Quảng cáo vi phạm tràn lan

24/03/2022 05:28 GMT+7

Kết quả thống kê của Sở VH-TT TP.HCM cho thấy 30% số lượng quảng cáo ngoài trời trên địa bàn vi phạm quy định, trong đó có cả nhiều cơ quan nhà nước.

Trách nhiệm chồng chéo

“Ngành giao thông trả lời giúp bảng quảng cáo ở khu vực giao lộ Nguyễn Hữu Cảnh - Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Thị Minh Khai - Phạm Viết Chánh nằm trên đất giao thông có được cấp phép không”, ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM, đặt câu hỏi tại buổi khảo sát về hoạt động quảng cáo diễn ra hôm qua (23.3).

Bảng quảng cáo vi phạm nằm trong khuôn viên Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam (Bộ KH-CN) đã tháo bạt, còn trơ khung

Sỹ Đông

Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT), cho biết bảng quảng cáo ở giao lộ Nguyễn Hữu Cảnh - Nguyễn Bỉnh Khiêm thì được cấp phép, còn ở giao lộ Nguyễn Thị Minh Khai - Phạm Viết Chánh thì không. Theo ông Đường, các trụ quảng cáo nằm trên hành lang giao thông phải có ý kiến thẩm định và cho phép của Sở GTVT. Hiện ngành giao thông cấp phép cho 979 trụ bảng quảng cáo, hộp đèn trên đất giao thông, công viên. Kinh phí cho thuê được nộp về Quỹ bảo trì đường bộ từ năm 2015, đến nay tổng cộng hơn 36 tỉ đồng, được dùng vào công tác bảo trì hệ thống giao thông đường bộ.

Sở VH-TT TP.HCM đề xuất thu phí đối với người dân và doanh nghiệp có nhu cầu treo băng rôn

Đáng nói, số vị trí mà ngành giao thông cấp phép thấp hơn số trụ quảng cáo mà Sở VH-TT TP.HCM thống kê hồi năm 2021 với 1.154 bảng quảng cáo tấm lớn. Ông Trần Thanh Vương, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở VH-TT), cho hay quảng cáo ngoài trời chiếm 20% quy mô và doanh thu quảng cáo của TP.HCM, 80% còn lại đến từ mạng xã hội, truyền hình, phát thanh… Kết quả rà soát cho thấy có đến 30% vị trí quảng cáo sai quy định, chưa đủ pháp lý thực hiện như nằm trên đất giao thông, công cộng, nhà dân khi chưa có văn bản chấp thuận của Sở VH-TT. Ngoài ra, tình trạng quảng cáo sai nội dung, vi phạm về sử dụng tiếng nước ngoài, phát tờ rơi rao vặt, dán quảng cáo trên cành cây, cột điện vẫn còn diễn ra. Dù vậy, số vụ kiểm tra và xử phạt còn khiêm tốn khi Thanh tra Sở VH-TT năm 2021 xử lý 145 vụ với số tiền phạt gần 2 tỉ đồng.

Cùng một lĩnh vực quảng cáo nhưng chồng chéo nhiều sở ngành quản lý là nguyên nhân chính khiến các vi phạm về quảng cáo không được xử lý triệt để. Một nguyên nhân khác là đến nay TP.HCM vẫn chưa phê duyệt quy hoạch quảng cáo ngoài trời.

Cơ quan nhà nước cũng vi phạm

Trưa 23.3, PV ghi nhận tại khu vực giao lộ Nguyễn Thị Minh Khai - Phạm Viết Chánh (P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1) có 2 trụ bảng quảng cáo lớn với nội dung cổ động chính trị. Một hộp nhỏ bên dưới ghi đơn vị thực hiện là Trung tâm văn hóa Q.1 và T-ICON, được cấp phép ngày 10.8.2020. Đối chiếu với thông tin từ Sở GTVT khẳng định chưa cấp phép cho 2 bảng quảng cáo này thì Trung tâm văn hóa Q.1 đã làm bảng quảng cáo “chui” ít nhất gần 2 năm. Còn tại vòng xoay Điện Biên Phủ - Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhiều bảng quảng cáo ở tòa nhà và trong khuôn viên Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam (Bộ KH-CN) cũng được cơ quan chức năng xác định là không phép và sai kích thước quy định. Sau khi báo chí phản ánh nửa tháng trước, đơn vị này mới tháo bạt quảng cáo, khung sắt vẫn nằm trơ trọi.

Những vi phạm về quảng cáo của cơ quan nhà nước không phải là hiếm, bởi ngay một địa bàn có rất ít quảng cáo ngoài trời như H.Hóc Môn, thì tấm bảng quảng cáo rộng hơn 20 m2 dựng phía trên chợ Hóc Môn vi phạm hơn 1 năm trời nhưng chưa được tháo dỡ. Lãnh đạo Phòng VH-TT H.Hóc Môn nói rằng năm 2021 do tập trung công tác chống dịch nên chưa sát sao. Hay như quảng cáo dọc đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (TP.Thủ Đức) vi phạm nhưng lãnh đạo địa phương phân trần rằng không thể tiếp cận hồ sơ, vì các trụ quảng cáo này nằm trên hành lang giao thông do Bộ GTVT quản lý.

Không đồng tình với cách lập luận của các địa phương, ông Cao Thanh Bình cho rằng nếu cơ quan nhà nước vi phạm thì phải xử lý nghiêm khắc. Ông Bình nhìn nhận, khâu hậu kiểm của nhiều địa phương đang bị quá tải, như Q.1 có hơn 10.000 biển hiệu thì rất khó để quản lý chặt chẽ theo quy định, nhưng không thể vì khó làm mà bất lực.

“Có thể không cưỡng chế hết mọi trường hợp được nhưng có thể lấy một số đơn vị làm gương, như một vài cơ quan, đơn vị nhà nước. Nếu nói của cơ quan nhà nước nên khó xử lý là không chấp nhận được”, ông Bình nói.

Liên quan đến quy hoạch quảng cáo ngoài trời, ông Bình đề nghị Sở VH-TT sớm hoàn thiện, trình UBND TP.HCM thông qua trong tháng 6.2022 để các địa phương thực hiện, trong đó có lộ trình xử lý các bảng quảng cáo không đúng quy hoạch.

Thu phí quảng cáo trụ đèn chiếu sáng

Theo Sở VH-TT TP.HCM, hiện tình trạng treo băng rôn quảng cáo thương mại trái phép trên trụ đèn chiếu sáng, cây xanh rất nhiều và không thể kiểm soát hết. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu khai thác hình thức quảng cáo thương mại bằng hình thức treo băng rôn. Do vậy, Sở VH-TT đề xuất HĐND và UBND TP.HCM tính phí quảng cáo đối với hình thức quảng cáo treo băng rôn trên các trụ đèn chiếu sáng trên địa bàn để tăng nguồn thu cho ngân sách. Ngoài ra, Sở VH-TT cũng kiến nghị TP.HCM giao Sở GTVT và Sở Tài chính tham mưu phương án quản lý đấu thầu thu phí các vị trí quảng cáo trên đất công, công viên, phương tiện giao thông công cộng do nhà nước quản lý để tăng nguồn thu cho ngân sách.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.