Trong nhiều cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh mục tiêu đến năm 2025 sẽ cơ bản đưa nền hành chính của TP.HCM vận hành trên nền tảng số. Để làm được điều này, TP.HCM sẽ tập trung tạo lập dữ liệu, phát triển dịch vụ công, triển khai app công dân số, nền tảng quản trị thực thi, hoàn thiện hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, đào tạo nguồn nhân lực, hoàn thiện thể chế.
Cách đây 2 năm, tháng 10.2022, TP.HCM hợp nhất hơn 40 cổng dịch vụ công riêng lẻ của các sở ngành, địa phương thành hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính. Hệ thống liên thông, kết nối hệ thống xác thực định danh công dân VNeID và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tích hợp Cổng dịch vụ công quốc gia.
Tính đến tháng 7.2024, Chủ tịch UBND TP.HCM đã ban hành 7 quyết định phê duyệt danh mục 966 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 611 dịch vụ công toàn trình và 355 dịch vụ công một phần. Hệ thống đã công khai 1.874 thủ tục hành chính, đồng thời cung cấp 672 tài khoản giám sát thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia cho các sở, ngành, địa phương.
Hệ thống này có năng lực xử lý khoảng 10.000 hồ sơ/ngày. Hiện 354 cơ quan, đơn vị tham gia với 10.000 tài khoản cán bộ, công chức và hơn 244.000 tài khoản công dân. UBND TP.HCM cho biết hệ thống đã và đang triển khai mở rộng kết nối với nhiều lĩnh vực, nhiều phần mềm chuyên ngành của các bộ, ngành và sở, ngành, địa phương nhằm chia sẻ dữ liệu phục vụ nhu cầu khai thác. Bên cạnh đó, để khuyến khích người dân nộp hồ sơ trực tuyến, TP.HCM quyết định miễn phí 98 thủ tục hành chính đến hết năm 2025, gồm các nhóm hộ tịch; cấp giấy phép cho người nước ngoài làm việc tại VN; cấp giấy phép xây dựng; đăng ký kinh doanh.
Số hóa hồ sơ và quy trình
Tại hội thảo về dữ liệu và chuyển đổi số ngày 18.9 vừa qua, bà Trần Thị Lan Hương, chuyên gia chuyển đổi số cao cấp Ngân hàng Thế giới, đánh giá chỉ số chuyển đổi số của TP.HCM tăng hạng và ở nhóm đầu trong số 63 tỉnh thành cả nước thể hiện sự nỗ lực của chính quyền. Bên cạnh đó, TP.HCM cũng là địa phương tiên phong về tạo lập dữ liệu, ban hành chiến lược dữ liệu sớm hơn cả cấp quốc gia. Chuyên gia này đề xuất TP.HCM cần sớm ban hành chính sách chia sẻ dữ liệu, xây dựng kiến trúc ứng dụng số, tập trung xác định phạm vi số hóa. "Chuyển đổi số và quản trị dữ liệu là một hành trình, cần phải cải tiến phù hợp với các tiến bộ công nghệ theo thời gian", bà Hương khuyến nghị.
Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT-TT, cho biết từ nay đến năm 2026, TP.HCM sẽ thúc đẩy quản trị của chính quyền dựa trên nền tảng số và dữ liệu số. Trong đó, mục tiêu đưa toàn bộ công tác quản trị hành chính dựa trên dữ liệu và đưa lên nền tảng số là mục tiêu rất khát vọng của TP.HCM.
Đối với dịch vụ công, ông Thắng cho hay bên cạnh số hóa hồ sơ cần phải số hóa toàn bộ quy trình nghiệp vụ giải quyết thủ tục hành chính, đưa lên nền tảng số. Khi các dịch vụ công trực tuyến đưa lên mức toàn trình, người dân và doanh nghiệp có thể làm gửi hồ sơ tại nhà mà không cần phải đến cơ quan hành chính. Ngoài ra, TP.HCM sẽ tập trung 4 nền tảng chuyên ngành lớn gồm quản lý đất đai, cấp phép xây dựng, học bạ điện tử, sổ sức khỏe điện tử.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa ban hành quy chế phối hợp quản lý, khai thác và cập nhật dữ liệu của Hệ thống quản trị thực thi TP.HCM trên nền tảng số.
Hệ thống này là phần mềm ứng dụng đa nền tảng để thực hiện công tác quản trị của chính quyền TP.HCM trên nền tảng số, có chức năng phục vụ: công tác chỉ đạo, điều hành của UBND TP.HCM và Chủ tịch UBND TP.HCM; theo dõi, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội; tổng hợp, thống kê, báo cáo của các đơn vị; tạo lập báo cáo, tiếp nhận báo cáo từ các đơn vị liên quan gửi về theo hướng tiện lợi, phục vụ truy xuất dữ liệu theo yêu cầu; tích hợp, chia sẻ dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo điều hành.
Hệ thống góp phần thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, tạo lập, chia sẻ, sử dụng và tái sử dụng dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước của TP.HCM, hướng đến quản trị điều hành, ra quyết định dựa trên dữ liệu.
Bình luận (0)