh văn phòng UBND H.Đắk Hà (Kon Tum) cho biết, ngay sau khi nhận được công văn của Sở NN-PTNT, UBND huyện đã có văn bản yêu cầu các xã, thị trấn siết chặt quản lý việc thương lái thu mua sâu ban miêu. Bên cạnh đó cử các cán bộ đến các bản làng vận động, tuyên truyền người dân không săn bắt, thu mua sâu ban miêu, tránh bị lừa đảo và ảnh hưởng tới sức khỏe.
Theo Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Kon Tum, theo Nghị định 31/2016/NĐ-CP, hành vi phát tán, nhân nuôi sâu ban miêu sẽ bị xử phạt từ 3 - 6 triệu đồng.
|
|
Thế giới cho tới nay chưa có phác đồ điều trị hiệu quảTheo Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), các ca nhiễm độc sâu (bọ) ban miêu không nhiều nhưng rất nặng, tỷ lệ tử vong rất cao và gây khó khăn cho hầu hết các bác sĩ cấp cứu khi tiếp xúc với loại ngộ độc này.
Độc tố tự nhiên có trong sâu ban miêu là chất rất độc, khi vào cơ thể gây nhiễm độc, hủy hoại các tổ chức, cơ quan như: dạ dày, ruột, cơ, gan, thận, máu…
Ths-BS Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, cho biết các năm gần đây trung tâm tiếp nhận khoảng 10 trường hợp ngộ độc sâu ban miêu, đều nhập viện với mức độ rất nặng, tỷ lệ tử vong cao. Bệnh nhân ngộ độc sâu ban miêu được cứu sống thường kèm theo nhiều biến chứng như suy thận, viêm phổi, viêm gan...
Trên thế giới cho tới nay chưa có phác đồ điều trị hiệu quả cao với loại ngộ độc từ sâu ban miêu.
Nam Sơn
|
Bình luận (0)