Quan ngại về tàu tiếp tế Trung Quốc ở Biển Đông

Văn Khoa
Văn Khoa
09/10/2019 07:31 GMT+7

Một số chuyên gia nhận định Trung Quốc sẽ dùng tàu tiếp tế mới cho những hoạt động nhằm phục vụ yêu sách chủ quyền phi lý của nước này ở Biển Đông.

Cách đây không lâu, Tân Hoa xã đưa tin tàu tiếp tế mới Tam Sa 2 đã hoàn tất chuyến hải hành đầu tiên từ TP.Văn Xương thuộc tỉnh Hải Nam của Trung Quốc đến cái gọi là “TP.Tam Sa”.
Trung Quốc ngang nhiên lập “TP.Tam Sa” hồi năm 2012 để tự cho mình quyền quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vốn thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam và đặt trụ sở chính quyền “TP.Tam Sa” trên đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa.
Tàu Tam Sa 2 dài 128 m, rộng 20,4 m, có lượng giãn nước 8.000 tấn và vận tốc tối đa 40 km/giờ. Tân Hoa xã còn khoe tàu có tầm hoạt động hơn 11.000 km, có thể bao phủ tất cả khu vực ở Biển Đông. Tàu được thiết kế để thực hiện nhiều nhiệm vụ, như vận tải, tiếp tế, cứu hộ, hỗ trợ y tế, khảo sát khoa học trên các đảo nhỏ và bãi đá ngầm.
Thuyền trưởng tàu Tam Sa 2 Tống Vĩ cũng khoe tàu có thể chở 400 người, 1.000 tấn nước ngọt và 20 container dài 10 m. Ông Tống cho biết thêm sau chuyến đầu tiên, Tam Sa 2 sẽ cùng 2 tàu tiếp tế khác Tam Sa 1 và Quỳnh Sa 3 luân phiên cung cấp dịch vụ cho cái gọi là “TP.Tam Sa”.
Tàu Tam Sa 1 dài 120 m, rộng 20 m, có lượng giãn nước 7.800 tấn, vận tốc 35 km/giờ và tầm hoạt động hơn 11.000 km. Từ chuyến đầu tiên hồi tháng 1.2015 đến tháng 1.2019, tàu này chạy hơn 200 chuyến, chở 110.000 người, 9.000 xe, 50.000 tấn nước ngọt và 90.000 tấn hàng, theo chuyên san The Diplomat.
Với khả năng vượt trội của tàu Tam Sa 2, một số chuyên gia quan ngại rằng tàu này có thể giúp Trung Quốc gia cố sức mạnh ở Biển Đông, cung cấp thêm nguồn lực cho những hoạt động nhằm phục vụ yêu sách chủ quyền phi lý của nước này ở khu vực.
Trong đó, Giáo sư Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Các vấn đề hàng hải và luật Biển tại Đại học Philippines, cho rằng thông qua việc đưa tàu Tam Sa 2 vào sử dụng, Trung Quốc đang mở rộng các khả năng trong tất cả lĩnh vực, theo báo International Business Times. Ông Batongbacal nhận định tàu Tam Sa 2 là “công nghệ mới nhất” giúp Trung Quốc thực hiện kế hoạch triển khai các nhà máy điện hạt nhân nổi để cung cấp điện cho những thực thể ở Biển Đông bị nước này chiếm đóng phi pháp, biến thành đảo nhân tạo và quân sự hóa.
Còn chuyên gia Dương Niệm Tổ thuộc Hội đồng nghiên cứu chính sách cấp cao (CAPS) ở Đài Loan cho rằng Tam Sa 2 có thể chở theo đạn dược, thực phẩm, nước và máy phát điện đến những thực thể bị Trung Quốc kiểm soát phi pháp. Tàu mới “sẽ gia tăng hỗ trợ hậu cần” cho binh sĩ Trung Quốc đóng trú trên những thực thể đó, theo ông Dương.
“Chỉ dấu quan trọng về ý đồ” của Trung Quốc
Trong bài bình luận đăng trên The Diplomat, ông Steven Stashwick, nhà nghiên cứu về các vấn đề hàng hải và an ninh Đông Á ở TP.New York (Mỹ), cho rằng Tam Sa 2 là tàu dân sự và sẽ không hữu ích trong việc tiếp tế cho các đảo nhân tạo phi pháp trong trường hợp xảy ra xung đột.
Theo ông, những tàu cần phải theo dõi nhiều hơn ở Biển Đông là tàu tiếp tế Type 904 của hải quân Trung Quốc, với kích thước lớn hơn 2 lần Tam Sa 2. Nếu xảy ra chiến tranh, tàu Type 904 sẽ dẫn đầu trong việc duy trì tiếp tế cho các căn cứ của Trung Quốc ở Biển Đông.
Cũng theo ông Stashwick, Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc, với địa bàn hoạt động ở Biển Đông, đang vận hành 5 tàu hậu cần và sắp nhận chiếc thứ 6. “Nếu những tàu đó bắt đầu chuyển động hoặc đóng thêm tàu cùng loại, đó sẽ là chỉ dấu quan trọng về những hoạt động và ý đồ của Trung Quốc ở khu vực”, ông Stashwick lưu ý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.