Quá tải vì công việc dồn dập cuối năm, cách nào để giảm căng thẳng?

Thảo Phương
Thảo Phương
06/12/2024 16:35 GMT+7

Cuối năm luôn là thời điểm mà khối lượng công việc tăng cao, nhiều người phải cố gắng làm hết năng suất. Khi đối mặt với lượng công việc quá tải thì khó có thể tránh được những áp lực, căng thẳng.

Áp lực, căng thẳng vì công việc cuối năm

Nói về những áp lực, căng thẳng trong công việc mỗi dịp cuối năm của người trẻ, thạc sĩ tâm lý Trần Văn Toản, giảng viên, chuyên gia tâm lý tại Trung tâm đào tạo và chăm sóc tinh thần Ý Tưởng Việt, cho biết nguyên nhân chủ yếu đến từ 3 nhóm chính. Đầu tiên là căng thẳng do khối lượng công việc gia tăng vào dịp cuối năm. Thứ hai là do áp lực tài chính khi các khoản chi tiêu tăng cao vào cuối năm. Cuối cùng là căng thẳng do kỳ vọng của gia đình về năng lực kinh tế và thành tựu. Mỗi giờ làm việc sẽ trở nên căng thẳng, sự mệt mỏi không chỉ đơn thuần là về thể chất mà còn kiệt quệ của tinh thần. Đây chính là lý do tại sao cuối năm trở thành giai đoạn áp lực nhất đối với những người trẻ đang khát khao xây dựng sự nghiệp.

Quá tải vì công việc dồn dập cuối năm, cách nào để giảm căng thẳng?- Ảnh 1.

Quang Thiện đau đầu vì khối lượng công việc tăng cao vào cuối năm

ẢNH: NVCC

Đang bị quá tải vì khối lượng công việc tăng cao, Nguyễn Linh Anh (23 tuổi), làm việc tại một ngân hàng trên đường Điện Biên Phủ, Q.Thanh Khê (TP.Đà Nẵng), chia sẻ: “Mình làm việc trong ngành tài chính nên thời điểm cuối năm sẽ là giai đoạn cao điểm nhất vì nhu cầu của khách hàng tăng cao. Thường sẽ bắt đầu từ cuối tháng 9 cho đến hết năm là lúc mình phải làm việc cật lực nhất”.

Linh Anh cho biết doanh số được giao khá cao nên phải cố gắng hết sức để đạt KPI vì năng lực của bản thân đều được thể hiện và đánh giá thông qua con số. “Vào thời điểm cuối năm khối lượng công việc rất nhiều, bên cạnh đó mình còn phải xử lý những thứ phát sinh ngoài ý muốn. Thông thường giờ làm việc của mình là từ 8 - 17 giờ, nhưng thời điểm cuối năm đều phải đi sớm về muộn để bàn giao hồ sơ, xử lý bớt công việc tồn đọng nên có nhiều hôm 20 giờ mới về tới nhà. Hôm nào được về sớm thì lại có vấn đề phát sinh phải quay lại văn phòng”, Linh Anh chia sẻ.

Không chỉ đi sớm về muộn mà Linh Anh còn cho biết có những ngày cuối tuần cũng phải đi gặp khách hàng, song về nhà ngồi làm hồ sơ đến tận khuya. “Thời điểm này có thể nói mình dành toàn bộ thời gian cho công việc, chạy... deadline đến sụt cả cân nặng, không có thời gian nấu ăn, nghỉ ngơi, chăm sóc bản thân hay gặp gỡ bạn bè”, Linh Anh tâm sự.

Tương tự như Linh Anh, Vũ Quang Thiện (25 tuổi), làm việc trên đường Lý Chính Thắng, P.9, Q.3 (TP.HCM), chia sẻ cũng đau đầu vì khối lượng công việc tăng cường vào cuối năm. “Cao điểm nhất là mình phải làm việc 12 tiếng đồng hồ/ngày. Điều này thường rơi vào các ngày thứ hai, thứ ba và thứ sáu. Vì tính chất công việc của mình là quản lý, tìm kiếm khách hàng và làm việc với đối tác nên thời gian sẽ linh động. Buổi sáng ngồi tại văn phòng, chiều đi sự kiện còn tối thì gặp gỡ, tiếp khách hàng”, Thiện cho biết.

