Tự do nhưng phải đúng luật

13/06/2021 07:11 GMT+7

Không phải ngẫu nhiên mà chỉ trong vài buổi livestream của bà Phương Hằng , vợ ông Huỳnh Uy Dũng ( Dũng “lò vôi” ) đã lập tức thu hút sự chú ý của hàng trăm ngàn lượt người xem trực tiếp mỗi tối. Điều gì đã thành hấp lực nhiều người đến vậy?

Bỏ qua yếu tố tò mò của nhiều người, phải thừa nhận một điều rằng, qua những buổi livestream ấy, bà Phương Hằng đã dám “chạm” đến những điều mà lâu nay bị khuất lấp bởi nhiều lý do, trong đó có những góc khuất của giới nghệ sĩ luôn được ánh hào quang từ nghề nghiệp của họ phủ bóng. Cách nói huỵch toẹt, lại vận dụng các thành ngữ một cách nhuần nhuyễn, rồi diễn đạt theo cách của người dẫn chuyện khá chuyên nghiệp cũng là một yếu tố thu hút nhiều người. “Dĩ zãng dơ dáy dễ gì giấu giếm”, rồi “chúng ta tạm ứng niềm tin vào một số nghệ sĩ để rồi nhận lấy sự phản bội ở họ”… được bà Hằng diễn đạt trong những lần livestream giờ đã thành câu cửa miệng của giới trẻ mỗi khi họ đề cập đến một nội dung nào đó tương tự.
Có những điều, bà Hằng đề cập đến trong các buổi livestream không sai về mặt nội dung câu chuyện, như việc nghệ sĩ Hoài Linh nhận 14 tỉ của người hâm mộ để ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt nhưng đã 6 tháng rồi vẫn chưa giải ngân. Sau lần bà Phương Hằng đề cập vụ việc ấy, nghệ sĩ Hoài Linh đã phải thực hiện những cam kết bằng cách giải ngân cấp tập toàn bộ số tiền mà người hâm mộ đã gửi gắm cho ông. Hoặc như vụ “thần y” Võ Hoàng Yên chữa bệnh hiểm nghèo bằng những phương pháp “chả giống ai” nhưng vẫn có hàng trăm con bệnh tin tưởng để rồi thất vọng ê chề.

Buổi livestream của nữ doanh nhân Phương Hằng lập kỷ lục chưa từng có

Livestream là quyền tự do ngôn luận của mỗi công dân, pháp luật không cấm mọi người bày tỏ chính kiến, đề xuất nguyện vọng hoặc phê phán các hiện tượng xấu trong đời sống; song lợi dụng diễn đàn mạng để công kích cá nhân, bôi nhọ nhân phẩm, bới móc đời tư hoặc dựng chuyện để xúc phạm nhân phẩm người khác là vi phạm pháp luật. Cũng một nội dung ấy nhưng cách diễn đạt nặng tính “chợ búa”, ngôn ngữ đầu gấu hoặc tục tĩu, lệch chuẩn so với thuần phong mỹ tục của dân tộc cũng là những hành vi cần được chấn chỉnh. Không thể lợi dụng việc được phép livestream mà luật pháp không cấm là lên diễn đàn muốn nói sao cũng được.
Điều đáng ngại là, việc livestream của bà Phương Hằng ngoài việc thu hút đám đông, đa số là giới trẻ, nó còn đặt một tiền lệ xấu là nhiều người đang “noi theo” cách làm của bà ấy. Nguy hiểm hơn, vì là phát trực tiếp, cơ quan chức năng không thể “kiểm duyệt” như các kênh khác nên nhiều người lợi dụng hình thức này để mạt sát, chửi rủa, bới móc đời tư của nhau. Livestream lại không quy định độ tuổi để được hoặc không được xem nên cả những đứa trẻ vị thành niên cũng châu đầu vào xem những điều hết sức phi văn hóa nhưng chúng lại học theo rất nhanh các kiểu chửi bới ấy.
Điều muốn nói ở đây, những góc khuất của showbiz, những việc làm vi phạm đạo đức của cá nhân nào đó... bà Phương Hằng nếu có đủ chứng cứ hoàn toàn có thể tố cáo đến các cơ quan có trách nhiệm xử lý một cách chính trực chứ không thể dùng cách livestream dày đặc với ngôn từ thóa mạ để công kích gây sự chú ý của cộng đồng mạng.
Đã đến lúc cơ quan chức năng cần phải có những chế tài để áp dụng vào việc ngăn chặn hiện tượng livestream lệch chuẩn đã và đang diễn ra chứ không thể phạt tượng trưng rồi nhắc nhở “rút kinh nghiệm” như đã làm. Phải trả lại sự trong lành cho không gian mạng để người cần nói cũng như những ai cần nghe đều phải là những người có văn hóa trong ứng xử.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.