Quán lẩu chay 'không tên' và ông chủ trẻ làng đại học

08/04/2021 10:03 GMT+7

'Không còn là đứa con được cưng chiều của bố mẹ, tôi trưởng thành hơn và dám đương đầu với những khó khăn để thực hiện đam mê của mình' là chia sẻ của Trần Lê Thanh Trí - chủ quán Lẩu chay 1998.

Biết nhau do sinh hoạt chung câu lạc bộ nhưng đến khi cùng tham gia chương trình thiện nguyện vào tháng 1.2021, Trần Lê Thanh Trí (19 tuổi, Lâm Đồng) và Trịnh Thành Đạt (23 tuổi, Phú Yên) nhận thấy sự tương đồng trong suy nghĩ, ấp ủ ước mơ mở một quán ăn nhỏ. Nói là làm, cả hai bắt tay để cho ra đời quán Lẩu chay 1998 tại làng đại học Thủ Đức (Khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM).

Sinh viên năm nhất thành ông chủ trong hai tuần

Nằm cách Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM (TP.Thủ Đức, TP.HCM) khoảng 500 m, quán lẩu chay có tên 1998 khiến chúng tôi ấn tượng bởi những “ông chủ” còn quá trẻ.
Thanh Trí cho biết ý định mở quán đã có từ lâu, nhưng thời gian từ khi chuẩn bị đến lúc quán khai trương diễn ra chỉ trong 2 tuần. Trong một lần tình cờ đi dạo quanh làng đại học, thấy mặt bằng cho thuê nên cả hai nhanh chóng bàn bạc và thống nhất thực hiện ngay.
Thành Đạt vẫn là người giữ vị trí nấu bếp chính với công việc nêm nếm. ẢNH: TRẦN THANH THẢO

Thành Đạt là "bếp trưởng"

ẢNH: TRẦN THANH THẢO

“Hai đứa lúc đó chưa kịp chuẩn bị gì ngoài số tiền tích góp được, nhưng nếu không bắt đầu ngay, sợ sẽ bỏ lỡ cơ hội tốt này”, Trí cho biết. Dù chỉ mới là sinh viên năm 1 của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nhưng Trí đã muốn thử sức ở lĩnh vực kinh doanh.
Chia sẻ về khó khăn, Thanh Trí bày tỏ: “Gia đình không ủng hộ khi biết tôi mở quán vì tuổi đời còn quá trẻ, bố mẹ sợ tôi sẽ cực, thua lỗ rồi ảnh hưởng việc học nhưng bản thân muốn học hỏi và trau dồi nhiều kỹ năng từ việc buôn bán nên tôi đã mất rất nhiều thời gian để thuyết phục bố mẹ”.
Thanh Trí cũng giúp các công việc tại quán sau giờ học. ẢNH: TRẦN THANH THẢO

Thanh Trí làm việc tại quán sau giờ học

ẢNH: TRẦN THANH THẢO

Tin lập nghiệp sớm sẽ giúp bản thân trưởng thành hơn, có thất bại cũng sẽ là bài học quý báu sau này, Thanh Trí luôn cố gắng cân bằng giữa việc học và chuyện quản lý quán ăn, từng bước thuyết phục bố mẹ bằng hành động và kết quả thực tế.
“Chọn nguyên liệu, trang trí quán, chi tiêu cho từng món đồ…, đều là lần đầu tiên tôi thử sức. Những ngày trước khi khai trương, chúng tôi ngủ vào lúc 2 giờ sáng và dậy vào 3 giờ rưỡi, sức lực gần như cạn kiệt nhưng vẫn quyết tâm để “đứa con” tinh thần ra đời hoàn hảo nhất”, Trí nói thêm.
Một điều nữa làm nhiều người ấn tượng có lẽ là con số “1998”, một đặc điểm nhận diện quán không nhầm lẫn với các quán lẩu chay khác. Nói về sự đặc biệt này, Trí chia sẻ: “Chúng tôi đã suy nghĩ nhiều cái tên nhưng không có nét riêng đặc sắc, nhận thấy trong làng chưa có quán ăn nào lấy tên là năm sinh nên chúng tôi quyết định chọn 1998 - năm sinh của người anh thân thiết với tôi. Vừa dễ nhớ, vừa có nét hoài niệm”.

Chàng trai 9X từ bỏ công việc văn phòng

Còn với Trịnh Thành Đạt, từ khi rời quê Phú Yên vào TP.HCM học tập đã tự làm đồ ăn bán online để học hỏi kinh nghiệm và trang trải chi phí cho cuộc sống . Đam mê buôn bán dần hình thành, dù mới là sinh viên năm 2 nhưng anh đã có ý định mở một quán ăn nhỏ, nhưng lúc đó điều kiện không cho phép nên đành chờ “thời cơ” khác.

Những nguyên liệu làm nên món lẩu chay thu hút người trẻ

ẢNH: TRẦN THANH THẢO

“Công việc văn phòng với mức lương đủ sống, mỗi ngày trôi qua êm đềm nhưng đó lại không phải đam mê của tôi. Tôi muốn thử sức với những điều khó khăn, muốn dùng tuổi trẻ của mình để sống cho đam mê này, dù có thất bại cũng không hối tiếc”, anh chia sẻ.
Số tiền thuê mặt bằng, mua dụng cụ, bàn ghế… được Đạt và Trí tích góp từ lâu, và vay thêm từ những người bạn thân thiết. Khó khăn đầu tiên được giải quyết, cả hai lại nhận thấy bản thân vẫn chưa có kinh nghiệm trong việc quản lý quán ăn, đến trước ngày khai trương, món lẩu vẫn chưa xuất sắc như mong đợi.
“Lúc đó bản thân khá buồn nhưng nhận được sự động viên từ bạn bè nên tôi càng cố gắng hơn, dù không thể có món lẩu hoàn hảo nhưng chỉn chu và chất lượng tốt nhất trong khả năng của mình là được”, Đạt chia sẻ.
Nói về lý do chọn lẩu chay là món chính, Đạt cho biết cả hai đều có sở thích dùng đồ chay, vừa có sức khỏe, tâm an tịnh và hơn hết, chi phí cho nồi lẩu chay chỉ 35.000 đồng nên phù hợp với túi tiền sinh viên.
Nhiều bạn trẻ trở thành khách hàng thân thiết tại quán này. ẢNH: TRẦN THANH THẢO

Nhiều bạn trẻ trở thành khách hàng thân thiết tại quán này

ẢNH: TRẦN THANH THẢO

Nguyên liệu được mua ở chợ đầu mối vào mỗi sáng để đảm bảo độ tươi ngon, công đoạn chế biến được cả hai chú trọng rất nhiều, vì theo Đạt, ít lợi nhuận hơn nhưng có thể phục vụ tốt nhất cho sinh viên, nhận được những lời khen và ủng hộ lâu dài từ các bạn là quán đã thành công.
Phạm Thanh Loan (sinh viên năm 1, ngành truyền thông đa phương tiện, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) nhận xét: “Điều đặc biệt ở lẩu chay 1998 là nước dùng ngọt thanh, dùng lâu vẫn không mặn như những chỗ khác. Ngoài ra, không gian thoáng mát, nhân viên và 2 “ông chủ trẻ” quá thân thiện nên mình khá hài lòng về quán”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.