Mục tiêu của chàng trai 9X từ bây giờ đến hết năm là phải tận dụng mọi nguồn lực có sẵn để đạt đủ chỉ tiêu mình đã đặt ra cho từng mảng kinh doanh. Thiện tâm sự: “Có những ngày khi rời văn phòng, về nhà mình chỉ ngồi và suy nghĩ mãi không thoát ra được, đến tối khuya cũng không thể ngủ được. Lý do là vì có quá nhiều mối bận tâm, sợ khách hàng phàn nàn, cộng sự áp lực và rời đi hay lo không đủ doanh số. Tuy nhiên, qua ngày hôm sau vẫn phải lấy lại tinh thần để tiếp tục với guồng quay công việc”.

Cách để giảm căng thẳng khi chạy... deadline cuối năm

Để không bị đuối sức hay stress khi công việc dồn nhiều vào cuối năm, thạc sĩ Toản cho biết cần biết cách quản lý thời gian và sắp xếp lại công việc. “Hãy rà soát và đánh giá lại toàn bộ đầu việc đang làm, phân loại và sắp xếp thứ tự ưu tiên cho chúng. Loại bỏ những việc không thực sự cần thiết để tập trung vào mục tiêu cuối năm. Đồng thời, cần tập trung vào những công việc quan trọng hơn và tránh xao nhãng. Bên cạnh đó cần quản lý năng lượng bản thân từ việc đảm bảo dinh dưỡng, nghỉ ngơi, duy trì giấc ngủ đến giải trí và tái tạo năng lượng sau mỗi ngày làm việc”, anh Toản chia sẻ.

Quá tải vì công việc dồn dập cuối năm, cách nào để giảm căng thẳng?- Ảnh 2.

Làm thế nào để không bị kiệt sức khi chạy... deadline cuối năm?

ẢNH: THẢO PHƯƠNG

Vị chuyên gia này cũng cho biết thời điểm cuối năm, đa số ai cũng đang tất bật với mớ... deadline và việc rơi vào trạng thái stress chỉ khiến mọi việc thêm rối. Do đó, hãy xem áp lực là điều bình thường, thay vì né tránh, thì đối diện với nó bằng một thái độ tích cực.

“Cứ chia sẻ với người thân, bạn bè để được an ủi và tiếp thêm động lực. Để xả stress, chúng ta có thể thử những cách đơn giản như: thiền, tập thở, nghe nhạc, dành thời gian cho những sở thích cá nhân. Đừng ngại nhờ sự giúp đỡ của đồng nghiệp hay cấp trên khi cần thiết. Một mình chịu áp lực chẳng những làm cho căng thẳng trở nên trầm trọng hơn mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả công việc, lợi ích chung của tập thể”, thạc sĩ Toản cho hay.

Khi khối lượng công việc tăng cao, không ít người bỏ bê bản thân vì lao đầu vào làm việc. Để có thể cân bằng được công việc với cuộc sống cá nhân, thạc sĩ Toản đưa ra lời khuyên: “Chúng ta cần nhận diện rõ những gì đang làm mình căng thẳng. Có phải do công việc quá nhiều, hay vì những mối quan hệ xung quanh? Khi đã xác định được nguyên nhân sẽ dễ dàng tìm ra giải pháp. Nếu là do công việc, thì tập trung xử lý bằng cách lên kế hoạch cụ thể, ưu tiên những việc quan trọng nhất và giải quyết từng cái một. Mỗi người có một cuộc sống khác nhau, hãy tập trung vào những gì mình có. Không nhất thiết phải cân bằng hoàn hảo mọi lúc mọi nơi hay phải theo một quy chuẩn đề huề, điều quan trọng là tìm thấy sự cân bằng tương đối với bản thân”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.