Sáng 20.5, theo ghi nhận của PV Thanh Niên lực lượng chức năng đã lập hàng rào chắn để phong tỏa hẻm 287 Nguyễn Đình Chiểu (P.5, Q.3, TP.HCM) để ngăn người dân ra vào. Bên trong con hẻm, lực lượng chức năng tiến hành lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Ca nghi nhiễm Covid-19 ngụ hẻm trên là bà Đ.T.T (58 tuổi) làm nghề bán quán ăn.
Vừa dọn hàng ra thì dọn vào
Vì gần chợ nên khu vực này nhộn nhịp và có nhiều hàng quán, theo lời người dân sinh sống xung quanh đây, hằng ngày ở đây tấp nập người ra vào để ăn uống.
Vừa dọn cơm ra chuẩn bị bán trước hẻm 287 Nguyễn Đình Chiểu như thường ngày, bà Triệu Thị Thanh (ngụ Q.3, TP.HCM) bất ngờ khi được lực lượng chức năng không cho phép bán tiếp vì hẻm bị phong tỏa do có ca nhiễm Covid-19.
|
|
Để tiếp tục bán nốt số cơm đã chuẩn bị, bà Thanh chuyển hàng qua trước con hẻm 416 Nguyễn Đình Chiểu đối diện phía bên kia đường. Tuy nhiên chỉ mới bán được vài phần thì phải dọn hết. Thấy vậy, nhiều người dân sinh sống xung quanh đến mua cơm giúp và xúm nhau bán cơm giúp bà.
Tay múc canh vào bịch, bà Sáu (ngụ Q.3, TP.HCM) thở dài: “Trời ơi, mới dọn hàng ra đã bán được gì đâu, nó lỗ nặng lắm đó, mình mua cơm cho nó bớt đi vài phần”.
|
Bận rộn dọn dẹp hàng quán, khi được hỏi về việc phải dọn hàng vào, bà Thanh mắt đỏ hoe, chia sẻ nhà bà ở trong hẻm 416 Nguyễn Đình Chiểu nên đẩy hàng bán cơm gần nhà. Chồng phụ bà bán. Đây là nguồn thu nhập chính của cả gia đình.
Hằng ngày, bà Thanh sẽ dọn hàng vào 10 giờ 30 phút để bán cơm trưa, mỗi phần cơm giá 27.000 đồng. “Bán quán cơm thôi mà giờ cũng không bán được, cơm và đồ ăn thì cũng đã chuẩn bị hết rồi, không bán thì cũng lỗ mấy triệu. Nay đẩy hàng ra thì thấy người ta rào lại phong tỏa chứ mình cũng có biết chuyện gì đâu, mà cứ chấp hành phong dịch trước đã, số cơm này chiều chắc chiều đem đi cho từ thiện hết chứ giờ ăn cũng không hết”, bà nói.
“Mong hết dịch còn buôn bán”
Bán quán ăn gần hẻm bị phong tỏa, bà Nguyễn Thị Liên (45 tuổi) cho biết vô cùng bất ngờ khi biết tin hẻm bị phong tỏa. Bà kể lại buổi sáng khi thấy lực lượng chức năng tập trung đông thì chỉ nghĩ là đến để dẹp hàng quán buôn bán lề đường. Sau khi thấy người dân bàn tán xôn xao thì mới hay tin có người nhiễm Covid-19 nên phong tỏa con hẻm.
“Quá bất ngờ, nghe tin phong tỏa nhiều nơi nhưng không ngờ nay lại sát bên quán của mình. Gần chợ mà, hẻm đó thường ngày đông đúc lắm nhất là vào buổi sáng có khi đông nghẹt, còn buổi chiều có vài người bán quán ăn thôi”, bà nói.
|
Bà cũng cho biết ai cũng lo lắng vì cuộc sống đang yên ổn. Tuy vẫn còn được buôn bán bình thường nhưng bà khá lo lắng vì từ sáng không bán được. Thường ngày, quán bà Liên khách ra vào liên tục nhưng từ khi hẻm bị phong tỏa không có ai ghé quán để ăn mà chỉ có vài người đến mua mang về.
|
“Nhà tôi ai cũng mang khẩu trang, từ khi dịch bùng phát thì tôi cũng đã đeo khẩu trang rồi vì cũng bán hàng quán tiếp xúc với nhiều người. Nói chung là mình cũng phải tự bảo vệ mình trước thì mới nghĩ cho người khác được vì mình bị thì người khác cũng bị lây mà”, bà chia sẻ.
Một người dân khác bán dừa trước hẻm kế bên hẻm 287 Nguyễn Đình Chiểu cho biết từ sáng người dân ở xung quanh khu vực đã bàn tán xôn xao về việc con hẻm bị phong tỏa do có ca nhiễm Covid-19. Chị thông tin thêm, hẻm bị phong tỏa thường ngày rất đông đúc.
“Nghe nói hình như là nhà bà bán quán trong hẻm, mình thì không liên quan gì đến con hẻm đó nhưng cũng sợ, cũng may là trước giờ mình cũng đeo khẩu trang đầy đủ. Mong là tình hình sớm ổn định lại để còn buôn bán nữa”, chị bày tỏ.
Bình luận (0)