Quản lý sao nhí không phải là 'giữ tiền'!

15/06/2021 06:16 GMT+7

Những lùm xùm gần đây giữa ca sĩ Phi Nhung và con nuôi - quán quân Thần tượng âm nhạc nhí 2016 Hồ Văn Cường khiến khán giả không khỏi băn khoăn với hàng loạt câu hỏi đặt ra, cùng với đó là những e ngại liên quan đến việc quản lý các tài năng nhí trong showbiz hiện nay.

Sau khi giành chiến thắng cuộc thi Vietnam Idol Kids (Thần tượng âm nhạc nhí) 2016, Hồ Văn Cường - cậu bé 13 tuổi, sinh ra trong gia đình nghèo khó ở Tiền Giang, đã được ca sĩ Phi Nhung nhận làm con nuôi. Khi đó, nữ ca sĩ cho biết cô muốn bảo trợ cho giọng ca nhí ăn học đến năm 18 tuổi cũng như định hướng nghệ thuật cho cậu. Khi xảy ra lùm xùm, người quản lý của Hồ Văn Cường cũng là người nhận được sự ủy thác của ca sĩ Phi Nhung đã khiến công chúng ngỡ ngàng khi chia sẻ với báo giới về việc giữ toàn bộ tiền cát sê của Hồ Văn Cường trong những năm qua cũng như tiền thưởng 200 triệu đồng của cuộc thi Vietnam Idol Kids cách đây 5 năm. Lý do là tiền cát sê của Cường được dùng cho việc học tại trường quốc tế của em. Nói như vậy, có thể hiểu Cường đang tự nuôi mình ăn học.
Người ngoài cuộc không thể biết giữa Hồ Văn Cường và người quản lý có bản hợp đồng nào về việc quản lý định hướng con đường âm nhạc cũng như tài chính hay không, hay chỉ là sự trao đổi miệng dựa trên mối quan hệ giữa Cường và mẹ nuôi Phi Nhung. Nhưng rõ ràng, Cường đã đổ mồ hôi trên sân khấu để có được những khoản tiền này, trong khi bố mẹ cậu cho báo giới biết là họ vẫn chưa nhận mà nhờ người quản lý “giữ giúp” trong suốt những năm qua (!).
Lâu nay, trong showbiz đã có những tài năng nhí được những nghệ sĩ nhận làm con nuôi. Nhưng thực tế, đó chỉ là mối quan hệ tình cảm cá nhân, còn để quản lý những tài năng nhí rõ ràng cần phải có sự chuyên nghiệp.

Hồ Văn Cường cùng cha mẹ ruột tố fan cấu kết với IT công kích Phi Nhung

Cần phải rõ ràng tiền bạc

Theo phân tích của một luật sư thuộc Đoàn luật sư TP.HCM, đối với trẻ em - ở đây là tài năng nhí đang được khai thác sức lao động, nếu không phải là con/em ruột thì người nhận giúp đỡ/quản lý sẽ phải lập hợp đồng, văn bản thỏa thuận, trong đó phải thể hiện đầy đủ 2 phần. Một, về nội dung: hợp đồng phải nêu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của hai bên; kế hoạch phát triển tài năng và bồi dưỡng văn hóa, các ngành học cho các em như thế nào, phân chia tiền bạc ra sao. Hai, về hình thức: phải có người giám hộ của các em (cha, mẹ) thay các em ký các hợp đồng này (nếu các em là trẻ vị thành niên). Luật sư cũng nói thêm: “Ngoài ra, trong trường hợp này, người giám hộ và sử dụng lao động trẻ em phải tuân thủ Thông tư 09/2020 của Bộ LĐ-TB-XH về lao động chưa thành niên”. Theo đó, Thông tư 09/2020 nêu rõ: hợp đồng lao động đối với người chưa đủ 13 tuổi chỉ có hiệu lực sau khi có văn bản đồng ý của Sở LĐ-TB-XH.

Quán quân Giọng hát Việt nhí 2016 Trịnh Nhật Minh thường xuất hiện trên những sân khấu chuyên nghiệp

