Chuyện người phụ nữ ở Đồng Nai xin đổi tên vì tên quá dài, nhưng bị từ chối hay vụ 5 lần đi lại không làm xong giấy khai sinh cho con ở Cà Mau, cũng giống chuyện bị gây khó dễ khi làm khai tử ở Hà Nội chỉ là một số trong vô vàn những phiền hà người dân gặp phải khi đi làm các thủ tục liên quan đến hộ tịch.
Triết lý chuyển từ tư duy quản lý sang phục vụ để nhân dân thực hiện các quyền của mình theo Hiến pháp khi xây dựng luật Hộ tịch năm 2014, có vẻ chưa “thấm” đến cấp cơ sở.
Lấy ví dụ trường hợp người phụ nữ xin đổi tên ở Đồng Nai, nếu theo đúng điều 28 bộ luật Dân sự, điều 36 Nghị định số 158 của Chính phủ thì thủ tục xin đổi tên này chỉ mất 5 ngày làm việc, với thủ tục đơn giản tại phòng tư pháp cấp huyện.
Thế nhưng xử lý của UBND H.Nhơn Trạch (trước là từ chối, sau khi báo chí gây sức ép dư luận lại đồng ý) cho thấy các thủ tục về hộ tịch vẫn nặng về hành chính, hướng đến tạo thuận lợi cho cơ quan nhà nước mà chưa tạo thuận lợi cho người dân. Không một người bình thường, trưởng thành nào tự nhiên vô cớ đến cơ quan chính quyền đề nghị “đổi tên”, nếu họ không vì lý do cá nhân. Dù các tình huống pháp lý sau đổi tên là phức tạp thì trách nhiệm của cơ quan nhà nước là bảo đảm quyền chính đáng của công dân được thực hiện.
Người viết chưa có điều kiện để thống kê xem, sau khi có luật Hộ tịch năm 2014, việc làm các thủ tục đăng ký hộ tịch đơn giản được bao nhiêu phần trăm, so với nó từng được quy định tại 300 điều khoản thuộc nhiều nghị định, thông tư hướng dẫn như trước khi có luật.
Nhưng với thực tế vào sổ, lưu trữ dữ liệu hộ tịch theo phương pháp thủ công như hiện nay, e rằng các thủ tục sẽ chưa giảm được bao nhiêu, bởi khả năng tra cứu của các cơ quan quản lý là vô cùng hạn chế. Nó phụ thuộc nhiều vào việc yêu cầu người dân phải xuất trình rất nhiều giấy tờ, văn bản gốc (nên chuyện người dân phải đi lại nhiều lần khi giao tiếp với chính quyền để thực hiện các thủ tục là đương nhiên).
Do không đủ công cụ để bảo đảm công tác quản lý, nên các cơ quan chính quyền có xu hướng càng hạn chế cung cấp dịch vụ càng tốt (từ chối đổi tên là một ví dụ). Trong khi “phục vụ” người dân mới là mục đích, “quản lý” chỉ là công cụ thì các cấp chính quyền có xu hướng tư duy ngược lại.
Theo báo cáo của Sở Tư pháp Hà Nội, riêng Hà Nội, mỗi năm cải chính hộ tịch cho khoảng hơn 1.000 trường hợp, có nghĩa nhu cầu của người dân không nhỏ. Nếu như cùng với việc đơn giản thủ tục trong quy định luật pháp, các cơ quan chức năng không kịp thời thay đổi tư duy, nặng phần quản lý, nhẹ phần phục vụ sẽ không tránh khỏi gây ra những bức xúc xã hội.
Bình luận (0)