Ảnh: T.L

Đăng quang chương trình Đồ Rê Mí năm 2013, trở thành quán quân Giọng hát Việt nhí 2016, Trịnh Nhật Minh thường xuất hiện trên những sân khấu chuyên nghiệp, chương trình truyền hình lớn hay những hoạt động xã hội... Đường hướng phát triển nghệ thuật mà Trịnh Nhật Minh đang đi theo là điều mà nhiều tài năng nhí hiện nay cần có. Mặc dù có 2 công ty nhận quản lý cho Trịnh Nhật Minh, nhưng hiện tại gia đình vẫn đứng ra để quản lý chủ yếu những hoạt động của cậu. “Chúng tôi chọn lọc sự kiện để con tham gia, chứ không phải chỗ nào cũng nhận lời. Việc quan trọng với con bây giờ là tiếp tục học tập, trong đó có việc học âm nhạc để con duy trì được khả năng của mình và sau này có thể tỏa sáng hơn nữa. Chúng tôi muốn con có sự phát triển vững chắc để đi đường dài, nên luôn lựa chọn hướng đi an toàn cho con”, ông Trịnh Nam Cường, bố của Trịnh Nhật Minh, đồng thời cũng là quản lý của em, chia sẻ.
Thực tế về vấn đề quản lý, sử dụng các tài năng nhí hay tài năng nghệ thuật giải trí nói chung, ông Hoàng Tuấn - Giám đốc H.T Production, cũng là người quản lý ca sĩ Đan Trường, Trung Quang, cho biết: “Chúng tôi không làm hợp đồng vẫn làm việc cùng nhau bao nhiêu năm nay. Quan trọng là phải rõ ràng tiền bạc. Cứ diễn xong một đợt 2 - 3 ngày hay 1 tuần, 10 ngày là phải quyết toán, ký nhận; việc lấy tiền hay để lại/gửi tiết kiệm giùm (đứng tên ca sĩ) cũng phải đâu ra đó. Phải sòng phẳng về tiền bạc mới bền được”.
Ông Hoàng Tuấn cho biết thêm sau này, các đơn vị/công ty quản lý nghệ sĩ thường làm theo hợp đồng với nhiều hình thức, nội dung khác nhau. “Hợp đồng là ràng buộc pháp lý giữa hai bên, nhưng ở showbiz VN, vì chưa thật chuyên nghiệp như nền giải trí Hàn, mà người Việt mình còn bị yếu tố tình cảm chi phối nhiều, dẫn đến dễ xảy ra những chuyện không thoải mái về nhau nên làm việc rất khó, cả khi có gút mắc cũng không thể kiện ra tòa được. Do đó, một là phải quản lý thật chuyên nghiệp; hai là hai bên thỏa thuận, thống nhất và dù có hợp đồng hay thỏa thuận đều phải tôn trọng nguyên tắc: rõ ràng về mặt tiền bạc”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Quản lý sao nhí không phải là “giữ tiền” !

Quán quân Thần tượng âm nhạc nhí 2016 Hồ Văn Cường cùng bố mẹ trong video xin lỗi mẹ nuôi Phi Nhung

Ảnh: chụp màn hình

Trẻ em có quyền tự chủ

Một đứa trẻ nổi tiếng từ sớm cần có sự quan tâm đặc biệt về giáo dục, tâm lý, nhân cách… Thực tế, sự nổi tiếng sớm có cả mặt tích cực lẫn tiêu cực. “Chẳng hạn, những hoạt động biểu diễn của các em có thể ảnh hưởng đến lịch sinh hoạt. Các em có thể mất đi một số cơ hội học tập, phát triển nếu tập trung quá nhiều thời gian cho việc biểu diễn, hoặc thiếu sự cân bằng với những hoạt động vui chơi theo đúng lứa tuổi”, PGS-TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), nhìn nhận. Ông cũng cho rằng: “Sự thành công dễ dàng chỉ đến trong thời gian ngắn hạn, còn để dài hạn phải có kế hoạch cho sự phát triển một cách bền vững. Trong khi, nhiều em đã quen với hào quang, khó trở lại cuộc sống bình thường được nữa. Điều đó dẫn đến việc các em sẽ thấy lạc lõng và có thể gây scandal hay làm những việc không chính đáng để gây chú ý”.
Theo ông Nam, luật Trẻ em cần có những hướng dẫn cụ thể hơn áp dụng với đối tượng trẻ em hoạt động trong môi trường nghệ thuật. “Trẻ em có quyền tự chủ. Tức là trong các việc tham gia, các em phải có ý thức hay được trao đổi về tất cả những điểm lợi, điểm hại khi làm việc đó. Các em cần được biết như thế nào là lạm dụng, bóc lột sức lao động”, ông Nam nói và nhấn mạnh về việc nâng cao ý thức của cộng đồng. “Bây giờ, nếu chỉ cứ nghĩ đến tiền, thấy các em làm ra được nhiều tiền là lợi dụng. Ngay cả bố mẹ thấy thế cũng cho là chuyện bình thường và nghĩ đó là cơ hội cho con thì đó là nhận thức không tốt. Bố mẹ cần là người đầu tiên thay đổi nhận thức đó”, ông Nam bày tỏ.
TS tâm lý Ngô Xuân Điệp, Trưởng khoa Tâm lý, Trường đại học KHXH-NV (Đại học Quốc gia TP.HCM), có cùng quan điểm: “Một đứa trẻ phải có cuộc sống vui vẻ hồn nhiên đúng lứa tuổi, đó mới là hạnh phúc của trẻ. Bởi, nếu bắt/cho trẻ biết tính toán tiền bạc, ganh đua, đề cao, PR bản thân quá sớm thì trẻ chỉ nhận lại sự đáng thương, vì lứa tuổi ấy khó mà cân bằng các yếu tố tâm lý, nên sẽ không được sống cuộc sống bình thường, bình yên theo đúng lứa tuổi”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.